Ngày 7.11, phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính, sự nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc xếp lương như vậy để thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương và Nghị quyết 29 về giáo dục.
Từ thông tin này, hàng triệu thầy cô giáo trên cả nước lại khấp khởi vui mừng. Bình luận dưới mỗi bài viết và trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến bàn tán rôm rả.
Từ trước tới nay, chuyện lương nhà giáo luôn là bài toán hóc búa chưa có lời giải. Trong nhiều nghị quyết của Đảng, vấn đề xếp lương cho nhà giáo cao hơn các ngành nghề khác trong xã hội cũng đã được đề cập nhiều lần. Còn nhớ, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 7) năm 1996 đã quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nội dung ấy tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Thế nhưng qua thời gian, mọi việc hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và điệp khúc lương nhà giáo vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Vậy nên sẽ không có gì lạ khi thông tin về lương giáo viên vừa được công bố đã tạo ra dư luận xã hội sôi nổi.
Đâu đó đã có những ý kiến cho rằng năm nào Nhà nước cũng đưa vấn đề này lên bàn hội nghị và rồi cuối cùng sự việc lại chìm nghỉm và đi vào quên lãng mang theo bao nỗi mong chờ của đội ngũ nhà giáo. Đúng là chúng ta đã từng nghe rất nhiều về nội dung này nhưng lần này đích thân Bộ trưởng Nội vụ hứa trước Quốc hội thì có thể sẽ khả thi hơn.
Tuy nhiên cũng cần rạch ròi và hiểu đúng phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ, đó là hứa sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chứ không phải hứa “giáo viên sống được bằng lương” như đã lâu rồi có người từng hứa. Bảng lương hành chính sự nghiệp lại lệ thuộc vào nguồn lực của đất nước, vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Nếu kinh tế tăng trưởng chậm chắc chắn lương sẽ không thể tăng cao và cho dù có được xếp ở thang bảng cao nhất thì số thực lãnh cũng không nhiều.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng nếu lương không đủ sống thì tại sao giáo viên không nghỉ kiếm việc khác có thu nhập cao hơn mà cứ ngồi đó kêu ca. Xin thưa, đó là những phát ngôn thiếu suy nghĩ và xúc phạm đội ngũ đông đảo những nhà giáo chân chính đang từng ngày từng giờ đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Cho dù lương thấp, đời sống khó khăn, song rất nhiều người yêu quý nghề nghiệp của mình, trân trọng nghề nghiệp đã chọn.
Vả lại, hầu như tất cả những người chọn nghề giáo là những người được đào tạo chuyên sâu với chuyên môn hẹp là đi giảng dạy, nên đâu phải ai bỏ nghề cũng có thể tìm được công việc phù hợp với thu nhập cao hơn. Dù vậy, trong thời gian qua, đã có hơn 9 nghìn giáo viên dứt áo ra đi, trong đó có những người đã nhiều năm cống hiến, là câu chuyện buồn của ngành giáo dục và của đất nước.
Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng và có những vất vả riêng chứ không chỉ nghề giáo. Nghề giáo bây giờ cũng chỉ là một nghề như muôn ngàn nghề nghiệp khác và ít ai trong nghề tự hào đến mức coi dạy học là nghề cao quý nhất. Tuy nhiên, do những đặc thù nghề nghiệp nên xã hội đòi hỏi ở nhà giáo những chuẩn mực khắt khe hơn ngành nghề khác. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, người giáo viên vẫn phải luôn cẩn trọng để giữ hình ảnh đẹp trong mắt của người đi học và toàn xã hội.
Người xưa nói rằng “nghèo hèn”. Cuộc sống quá khó khăn với đồng lương không đủ sống đã làm không ít thầy cô cảm thấy mình hèn đi. Nếu đồng lương giáo viên không được cải thiện thì giáo dục Việt Nam khó mà phát triển, bởi người giỏi không "đầu quân" vào ngành giáo dục, người tâm huyết không chịu nổi phải ra đi, những người ở lại thì “chân trong chân ngoài” để đảm bảo cuộc sống. Giáo dục đi xuống có thể chưa thấy ngay hậu quả song về lâu về dài sẽ rất nguy hiểm bởi nó sẽ kéo theo sự sa sút của đất nước về nhiều mặt và ảnh hưởng đến từng gia đình.
Việc đề xuất lương nhà giáo ở mức cao nhất, như đã nói là một đề xuất rất đúng, rất nhân văn và hoàn toàn hợp tình hợp lý, bởi lương thấp, môi trường làm việc đầy áp lực thì còn đâu thời gian để toàn tâm toàn ý với nghề. Thế nhưng, cùng với quá trình cải cách tiền lương, cũng cần có sự thay đổi căn bản cung cách quản lý giáo dục để môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, sáng tạo, nhân văn.