Nói không quá đáng, suốt thời gian dài, con lợn đã cứu con người. Dù vẫn bị gọi là lợn nhưng địa vị của nó được nâng cao rõ rệt. Nó chỉ cần bỏ cám là cả nhà đã cuống lên, lo hơn lo cho người bệnh.

Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 2)

10/02/2019, 07:56

Nói không quá đáng, suốt thời gian dài, con lợn đã cứu con người. Dù vẫn bị gọi là lợn nhưng địa vị của nó được nâng cao rõ rệt. Nó chỉ cần bỏ cám là cả nhà đã cuống lên, lo hơn lo cho người bệnh.

Cân lợn bán cho thương nghiệp nhà nước - Ảnh: Tư liệu/Internet

Kỳ 1: Chuyện con lợn nhân năm Hợi​

Như đã biên kể trong bài trước, ở nông thôn miền Bắc những năm thập niên 1960 - 1980, còn gọi là thời bao cấp, con lợn chả khác gì một thành viên quan trọng trong gia đình. Có thể không nuôi chó, nuôi trâu, mèo, gà… nhưng dứt khoát phải nuôi lợn. Đến khi thời bao cấp bị tụt xuống đáy thảm hại, kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng thì không chỉ nông dân nuôi lợn mà ngay cả cán bộ, công chức, dân thành thị cũng rước ông ỉ về nhà. Nói không quá đáng, suốt thời gian dài, con lợn đã cứu con người. Dù vẫn bị gọi là lợn nhưng địa vị của nó được nâng cao rõ rệt. Nó chỉ cần bỏ cám là cả nhà đã cuống lên, lo hơn lo cho người bệnh.

Thời bao cấp, người ta vẫn truyền tai nhau “sự tích” Giáo sư Văn Như Cương (thực ra cụ chỉ Phó giáo sư, người đời cứ gọi thế cho gọn) nuôi lợn. Hồi những năm 1980, thầy Văn Như Cương là ông giáo dạy toán nổi tiếng đất Hà thành và cả miền Bắc, nhưng cũng như hầu hết thầy cô giáo khi đó, đồng lương chết đói không đủ nuôi thân chứ nói gì nuôi gia đình. Thầy Cương ở khu tập thể (chung cư), tuốt trên tầng cao, ngăn hẳn cái nhà tắm vốn đã bé tí làm chuồng lợn. Rau bèo cám bã đã đành phải lôi tuốt lên lầu, ngay cả nước non cũng hiếm, lại phân lợn nữa, khó tránh khỏi mùi hôi. Lợn càng lớn, mùi hôi càng đậm. Ráng chịu chứ biết làm thế nào. Sau vài lứa đầu, tiền lời bán lợn cũng kha khá, cụ “làm ăn lớn” nuôi hẳn vài con cho hoành tráng. Gia đình cụ cắn răng chịu cảnh ô nhiễm nhưng hàng xóm thì không thể chịu. Họ làm đơn thưa với chính quyền. Đoàn kiểm tra liên ngành tới xem thực hư thế nào. Chả nhẽ một giáo sư toán nổi tiếng cũng phải nuôi lợn kiếm sống. Leo hàng chục bậc cầu thang, chưa tới nhà đã ngửi mùi lợn mùi phân nồng nặc. Không sai. Lập biên bản, ghi rõ “giáo sư Văn Như Cương nuôi lợn…”, đề nghị thầy ký vào. Cụ giáo đọc xong, không chịu, sửa lại “Lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương” rồi mới ký tên xác nhận. Thời ấy nhiều người biết chuyện này, một thứ ký ức lịch sử điển hình về những năm tháng bao cấp.

Chuyện cụ Cương tuốt ngoài Hà Nội tôi chỉ được nghe kể lại, chứ chuyện gần thì chính tôi chứng kiến. Nói đâu xa, khu tập thể giáo viên tôi ở, số 43-45 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, Sài Gòn, ai cũng rõ nhà thầy Su nuôi lợn. Thầy Nguyễn Văn Su là Phó hiệu trưởng, từ quân đội chuyển qua. Chung cư, mỗi giáo viên được cấp 1 phòng chừng 20m2, thầy Su là lãnh đạo nên được 2 phòng. Nhà leo tận lầu 2 (tức tầng 3), thầy hiệu phó dành hẳn 1 căn nuôi lợn. Băm rau thình thình suốt ngày. Nấu cám ngoài hành lang, mịt mù khói tỏa. Vợ con thầy ra chợ An Đông nhặt nhạnh đầu cá, rau úa, xin nước gạo chua về nấu phục vụ các ông heo (thầy Su gọi vậy). Cái mùi đặc trưng cám bã vốn đã khó chịu, lại thêm chất phế thải cá ươn cá thối làm thức ăn cho lợn bốc tỏa ngày này qua ngày khác khiến những nhà trong khu tập thể không khác gì bị khủng bố. Rồi phân heo, không có chỗ đổ, vợ con thầy trút hết xuống cống. Cứ đêm 30 Tết năm nào cũng vậy, cả nhà thầy cũng chạy rầm rầm đi đổ phân heo xuống bãi rác ngoài đường. Ô nhiễm cả không khí lẫn nguồn nước. Biết bị tra tấn nhưng mọi người đều ngại, một phần thầy là lãnh đạo, phần khác hiểu rằng chẳng qua bí quá phải liều thôi chứ ai muốn khổ sở vất vả thế làm gì. Nhà thầy Su nuôi lợn thì nhà mình cũng nuôi gà công nghiệp, nhà khác xây hồ nuôi cá trê phi, có khác mấy đâu. Cái quá khứ hãi hùng ấy cứ theo đuổi biết bao người mãi tới tận giữa thập niên 90 mới tạm nhạt.

