Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ tiếp tục dưới một hoặc các hình thức nào đó, song phương hoặc đa phương. Tự do hóa thương mại là xu hướng không thể đảo ngược.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: TPP chắc chắn sẽ tiếp tục

03/03/2017, 13:29

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ tiếp tục dưới một hoặc các hình thức nào đó, song phương hoặc đa phương. Tự do hóa thương mại là xu hướng không thể đảo ngược.

Ông Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí sau lễ công bố Sách Trắng 2017 tại Hà Nội

Xu hướng không thể đảo ngược

Tại Lễ công bố Sách trắng năm 2017 về Thương mại và Đầu tư do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua (2.3), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ tiếp tục dưới một hoặc các hình thức nào đó, song phương hoặc đa phương.
Tự do hóa thương mại - xu hướng không thể đảo ngược

Theo ông Vũ Tiến Lộc, tất cả các nước TPP, kể cả Mỹ, đều không muốn lãng phí 6 năm đàm phán và đặc biệt là lãng phí những cơ hội lớn mà TPP có thể mang lại cho tất cả các nước.

Vì thế, Chủ tịch VCCI cho rằng, TPP chắc chắn sẽ tiếp tục dưới một hoặc các hình thức nào đó, song phương hoặc đa phương. Chỉ có điều thời điểm hiện thực hóa các cam kết TPP sẽ bị đẩy lùi so với dự kiến trước đây là 2018.

Ông Lộc nhấn mạnh, trên con đường hội nhập của Việt Nam thời gian qua, việc đàm phán, cam kết và thực thi WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa mở đường đặc biệt quan trọng.

Tới nay, Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 10 FTA, đã kết thúc đàm phán 2 FTA và đang đàm phán 4 FTA khác, với tổng cộng 54 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Trong số đó, hai hiệp định lớn nhất, tham vọng nhất, tiêu chuẩn cao nhất là TPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hai hiệp định này đã kết thúc đàm phán nhưng chưa được phê chuẩn.

Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào TPP và EVFTA không chỉ ở quy mô đặc biệt lớn của thị trường các đối tác, không chỉ ở các lợi ích thương mại ấn tượng được kỳ vọng, mà còn ở cơ hội hiện thực hóa các tiêu chuẩn hiện đại về thể chế kinh tế theo xu hướng thế giới, ông Lộc đánh giá.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Chủ tịch VCCI lưu ý, giá trị cốt lõi của hội nhập và tự do hóa thương mại đang bị thử thách ở các góc độ và mức độ khác nhau. Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tiếp tục là một xu hướng không thể đảo ngược.

Khi xu hướng tự do hóa thương mại bị thách thức, Việt Nam càng cần có nhiều quyết tâm và hành động thực chất hơn để tiếp tục đi những bước vững chắc trên con đường này, ông Lộc nhấn mạnh.

Liệu EVFTA có phải là lựa chọn thay thế?

Chủ tịch VCCI nhận định, trong điều kiện hiện nay, như một điều tự nhiên, những kỳ vọng và mong chờ được dồn nhiều hơn về phía EVFTA - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song hành cùng TPP.

Bản thân EVFTA vốn đã là một kỳ vọng lớn của Việt Nam, ông Lộc cho biết. Việc mở ra con đương ưu tiên lần đầu tiên cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường rộng lớn của 28 nước thành viên EU, cũng như tạo ra một đòn bẩy quan trọng cho tiến trình cải cách thể chế kinh tế trong nước thông qua các tiêu chuẩn cao về các vấn đề quy tắc bên trong đường biên giới. Hiện nay, trong bối cảnh một TPP khó đoán định, EVFTA đang còn được trông chờ hơn nữa.

Tuy vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, vì nhiều lý do, EVFTA cũng đã bị lỡ một nhịp trong lịch trình hiện thực hóa, với việc đẩy lùi kế hoạch ký kết năm 2016 sang năm nay. Vì thế, thời điểm có hiệu lực của hiệp định này cũng bị đẩy lùi tương ứng.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, 2017 được dự báo là một năm khó khăn với EVFTA khi một số nền kinh tế quan trọng của EU như Đức, Pháp, Hà Lan đang chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống/Thủ tướng mới. Bên cạnh đó, EU nói chung đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như nhập cư, nợ công, Brexit...

Với phân tích trên, ông Lộc cho rằng, để EVFTA sớm được hiện thực hóa, có ít nhất 3 giải pháp cần phải tập trung làm ngay, đó là: Nỗ lực thúc đẩy việc ký kết chính thức và phê chuẩn EVFTA, tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ (trong đó có việc chủ động hiện thực hóa một số cam kết thể chế trong hiệp định này), và chuẩn bị thực chất về thông tin, năng lực cạnh tranh, về các điều kiện sản xuất kinh doanh để có thể tận dụng theo cách hiệu quả nhất, đầy đủ nhất các cơ hội từ EVFTA.

Ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham khẳng định, trong bối cảnh Hiệp định TPP đang khó đoán định, EVFTA có khả năng trở thành dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 và sau này. EVFTA cũng khiến Việt Nam trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với EVFTA. Bộ Công thương mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam để tạo điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp phát triển hài hòa.

Trần Ngọc/VOV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: TPP chắc chắn sẽ tiếp tục