Hồi còn ở Bắc, những năm chiến tranh và thuở đầu bao cấp, sống khó khăn, thiếu thốn, cực nhọc, vất vả, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhưng đám trẻ nông thôn chúng tôi vẫn ít nhiều được nghe danh những đoàn chèo nổi tiếng.

Chuyện hát chèo

25/04/2019, 14:41

Hồi còn ở Bắc, những năm chiến tranh và thuở đầu bao cấp, sống khó khăn, thiếu thốn, cực nhọc, vất vả, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhưng đám trẻ nông thôn chúng tôi vẫn ít nhiều được nghe danh những đoàn chèo nổi tiếng.

Một bức tranh về hát chèo của danh họa Bùi Xuân Phái - Ảnh: Internet

Tối mùng 2 Tết Kỷ Hợi 2019, chen giữa bao nhiêu kênh tivi thời sự, văn nghệ, thể thao, giải trí, phim ảnh, gameshow, đủ cả hàng nội hàng ngoại, bất chợt rà chiếc rờ mốt vào kênh truyền hình quốc hội thấy ngân lên một điệu chèo. Vừa may, đang bắt đầu mở màn vở chèo kinh điển: Lưu Bình Dương Lễ.

Nói thế nào nhỉ. Chỉ biết cảm ơn các nghệ sĩ Nhà hát chèo Trung ương đã đem lại một đêm xuân thật đẹp. Cái đêm xuân giản dị, ấm áp từng xa lắc xa lơ trôi vào quá khứ. Đã từ lâu, đứa con xa quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như tôi, chèo thấm vào từng tế bào, từng thớ thời gian, như một phần không thể thiếu trong ký ức.

Hồi còn ở Bắc, những năm chiến tranh và thuở đầu bao cấp, sống khó khăn, thiếu thốn, cực nhọc, vất vả, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhưng đám trẻ nông thôn chúng tôi vẫn ít nhiều được nghe danh những đoàn chèo nổi tiếng. Khi ấy chưa gọi là nhà hát, chỉ gọi là đoàn. Có đoàn chèo Trung ương, đoàn chèo Thái Bình, đoàn chèo Tổng cục hậu cần, đoàn chèo Hải Phòng… Hầu như tỉnh đồng bằng nào cũng có đoàn chèo. Đài tiếng nói Việt Nam có riêng đoàn chèo diễn viên được tuyển chọn từ khắp nơi, để hát chèo phát sóng trên đài, một số nghệ sĩ thì khi nào dựng tiết mục thì đài gọi về tập, còn bình thường lại về hát đoàn địa phương. Tất nhiên sân khấu không chỉ có chèo, còn có các đoàn cải lương như cải lương Nam Bộ, cải lương Chuông vàng, đoàn kịch nói Trung ương, đoàn quan họ Bắc Ninh, đoàn tuồng Trung ương, đoàn ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam, đoàn văn công Tổng cục Chính trị… Văn nghệ sĩ thời ấy danh giá lắm, đi tới đâu cũng được người dân “kính nhi viễn chi” trọng như ông hoàng bà chúa. Chèo cũng vậy.

Sinh thời, thày (bố) tôi rất thích chèo, mê nghe chèo. Nói “nghe” bởi chủ yếu thưởng thức món ca nhạc dân tộc này qua làn sóng đài phát thanh chứ không có mấy khi được xem đoàn chèo, nghệ sĩ chèo biểu diễn. Cái loa thu thanh bằng gỗ màu xanh nhạt to bằng hai hòn gạch gắn tít trên tường nối vào hệ thống dây truyền thanh. Nghe từ chiếc loa kim ấy gọi là nghe đài. Nhà nước phát đủ mọi chương trình, tin tức thời sự, tin thắng trận ở miền Nam, tin máy bay Mỹ đánh phá nơi này nơi kia bị hạ bao nhiêu chiếc, tin sản xuất, thu thóc nông nghiệp, tin phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất, gió Bắc Lý”… Chen vào đó là các tiết mục “Khắp nơi ca hát”, “Tiếng thơ”, “Kể chuyện cảnh giác”, “Đọc truyện đêm khuya”, “Thiếu nhi”, “Dân ca và nhạc cổ truyền”, “Sân khấu”, dạy hát, dự báo thời tiết, báo giờ... Cả thế giới thu về cái hộp gỗ xanh nhạt ấy. Nhưng cứ bữa nào có hát chèo thì không ai bảo ai, tự nguyện yên lặng để cả nhà cùng thưởng thức. Thày bu, các anh chị, và đám trẻ con chúng tôi, đều mê nghe hát chèo.

