Nhiều tỉnh thành đang được doanh nghiệp tặng xe đắt tiền làm xe công. Các vị lãnh đạo địa phương nên ứng xử thế nào? Nhận hay không? Xung quanh câu chuyện đang là tâm điểm dư luận này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Từng làm lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, cơ quan cũng phải mua sắm, sử dụng, điều phối xe công, cá nhân ông nhìn nhận thế nào về việc nhiều địa phương được doanh nghiệp tặng xe công thời gian qua?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng mọi sự tặng cho tạo ra xung đột lợi ích, thì đều không nên.
Địa phương nhận xe của doanh nghiệp thì cũng giống như bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân. Người bác sĩ sẽ phải quan tâm hơn đến bệnh nhân đã biếu phong bì. Thế các bệnh nhân khác thì sao? Một bệnh nhân tặng phong bì sẽ gây áp lực bắt buộc các bệnh nhân khác cũng sẽ phải tìm cách để tặng. Hiệu ứng tặng quà cũng sẽ như vậy đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhận quà thì sẽ dễ bị há miệng mắc quai. Và điều này xung đột với chức năng quản lý của địa phương.
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau - Ảnh: Tuổi trẻ |
- Theo quy định hiện hành, ai giữ chức vụ gì được sử dụng xe gì... đã rất chặt chẽ. Nếu cán bộ thuộc sử dụng xe do ngân sách nhà nước mua vượt tiêu chuẩn là vi phạm rõ ràng, nhưng nếu cán bộ nào đó lại sử dụng xe vượt tiêu chuẩn mà xe này lại có từ nguồn gốc là quà được cho, được biếu tặng... thì sao?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, xin khẳng định: Không bao giờ nên nhận xe của đối tượng mình đang quản lý.
Nếu xe được tặng không thuộc đối tượng bị quản lý, thì đó vẫn sẽ trở thành tài sản của nhà nước. Tài sản của nhà nước phải được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Nghĩa là vượt tiêu chuẩn thì không được sử dụng.
- Còn việc một số cán bộ sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn nhưng lại sử dụng không thường xuyên, tức là có khi họ sử dụng xe đúng tiêu chuẩn, khi khác lại ngồi xe vượt tiêu chuẩn…. những trường hợp này nên được nhìn nhận thế nào cho đúng?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta có nhiều xe công nhưng lại để phục vụ riêng cho các quan chức có tiêu chuẩn.
Nếu xe vượt tiêu chuẩn không được bố trí để phục vụ riêng cho một quan chức nào đó thì không có vấn đề gì. Nếu phải đi đón khách quốc tế mà phải ngồi xe vượt tiêu chuẩn thì cũng được chứ sao.
- Việc doanh nghiệp tặng xe công cho cơ quan nhà nước gần như chắc chắn là việc làm "đúng quy trình" nhưng người dân thì vẫn băn khoăn tại sao họ tặng xe, phải có mục đích động cơ gì đó, việc này thật sự là rất khó minh định phải không, thưa ông?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng quy trình là một chuyện. Đúng đạo lý, đúng pháp luật lại là chuyện khác.
Người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý. Đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý.
- Đó là bên tặng, còn bên nhận món quà biếu tặng đó nữa. Ví dụ, nếu ông ở cương vị Bí thư, Chủ tịch một tỉnh, ông nghĩ gì nếu một doanh nghiệp nào đó gợi ý tặng một chiếc xe công đắt tiền cho tỉnh ủy hay ủy ban?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Sứ mệnh của Bí thư, Chủ tịch tỉnh là phụng sự nhân dân tỉnh. Lợi ích của nhân dân, lợi ích của tỉnh phải là tối thượng. Việc nhận xe, nhận quà có xung đột với sứ mệnh của lãnh đạo tỉnh hay không, có ảnh hưởng đến lợi ích của tỉnh hay không là những câu hỏi cần phải được trả lời một cách trung thực và khách quan nhất?
Nếu câu trả lời là có thì không bao giờ nên nhận bất cứ một thứ quà gì. Ngoài ra, là người của công chúng, lãnh đạo tỉnh cũng cần cân nhắc xem công chúng đánh giá việc nhận quà đó như thế nào để quyết định có nhận hay không.
- Vừa rồi báo chí cũng dẫn lại thông tin về việc một số địa phương đã giải trình với Thủ tướng về việc nhận xe sang. Ví dụ, về 2 chiếc xe Lexus của Công ty Công Lý. Cà Mau giải trình “Việc tặng xe là nhằm mục đích phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng. Họ cũng viện dẫn nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10.4.2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập sở hữu; Thông tư 159/2014/TT-BTC ngày 27.10.2014 của Bộ Tài chính… và ý kiến đề xuất của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản (tiếp nhận tài sản sung vào tài sản công của tỉnh) đối với 2 xe ô tô được tặng. Là một chuyên gia luật pháp, ông có bình luận gì?
- Về mặt pháp lý, chúng ta cần quan tâm đến quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật phòng chống tham nhũng. Khoản 3, điều 40 của luật này quy định như sau: “Nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”.
Mà chúng ta đều biết Công ty Công lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh, nên chứng minh sự bất vụ lợi của hành vi cho và nhận ở đây là rất khó khăn.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh, Luật phòng chống tham nhũng còn nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Khoản 2, điều 40, Luật phòng chống tham nhũng).
- Cà Mau còn nói rằng, tại thời điểm cho và nhận xe Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm Chính phủ không có chủ trương mua xe công, trong khi tỉnh Cà Mau đang thiếu rất nhiều xe sử dụng. Chính vì vậy, Công ty Công Lý đặt vấn đề nhiều lần với tỉnh và sau đó có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ rằng mục đích tặng xe cho tỉnh Cà Mau là để phục vụ tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, cháy rừng… không tặng cho riêng cá nhân nào. Theo ông như vậy có hợp lý không?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng tỉnh Cà Mau hơi đơn giản ở đây. Cũng có thể đây là việc rất mới mà tỉnh lại chưa có đủ các chuyên gia pháp lý.
Theo Lan Anh/VietnamNet