Trong suốt 2 năm dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch khá chật vật với việc duy trì, có những đơn vị lữ hành hoặc doanh nghiệp buộc phải phân tán sang những ngành nghề khác.
Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, đón những du khách quốc tế đầu tiên trở lại, ngành du lịch đã có những tín hiệu vui nhất định. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hay các tỉnh về du lịch khởi động lại và tái cơ cấu, phát triển mạnh mẽ hơn đặc biệt là nguồn lực nhân sự để phục vụ cho các khách du lịch chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay cũng là một bài toán không hề dễ dàng.
Chuyển đổi số: Sự đổi mới và cấp thiết trong ngành du lịch
Có thể nói, cụm từ "Chuyển đổi số trong ngành du lịch" đã khá quen thuộc, bởi lẽ đây là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới.
Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin và dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp.
Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các đơn vị lữ hành đã tận dụng để thực hiện các giao dịch và công bố chi tiết thông tin trong từng giai đoạn của chuyến đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị xuất phát. Nhiều mong muốn của khách hàng được đáp ứng thông qua việc so sánh giữa các đơn vị lữ hành và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước hay các tính năng quan trọng như đặt vé, đặt chỗ ở, hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn của họ. Nhu cầu và cách đưa ra quyết định của các khách hàng của ngành du lịch và lữ hành thay đổi nhanh chóng theo thời gian.
Chính vì thế, các công ty du lịch muốn phát triển và thu hút khách du lịch cũng buộc phải thay đổi một cách linh hoạt để đám ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt làm hài lòng với khách hàng trên nền tảng xã hội để khách hàng cùng chia sẻ, khám phá.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hà - CEO của Lux Group cho biết để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm thì bản thân chính các công ty du lịch cung cấp dịch vụ cũng phải xây dựng các tour du lịch ảo hoặc tour du lịch tương tác như một phần của quá trình chuyển đổi số trong trào lưu du lịch mô phỏng các địa điểm du lịch. thông qua tái tạo hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc tường thuật, mô tả, văn bản.
Du lịch chất lượng cao: Áp dụng nền tảng số, đào tạo nhân sự cấp cao
Hiện nay, các mô hình kinh doanh đang được chuyển đổi hoàn toàn nhờ số hóa và liên tục các cơ hội được mở ra khi công nghệ phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy, trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề như hiện tại do ảnh hưởng bởi đại dịch, chuyển đổi số là một điều cần thiết. Rất ít tổ chức có thể đảm bảo việc kinh doanh bền vững và phát triển nếu không có một kế hoạch chuyển đổi số cụ thể và ứng dụng lợi thế của công nghệ số.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều doanh nghiệp lữ hành đã thay đổi cách tiếp cận với khách hàng và đã vạch ra kế hoạch chuyển đổi số đường dài để chính doanh nghiệp đó theo kịp với xu thế phát triển của thời đại 4.0. Và để nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để hội nhập và phát triển thì nhiều doanh nghiệp cũng đã tự đào tạo nhân sự của mình là những nhân sự thông minh, tiếp cận tốt với các công nghệ mới để phục vụ du khách.
Tại một sự kiện về phát triển du lịch hồi tháng 3, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, muốn phục hồi du lịch thì một trong những vấn đề cần chuẩn bị tốt là nguồn nhân lực. Bởi lẽ, thời gian qua khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự dịch chuyển lao động từ khối du lịch, dịch vụ sang các ngành khác là rất lớn. “Chúng tôi cho rằng, du lịch chất lượng cao không khải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là con người 5 sao, 6 sao, nếu làm không được thì không kịp có du lịch chất lượng tốt. Lao động ngành này phải được đào tạo bài bản, đơn cử chỉ một bữa ăn thì cách phục vụ thế nào, rót rượu ra sao là những thứ cũng phải phải được đào tạo rất cụ thể, bài bản” - ông Thủy chia sẻ.
Cũng đưa ra ý kiến của mình, ông Nguyễn Thành Nhân - đại diện một công ty du lịch tại Hà Nội cho biết trước đây khi đón các khách du lịch đa phần là các khách quốc tế, chiếm tới hơn 73%, còn khách nội địa chỉ có 10-15%, tuy nhiên khách du lịch nội địa còn khó phục vụ hơn so với du khách quốc tế vì với các dịch vụ 4 sao, 5 sao khách nội địa đòi hỏi và mong đợi dịch vụ cao cấp hơn thế nữa so với số kinh phí mà họ bỏ ra. "Đây cũng chính là yêu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp đã đặt ra để đào tạo được những nhân sự cao cấp nhất, tốt nhất, hiểu về công nghệ để phục vụ du khách một cách hài lòng nhất”.
Đa số doanh nghiệp lữ hành đang khó khăn khi quay trở lại thị trường bởi vẫn giữ cách làm cũ và cũng chưa an tâm về việc quay lại, với lo lắng về dịch bệnh tái bùng phát. Tuy nhiên, để việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3 đạt hiệu quả thì các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò rất quan trọng.
Theo báo cáo của Tổng Cục du lịch (Bộ VHTT-DL) cho biết, nếu như cuối năm 2019 đầu 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng phương pháp quản trị thủ công trong 80% nghiệp vụ thì đến nay các công cụ, giải pháp số đã hỗ trợ doanh nghiệp vận hành tối ưu hoàn toàn trên môi trường số. Các nghiệp vụ chuyên môn có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng hiệu suất. “Việc học hỏi, thích ứng và triển khai công nghệ mới vào hệ thống của doanh nghiệp cần nhiều thời gian và nỗ lực, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của quá trình phục hồi ban đầu của doanh nghiệp. Thậm chí cập nhật công nghệ sẽ là bắt buộc, nếu doanh nghiệp hay chính cá nhân phục vụ trong ngành du lịch không muốn bị tụt hậu với thị trường” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Phạm Văn Thủy cho hay.
Khi mọi thứ ổn định trở lại, ngành du lịch cũng sẽ vào guồng quay để vực dậy sự phát triển một cách mạnh mẽ của mình. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch thông minh, hiểu biết công nghệ, am hiểu ngoại ngữ sẽ luôn luôn có và hấp dẫn với những công ty lữ hành. Chính vì thế, để có những nhân sự chất lượng cao, áp dụng được hoàn toàn các chuyển đổi số vào việc phục vụ du lịch cần có sự đào tạo cơ bản cũng như kết hợp giữa doanh nghiệp cùng các lãnh đạo Ban, ngành của cấp cơ sở.
Chuyển đổi số hòa nhịp cùng du lịch phát triển, hút khách hạng sang
Chuyển đổi số trong du lịch: Bước chạy đà quan trọng để tăng trưởng trở lại