Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đã chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của Israel trong việc phát triển nông nghiệp.
Chuyển đổi số không khó
Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 diễn ra ngày 2.12, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: “Câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số có mới không, có khó không? Theo tôi nó không hề mới, tôi khẳng định với nền tảng số như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể ứng dụng chuyển đổi số”.
Bà Thực nêu ví dụ, thay vì ghi chép các dữ liệu vào sổ tay nông hộ, các bác có thể tải những thông tin này lên mạng, thông qua nhiều ứng dụng đang có sẵn, và chi phí cho việc này chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng, con số không hề lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại, nên tiêu thụ vải thiều của tỉnh đạt được kết quả ấn tượng.
Đặc biệt, hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử (tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn). Theo ông Tuấn, ngay từ đầu vụ, tỉnh tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có; đề nghị cấp mã số vùng trồng mới và số hóa vùng trồng tập trung, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp để chuẩn bị các điều kiện cho việc xuất khẩu vải thiều.
Đến nay toàn tỉnh đã cấp 149 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; 30 mã số vùng trồng phục vụ thị trường Nhật Bản; 18 mã số vùng trồng phục vụ thị trường Mỹ, Úc, với tổng cộng hơn 17.000ha.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải thiều phù hợp với cấp độ, diễn biến của dịch, phù hợp với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ.
Theo ông Tuấn, năm 2021, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội; giao lãnh đạo Sở Công Thương trực tiếp livestream với một số nghệ sĩ, diễn giả nổi tiếng để quáng bá, tiêu thụ vải thiều và đã đạt được kết quả rất ấn tượng.
Kinh nghiệm vượt khó của Israel
Tham luận tại diễn đàn, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết nông nghiệp Israel rất khác Việt Nam, cả về nguồn nước, khí hậu, đất đai. Vùng đất này không có sông nước, cũng không có mưa. Tuy nhiên, Israel không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải sử dụng những vùng đất như thế để canh tác.
“Phương châm của chúng tôi là với vùng đất này phải làm ra nhiều thực phẩm hơn cho nhiều người hơn, nhưng cần ít tài nguyên hơn, ít nước hơn, ít hóa chất hơn…”, Đại sứ Israel nêu và cho biết ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở Israel đã biến đất chết thành những cánh đồng.
“Không có tài nguyên nước dồi dào, chúng tôi không thể sử dụng kỹ thuật tưới tràn mà phải áp dụng tưới nhỏ giọt, cung ứng lượng nước vừa đủ cho sự sinh sôi và phát triển của cây trồng. Kỹ thuật này được sáng chế bởi người Israel từ những năm 50 của thế kỷ trước, chúng tôi không chỉ tưới nước mà còn bón phân, các chất dinh dưỡng cho cây. Công nghệ này cực kỳ hiệu quả và đang ngày càng được phát triển”, Đại sứ Israel Nadav Eshcar nói.
Theo đại diện từ Israel, nông dân Israel cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nguồn nước và cả kiến thức về cây trồng. Các nhà khoa học có nhiệm vụ giúp đỡ họ.
Với nhu cầu của mình, họ sẽ đưa ra các câu hỏi cho nhà khoa học. Sau khi có được giải pháp, giới nghiên cứu sẽ chuyển cho các công ty trong ngành nông nghiệp.
Các công ty sẽ cung cấp giải pháp cho người nông dân, bà con sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng các thành tựu đó. Các công ty sẽ đóng góp ngược lại cho Chính phủ bằng việc trả thuế, sau đó Chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ cho các viện nghiên cứu. Vòng tuần hoàn trong nông nghiệp như vậy đem lại lợi nhuận rất cao, vì thế có rất nhiều quỹ muốn đầu tư, nhằm tạo ra lợi nhuận và giá trị cho xã hội.
“Có một vấn đề liên quan mật thiết với người nông dân, đó là để bà con tiếp cận với các nhà khoa học là rất khó, song Israel có mô hình trung tâm khuyến nông. Khi người nông dân gặp khó khăn, người ta sẽ báo với chính quyền địa phương, nơi có các trung tâm khuyến nông. Sau đó, trung tâm khuyến nông sẽ tìm giải pháp giúp đỡ nông dân giải quyết khó khăn”, Đại sứ Israel chia sẻ.
Ví dụ, với nhiều cánh đồng trồng cà chua ở vùng đất sa mạc, nếu cho một chút tỷ lệ nước mặn tưới cây, trái sẽ rất ngọt. Nhưng người nông dân làm sao biết cho bao nhiêu nước mặn là đủ. Họ có thể tự làm thí nghiệm này, nhưng chắc chắn rất khó khăn, rất lâu, chết rất nhiều cây và nhiều mùa vụ thất bát. Trung tâm khuyến nông sẽ nghiên cứu điều ấy, giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc, nhân lực…
Khi các vấn đề quá lớn, trung tâm khuyến nông không trả lời được, họ sẽ chuyển vấn đề lên Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Volcani của Chính phủ.
Israel trồng rất nhiều cây chà là, quá trình thu hoạch tốn rất nhiều thời gian, họ sẽ phải trèo lên cây để kiểm tra xem quả chín hay chưa, rất là vất vả. Trung tâm khuyến nông không giải quyết được và họ liên hệ với cấp chính phủ. Cuối cùng họ đã phát minh ra thiết bị chỉ nhỏ như bàn tay, phát ra tia hồng ngoại và người nông dân chỉ cần đứng dưới gốc cây, chĩa thiết bị vào chùm quả sẽ biết quả chín hay chưa.
Đại sứ Israel Nadav Eshcar cũng cho biết: "Giữa hai nước Việt Nam - Israel có rất nhiều mối quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi rất vui lòng chia sẻ, hợp tác phát triển các phát minh trong nông nghiệp, cũng như mô hình hợp tác giữa các nhà trong ngành nông nghiệp của Israel - mô hình rất thiết thực, gần gũi với ngành nông nghiệp Việt Nam".