Tính đến 21 giờ tối 25.12, bão số 16 đã có xu hướng suy giảm còn cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12 và chuẩn bị ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và môi trường lúc 21 giờ 30 tối 25.12, TS Bùi Minh Tăng - chuyên gia Khí tượng - nhấn mạnh: Chính quyền và người dân chưa được chủ quan với bão số 16.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết đánh giá của mình về cơn bão số 16 - bão Tembin đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta?
TS Bùi Minh Tăng: Trước hết, xuất hiện vào những ngày cuối cùng của năm Dương lịch là trường hợp chưa từng xảy ra trong vài chục năm trở lại đây… có thể nói đây là cơn bão dị thường, khó đoán.
Bên cạnh đó, qua theo dõi thì đây thực sự là cơn bão rất mạnh. Thông qua số liệu quan trắc tại quần đảo Trường Sa vào từ tối 24.12, với sức gió cấp 11 - 13, giật cấp 14 - 15… và với những diễn biến phức tạp, khó lường không phải chỉ những người làm công tác dự báo của Việt Nam mà cả các Đài KTTV của các nước trên thế giới cũng rất khó khăn khi dự báo về cơn bão này.
PV: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, vào lúc 21 giờ đêm 25.12, bão số 16 đã có xu hướng suy giảm còn cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12 và chuẩn bị ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo, ông có cảnh báo gì với người dân và chính quyền nơi đây?
TS Bùi Minh Tăng: Hiện thời cường độ bão số 16 còn đang tương đối mạnh ở cấp 9 đến cấp 10, giật cấp 11 - 12 và đang tiến đến Côn Đảo nên mối nguy hiểm đối với người dân trên đảo là rất lớn bởi ở Côn Đảo đang có rất nhiều tàu thuyền đang tránh trú bão.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân, công trình công cộng, các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản… trên đảo dự báo sẽ bị thiệt hại nếu như Côn Đảo không phòng tránh và có những phương án ứng phó tốt.
Lãnh đạo Trung tâm KTTV Quốc gia kiểm tra công tác dự báo bão số 16 lúc 21 giờ tại Trung tâm Dự báo KTTV TTrung ương - Ảnh: Việt Hùng
PV: Cũng theo bản tin lúc 21 giờ, dự kiến rạng sáng 26.12 bão 16 sẽ ảnh hưởng đến đất liền… ông có cảnh báo gì đối với người dân các tỉnh phía Nam?
TS Bùi Minh Tăng: Mặc dù cường độ của bão số 16 có suy yếu so với những nhận định ban đầu nhưng đây vẫn còn là cơn bão có khả năng tiếp cận bờ biển miền Tây Nam bộ nên những nguy hiểm do bão gây ra đối với người dân ở các tỉnh ven biển từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… vẫn rất đáng quan tâm vì nhà cửa của đa số người dân nơi đây được xây dựng khá sơ sài.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm đối phó, phòng chống bão của người dân còn rất ít. Vì vậy, mặc dù bão có cường độ yếu, thậm chí chỉ áp thấp nhiệt đới cũng có thể gây nguy hiểm và thiệt hại về người và tài sản đối với người dân khu vực này.
Ngoài ra, đối với khu vực Nam bộ, nơi có diện tích mặt nước, kênh rạch rất lớn nên mỗi khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện lốc xoáy rất nguy hiểm. Hiện tượng xuất hiện lốc xoáy khi có bão và áp thấp nhiệt đới đã xảy ra nhiều lần ở khu vực này vào các năm: 1997, 2006, 2013… Nên người dân cần không được chủ quan với ảnh hưởng của bão 16 và hoàn lưu bão.
PV: Vậy còn các khu vực lân cận thì sao, thưa ông?
TS Bùi Minh Tăng: Ngoài các tỉnh ở vùng đường đi của bão 16, các tỉnh, thành ở xa hơn như: Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng có thể có gió giật đến cấp 8. Kèm theo đó mưa to đến rất to có thể xảy ra ở các khu vực này.
Vì vậy, Chính quyền và người dân ở các khu vực lân cận này vẫn cần đề phòng với gió mạnh và mưa lớn sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Việt Hùng/Báo TN&MT