Hãng AP đưa tin loài chuột vô tình được đưa đến đảo Marion nằm gần Nam cực đang sinh sản vượt tầm kiểm soát do biến đổi khí hậu. Chúng ăn thịt nhiều loài chim biển, gây nên thiệt hại đáng kể cho đa dạng sinh học.
Khoa học - công nghệ

Chuột sinh sản vượt tầm kiểm soát do biến đổi khí hậu

Cẩm Bình 17/03/2024 17:00

Hãng AP đưa tin loài chuột vô tình được đưa đến đảo Marion nằm gần Nam cực đang sinh sản vượt tầm kiểm soát do biến đổi khí hậu. Chúng ăn thịt nhiều loài chim biển, gây nên thiệt hại đáng kể cho đa dạng sinh học.

Các nhà bảo tồn chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêu diệt hàng loạt bằng cách sử dụng trực thăng thả lượng lớn thuốc chuột xuống đảo. Nhưng chỉ cần một cá thể mang thai sống sót thì mọi công sức đều uổng phí.

Kế hoạch trên rất quan trọng không chỉ với hệ sinh thái Marion mà còn với Nam Đại Dương. Đây sẽ là chiến dịch diệt chuột lớn nhất từ trước đến nay.

chuot.jpg

Marion đóng vai trò môi trường sống yên tĩnh hiếm hoi của gần 30 loài chim gồm cả hải âu. Thế kỷ 19, chuột theo tàu săn hải cẩu đến đảo rồi trở thành thú có vú săn mồi đầu tiên tại đây.

Tiến sĩ Anton Wolfaardt (người dẫn đầu kế hoạch diệt chuột) cho biết vài thập niên qua chuột gây ra thiệt hại đáng kể. Số lượng chuột tăng vọt chủ yếu do biến đổi khí hậu biến hòn đảo lạnh lẽo thành nơi ấm áp và khô ráo hơn.

“Hiện tại trên đảo Marion, mùa sinh sản của chuột kéo dài dẫn đến mật độ loài này tăng mạnh”, theo ông Wolfaardt.

Chuột sở hữu khả năng sinh sôi đáng kinh ngạc. Cá thể đủ 60 ngày tuổi đã có thể sinh sản, một con cái đẻ được 4 - 5 lứa/năm, mỗi lứa 7 - 8 con.

Ước tính số lượng chuột ở Marion vào khoảng hơn 1 triệu. Chúng săn lùng động vật không xương sống cùng chim biển (cả con non lẫn con trưởng thành). Một con chuột có thể ăn chim lớn hơn chúng gấp nhiều lần. Các nhà bảo tồn từng chụp được ảnh chuột đang thưởng thức bữa ăn là hải âu con.

Quy mô cùng tần suất chuột ăn chim tăng một cách đáng báo động từ sau lần ghi nhận đầu tiên năm 2003. Chim trên đảo chưa phát triển cơ chế phòng vệ nên thường chẳng bay đi lúc chuột tiếp cận, thậm chí có trường hợp nhiều con chuột cùng nhắm đến một con chim.

Các nhà bảo tồn lo ngại nếu không hành động, trong vòng 50 đến 100 năm tới 19 loài chim sẽ biến mất khỏi Marion. Ông Wolfaardt nhận định tương lai đảo bị đe dọa nghiêm trọng.

Tình trạng chuột ăn chim cũng xảy ra ở nhiều đảo khác. Đảo South Georgia từng lâm vào cảnh tương tự, nhưng đến năm 2018 đã sạch bóng loài gặm nhấn nhờ chiến dịch tiêu diệt hàng loạt.

Hy vọng chiến dịch chuẩn bị thực hiện ở Marion đạt được thành công giống như vậy. Ông Wolfaardt cho biết 4 - 6 trực thăng sẽ thả 550 tấn thuốc chuột khắp hòn đảo. Máy bay di chuyển theo lộ trình chính xác và các nhà bảo tồn theo dõi toàn bộ quá trình bằng bản đồ GPS.

Thuốc chuột được sử dụng không ảnh hưởng đến đất, nguồn nước lẫn chim biển. Một số loài có thể bị hưởng ở cấp độ cá thể nhưng sẽ sớm hồi phục.

Do khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn nên thời gian thực hiện chiến dịch dự kiến là năm 2027. Kế hoạch còn cần được giới chức Nam Phi thông qua.

Trong quá khứ giới khoa học từng thử kiểm soát số lượng chuột bằng mèo. Những năm 1940 có 5 con mèo được đưa đến đảo, 30 năm sau số lượng mèo tăng lên 2.000, mỗi năm chúng lại giết chết nửa triệu con chim biển. Cuối cùng mèo bị loại bỏ bởi vi rút cúm và hoạt động săn lùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
12 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuột sinh sản vượt tầm kiểm soát do biến đổi khí hậu