Có một lần, tôi đi dạy về, thấy đám đông ồn ào xôn xao ở cầu thang và hành lang lầu 2. Tưởng vụ gì nghiêm trọng, hay là ai chết, ai cấp cứu, liền tò mò ghé vào. Hóa ra mấy con lợn mỗi con đã vài chục ký của nhà thầy Su bị bệnh. Chả biết ăn phải thứ chi độc địa, bỏ cám đã mấy hôm nay. Vợ con thầy khóc lóc, lo lắng, chạy ngược chạy xuôi, mời anh thú y về chạy chữa. Thuốc men đủ đường, thậm chí mua sữa cho lợn uống. Không khỏi, đành đóng rọ đem ra chợ cân, bán rẻ, lỗ vốn. Không khí như nhà có tang. Tôi bảo, làm chi mà nghiêm trọng quá. Thầy Vy cùng tầng giải thích, còn hơn cả nghiêm trọng, sống nhờ lợn, vinh hiển xênh xang nhờ lợn, mà nay nó bệnh, mai nó bỏ cám, có khác gì nó giết mình.

Một người khác nữa, tôi biết cụ thể, là bác ruột chị dâu tôi. Cụ Lê Quang Ngoạn mang hàm đại tá (thời ấy to lắm), Cục phó Cục cảnh vệ, Bộ Nội vụ (Công an bây giờ). Cụ làm quan to nhưng sống tử tế, liêm khiết, giữ mình trong sạch. Nhà cụ ở là nửa căn biệt thự, tầng trên, góc phố Tăng Bạt Hổ, cụ bà và các con cháu tận dụng góc vườn làm cái chuồng lợn, nuôi mấy con. Rau bèo cám bã mua ngoài chợ, cụ bà tự nấu, chăm sóc đàn lợn làm hậu phương vững chắc, chỗ dựa kinh tế cho cụ ông yên tâm công tác. Năm này qua năm khác, tiền càng ngày càng mất giá, lương mấy cha con không đủ sống, đàn lợn từ tay cụ bà đã góp phần quan trong nuôi cả gia đình những tháng năm khốn khó. Sực nghĩ, chỉ thời ấy, mới có những cán bộ như thầy Phó hiệu trưởng Su, Cục phó Ngoạn, chứ bây giờ chưa lên ông nọ bà kia đã biết cách moi tiền rồi, nuôi lợn chỉ là chuyện cổ tích.

Trong đời mình, tôi đã có thời làm xã viên nuôi lợn. Hợp tác xã làng Trà Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi giống như mô hình nhiều hợp tác xã khác ở miền Bắc đều có trại chăn nuôi. Làm ăn lớn phải thế. Cứ như cán bộ huyện, cán bộ trung ương về phổ biến thì ban đầu chỉ nuôi lợn, sau tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội sẽ chuyển thành nông trường, nuôi cả bò sữa, gà công nghiệp, trồng các loại cây công nghiệp chứ không cần trồng lúa nữa. Trại chăn nuôi được xây bằng gỗ đá phá từ đình làng. Cái đình có từ thời nhà Mạc thế kỷ 16, hàng chục cột gỗ lim cao vút to hơn vòng tay ôm, nâu bóng, đình vào hạng to nhất vùng duyên hải Hải Phòng, nhưng cán bộ bảo là tàn dư phong kiến, phải phá đi lấy gỗ đá ngói xây trại chăn nuôi. Chả biết có phải xây bằng thứ vật liệu đặc biệt ấy mà đàn lợn của hợp tác con nào cũng còi cọc, gầy giơ xương. Đám học trò cấp 2 chúng tôi, ngoài giờ học, tranh thủ vớt bèo, kiếm rau nộp cho trại, tính thành công điểm. Mãi tới khi tôi đi học xa vẫn chỉ thấy ở cuối khu thành phủ cũ dãy chuồng lợn xập xệ, mục nát, chưa hề nhìn bóng dáng nông trường, trại bò sữa, trại gà công nghiệp mà mình từng được giác ngộ, vẽ trong mơ.

Chuyện trại chăn nuôi, người ta cũng truyền nhau giai thoại có hợp tác xã kia được bộ máy tuyên truyền, báo chí phong là điển hình về chăn nuôi lợn. Lần ấy, được báo tin có đoàn khắp nơi về thăm học tập, chủ nhiệm cuống lên, đến từng nhà xã viên mượn lợn để lấp đầy chuồng. Khách tới, sau một hồi nghe báo cáo điển hình, thong thả ra trại để mục sở thị những đàn lợn béo tốt hồng hào ra sao. Chưa vào tới sân, đã nghe lợn cắn nhau chí chóe, ầm ĩ. Thì ra lợn mượn, vốn chẳng quen nhau, không thể chung chuồng, nói chi chung máng cám. Chuyện thành tích của hợp tác xã thời xưa đại loại như vậy nhiều lắm.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 2)