Trong Bình Ngô đại cáo, khi Nguyễn Trãi kể tội giặc Minh đã viết: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ". Đó không phải là những câu kể tội mang tính ước lệ mà là để nói về sự thật về tội ác của giặc Minh dưới thời Trương Phụ gieo rắc xuống dân nước Nam với sự toan tính đáng sợ.

Chuyện giặc Minh nướng thịt người nhìn từ góc độ lịch sử

16/11/2018, 19:28

Trong Bình Ngô đại cáo, khi Nguyễn Trãi kể tội giặc Minh đã viết: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ". Đó không phải là những câu kể tội mang tính ước lệ mà là để nói về sự thật về tội ác của giặc Minh dưới thời Trương Phụ gieo rắc xuống dân nước Nam với sự toan tính đáng sợ.

Tranh vẽ về cảnh Bào lạc trong sách sử Trung Quốc

Trong phần trước, chúng tôi có nói về dấu ấn "ăn thịt người" trong văn học Trung Quốc. Nhưng chuyện ăn thịt đáng sợ đó không chỉ có trong trang sách mà có trong cả lịch sử trước đây.

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn là thế nào? Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép khi thắng quân Hậu Trần, thì Trương Phụ cho quân gây tội ác: "Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc xếp thây người làm quả núi, hoặc bồn ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui". Bào lạc chính là phát minh do vua Trụ thời nhà Thương nghĩ ra. Hình phạt ấy như thế này: Dùng cái cột đồng có bôi mỡ sẵn, hơ vào lửa cho nóng, xung quanh cột đồng đều có đốt lửa. Bọn hung ác bắt người ta phải đi lên trên cột đồng, nếu rơi xuống thì rơi vào đống lửa, chúng thấy thế cùng nhau vui cười.

Còn vùi con đỏ dưới hầm tai vạ là thế nào? Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép tiếp tội ác của Trương Phụ như sau: "có người theo lệnh giặc, mổ bụng người chửa, cắt lấy hai tai của mẹ và con để dâng cho giặc". Tại sao cắt 2 tai thì Khâm định giải thích: "Đời cổ, binh sĩ đi đánh trận khi giết được địch thì xẻo lấy cái tai bên trái của địch, dâng lên chủ súy để tính công, cứ mỗi cái tai tính là một mạng người. Ở đây, quân của Trương Phụ mổ bụng người chửa, rồi xẻo lấy tai mẹ và tai con (đều tai bên trái) dâng lên cho Phụ; dâng cả tai mẹ và tai con như thế, vừa tỏ ra là tay giết người táo bạo, vừa được tính là hai mạng người".

Sử gia nhà Nguyễn phê "Trương Phụ học được thủ đoạn tàn khốc "một người có tội dây dưa đến mười họ" của Minh Thành Tổ, nên dám bạo ngược làm tuyệt diệt dân của trời; bất nghĩa như thế, tất nhiên cuối cùng sẽ rước lấy cái chết, chứ dùng sức mạnh để lấy nước người ta thế nào được?"

Trương Phụ không chỉ học Chu Đệ (tên thật của Minh Thành Tổ) ở tính bạo ngược mà coi việc nướng dân đen, con đỏ như một chiến thuật khủng bố để uy hiếp tinh thần đối phương. Khi xâm lược đến đâu Trương Phụ trừng phạt nghiệt ngã đối phương, giết chóc không nương tay để làm đối phương hoảng sợ, mất tinh thần chiến đấu. Trương Phụ không phát minh ra chiến thuật này mà đã học theo những điều được ghi trong sách sử chiến tranh của Trung Quốc. Chẳng hạn việc nướng người thì học theo vua Trụ, việc cắt tai thì học theo quân Tần.

Ngoài ra, còn những câu chuyện ăn thịt người kinh dị khác mà Trương Phụ đã làm. Khâm Định chép: "Năm 1415, Đế Quý Khoáng cùng các tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ nhà Minh bắt. Cảnh Dị mắng chửi Phụ rằng: "Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!". Mắng chửi mãi không ngớt mồm, Phụ đem giết đi, lấy gan ăn".

Hay đặc biệt là cách hành xử với Nguyễn Biểu với câu chuyện tiệc đầu người trước đó. Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hoà, gặp Trương Phụ xin cầu phong, thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn để thị oai.

Tại sao Trương Phụ lại có cách làm đầy dã man và bệnh hoạn trên để khủng bố tinh thần người khác? Đó cũng là học theo sách sử Trung Quốc. Việc dùng thịt người để khủng bố tinh thần người khác được ghi chép trong điển tích vua Trụ ép Chu Văn Vương Cơ Xương phải ăn thịt con là Ấp Bá Khảo mới cho về nước. Dù đây là điển tích nhưng được giới văn sĩ Trung Quốc ngày xưa thuộc lòng và coi như sách sử.

