Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, căn cứ vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối hiện nay và sức mua của thị trường, khả năng có đột biến về giá là khó xảy ra, nhất là nhóm hàng hóa công nghiệp tiêu dùng hàng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Khó có đột biến giá cả vào Tết

Trí Lâm | 01/01/2018, 16:22

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, căn cứ vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối hiện nay và sức mua của thị trường, khả năng có đột biến về giá là khó xảy ra, nhất là nhóm hàng hóa công nghiệp tiêu dùng hàng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2017 tăng 0,21% so với tháng 11 và tăng 2,6% so với cùng kì năm 2016. Như vậy CPI bình quân cả năm 2017 tăng 3,53% so với 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2017, lạm phát cơ bản so với 2016 tăng 1,41%.

CPI bình quân năm 2017 tăng do các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm giáo dục và y tế tăng; Việc tăng lương tối thiểuvùng làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình năm 2017 tăng từ 3%-8% so với năm 2016.

Ngoài ra còn một số yếu tố về thị trường, nhu cầu du lịch tăng, một số địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, thời tiết bất lợi cũng làm CPI năm nay tăng so với năm 2016.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, lạm phát chung có mức tăng cao hơn so với lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Lạm phát cơ bản đạt mức 1,41%, thấp hơn mức kế hoạch là 1,69% - 1,8% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn được điều hành ổn định trong năm.

Theo chuyên gia này, nhìn chung, việc điều hành giá cả hàng hóa trong năm 2017 tuy đã đạt được chỉ tiêu đề ra là 4% song không thể không nhớ lại một số sóng gió của giá cả và thị trường hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn hơi được “giải cứu”.

“Cho đến thời điểm này, tháng 12.2017, giá heo hơi tuy có hồi phục ở mức từ 30.000đ - 35.000đ/kg nhưng chưa đạt được mức mà người chăn nuôi có thể yên tâm tiếp tục nghề của mình. Theo dự đoán tình hình còn khó khăn về giá hết quý 1/2018”, ông Phú nói.

Theo vị này, chăn nuôi lợn có 3 khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì 2 khâu cuối là yếu nhất và các mặt hàng nông sản khác ở Việt Nam đa phần cũng có tình trạng tương tự như mặt hàng thịt lợn.

Về nhiệm vụ điều hành giá cả thị trường năm 2018, ông Phú cho hay, Tết Mậu Tuất sắp đến, căn cứ vào lượng hàng hóa và năng lực của hệ thống phân phối hiện nay và sức mua của thị trường thì khả năng có những đột biến về giá là khó có thể xảy ra, nhất là nhóm hàng hóa công nghiệp tiêu dùng hàng bách hóa, may mặc và dụng cụ gia đình.

Tuy nhiên, có một chút lo lắng về một số mặt hàng tươi sống mà hệ thống siêu thị những ngày cận Tết không có đầy đủ bằng ở chợ và cửa hàng lẻ như gà ta, thủy hải sản tươi sống, rau củ cao cấp, giò nóng các loại, thịt bò loại ngon...Do đó, khả năng những mặt hàng trên tăng giá từ 10% - 20% là một điều có thể xảy ra trước và sau Tết Âm lịch.

Sự chuẩn bị của các địa phương như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác với một lượng hàng hóa lớn cũng khá yên tâm, tuy nhiên, quỹ hàng hóa đó cũng cần phải làm rõ, trong đó hệ thống thương mại nhà nước, các siêu thị mà địa phương điều hành được nắm giữ bao nhiêu phần trăm, có áp đảo được thị trường tự do hay không? Ai quyết định giá bán của quỹ hàng hóa đó? Mạng lưới phân phối có phủ khắp các thị trường trong địa phương hay không? Đó mới là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất trong dịp Tết sắp đến.

Về chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, chính phủ dự kiến phấn đấu GDP tăng 6,7%, CPI phấn đấu đạt mức 4%, đây là 1 mức phấn đấu hợp lý mà có thể đạt được. Đòi hỏi việc điều hành giá cả thị trường phải đi vào thực chất, điều quan trọng là đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, cộng thêm quỹ hàng hóa nhập khẩu có kiểm soát, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt, kiểm soát hàng lậu, hàng giả một cách nghiêm minh.

Chính phủ phải luôn luôn hướng về doanh nghiệp về người dân để phục vụ, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, thủ tục, hành chính, cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, sản xuất bất hợp lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế yên tâm phát triển.

“Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố, hy vọng rằng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 sẽ đạt được những kết quả như mong muốn, làm tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo", ông Phú nói.

Hoài Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Khó có đột biến giá cả vào Tết