Thời Chiến Quốc, có chuyện Nhạc Dương bị mời ăn thịt con. Nhạc Dương bao vây kinh đô Cố của Trung Sơn suốt ba năm (408 TCN-406 TCN). Trước tình thế nguy ngập, Trung Sơn Vũ công sai giết chết Nhạc Thư rồi mang thịt làm món canh đến cho Nhạc Dương để làm lung lạc tinh thần ông ta. Tuy nhiên Nhạc Dương lại thản nhiên ăn thịt con rồi sau đó hạ Trung Sơn. Sau Nhạc Dương đem quân hồi triều, Ngụy Văn hầu bèn phong cho đất Linh Thọ, nhưng không dùng nữa vì cho rằng Nhạc Dương giống Dịch Nha thời Xuân Thu. Theo ghi chép, Dịch Nha để làm vừa lòng Tề Hoàn công đã giết con trai 3 tuổi làm thịt dâng lên cho vua ăn. Hoàn Công nói: - Dịch Nha làm thịt con đem dâng cho ta ăn, quí trọng ta như thế còn nghi gì nữa? Quản Trọng thưa: - "Trời đã sinh ra loài người không gì quí hơn tình máu mủ. Nếu tình máu mủ mà nỡ dứt bỏ, thì con người ấy không thể thương ai đâu".

Trong chiến tranh Hán Sở, Hạng Vũ cũng từng định giết thịt cha Lưu Bang để khủng bố tinh thần như sau: Hạng Vũ đánh mãi không thắng bèn mang cha Lưu Bang là Thái công ra đặt lên thớt để buộc ông phải hàng, dọa nếu không hàng thì giết Thái công. Lưu Bang sợ bị người chê cười là kẻ bất hiếu nên có ý hàng, nhưng Tiêu Hà ngăn lại và hiến kế cho Lưu Bang đối đáp. Lưu Bang đứng trên thành, dõng dạc trả lời Hạng Vũ: Ta và ngươi đã kết làm anh em, cha ta cũng như cha ngươi. Nếu ngươi muốn giết cha ngươi thì cho ta xin bát canh với.

Sở dĩ nói vòng vo, dẫn nhiều chuyện như thế cũng là để cho thấy chuyện ăn thịt người không chỉ có trong mấy tiểu thuyết thời Minh - Thanh sau này mà còn khá phổ biến trong các sách sử, điển tích của Trung Quốc từ thời rất xa xưa và được coi như cách thức để đánh vào nhân tâm: từ việc khủng bố tinh thần cho đến lấy lòng người.

Với một kẻ thuộc làu binh thư sử sách như Trương Phụ thì lẽ nào không thuộc mấy chuyện Chu Văn Vương ăn thịt Ấp Bá Khảo, Nhạc Dương ăn thịt Nhạc Thư hay Hạng Võ dọa làm thịt Lưu thái công và có thể còn bao chuyện dã man khác nữa. Nhưng từ biết chuyện cho đến việc học theo và ứng dụng thì chỉ có những kẻ khát máu như Trương Phụ mới thực hiện nổi.

Xin mượn lời của đại văn hào người Trung Quốc Lỗ Tấn để khép lại bài viết. Đọc sách và sử Trung Quốc, chính Lỗ Tấn cũng phải tự than trong Nhật ký của người điên (với 43 lần dùng từ ăn thịt) rằng: "Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, mình cũng còn nhớ, nhưng không được thật rõ. Liền giở lịch sử ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ “nhân, nghĩa, đạo đức” viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ: “Ăn thịt người”.

"Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay"... và xót xa: "Mình là một kẻ có truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm; lúc đầu không biết nhưng bây giờ biết rồi thì khó lòng mà nhìn mặt những người chân chính".

Giai thoại về Nguyễn Biểu

Sau khi được Trương Phụ mời dự tiệc đầu người, Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người:

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi

Gia hào thêm có cỗ đầu người

Nem cuông chả phượng còn thua béo

Thịt gụ gan lân cũng kém tươi

Ca lối lộc minh so cũng một

Đọ bề vàng sắt bội hơn mười

Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn

Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời

Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy tâu với Trương Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ" (Có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu đối lại rằng: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần" (Còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn). Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông. Kế đó, Trương Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết. Tương truyền ở dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cầu tám chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử"

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện giặc Minh nướng thịt người nhìn từ góc độ lịch sử