Tôi cứ nhớ mãi chuyện, một hôm thày tôi và bác Ỷ ngồi thái khoai. Khoai lang thu hoạch từ ngoài đồng về được rửa sạch, sau đó thái thành từng miếng nhỏ như ngón tay út, phơi cho khô quắt lại, để dành ăn lúc giáp hạt, tháng ba ngày tám. Bác Ỷ thái khéo lắm, miếng khoai cứ đều chằn chặn. Trời nắng gắt, thày giục tôi bê khoai rắc ra sân gạch phơi. Đài đang phát mấy bài chèo, giọng ca nam thì tôi không nhớ, nhưng giọng nữ chèo nổi tiếng nhất bấy giờ là Kim Đức, Như Hoa. Chị Như Hoa rất được ưa thích, nhất là bài “Em xinh là xinh cây lúa”. Nghe ngọt lịm, cứ phải nuốt lấy từng lời. Bác Ỷ nghe xong bảo với thày tôi “ông ạ, tôi mà giàu, có nhiều tiền, tôi cứ nuôi cơm hẳn cái cô Như Hoa chả bắt “nó” làm gì, chỉ mỗi ngày hát chèo cho anh em ta nghe”. Nói của đáng tội, cả bác Ỷ, thày tôi, lẫn chúng tôi, thậm chí cả làng Trà Phương này, mê Như Hoa như thế đấy, nhưng nào có biết mặt mũi cô thần tượng của mình ra sao, bởi có bao giờ được nhìn tận mắt đâu. Kệ, vẫn cứ mê. Có một thời, chỉ cần cái giọng của nghệ sĩ cũng đủ làm công chúng đắm say chứ đâu hẳn phải phải cần kèm theo sắc vóc. Bên thanh nhạc cũng vậy, thời ấy nhiều nữ ca sĩ người đẹp hát hay, nhưng cũng có những ca sĩ ít xuất hiện, có lẽ do sắc vóc hạn chế, tuy nhiên chỉ cần cất giọng là chiếm trọn cảm tình người nghe, như nữ ca sĩ Thanh Hòa (cùng thời với những hàng đỉnh Tuyết Thanh, Bích Liên, Thu Phương, Kim Oanh) chẳng hạn.

Lại nói nữ nghệ sĩ ca sĩ chèo Như Hoa. Thời những năm 60 – 70, tên tuổi của nghệ sĩ chèo giọng ngọt lịm này chả mấy ai không biết, nhưng kết thúc cuộc đời và số phận bà lại rất ít người tỏ tường. Chúng ta, nhất là đám người đã trưởng thành hồi thập niên 80 từng nghe rất nhiều về vụ tai nạn giao thông khủng khiếp cướp đi hai con người tài danh nức tiếng là vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh. Vụ việc đau lòng xảy ra năm 1988, tới nay đã hơn 30 năm. Hàng triệu người tiếc thương những con người tài hoa bạc phận. Người ta nói với nhau rằng, ở Hà Nội, ngoài tang lễ cụ Hồ và đám tang bác sĩ Tôn Thất Tùng, chưa có đám tang nào được đông đảo người dân tới đưa tiễn như cuộc tiễn đưa Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.

Chị Như Hoa cũng là nhân vật nổi tiếng nhưng chịu thiệt thòi hơn cặp Quỳnh - Vũ. Trong làng chèo, nếu không kể những tên tuổi đã nổi tiếng từ trước cách mạng 1945 và thời kháng chiến chống Pháp như Cả Tam, Trùm Thịnh, Dịu Hương, Hoa Tâm… thì có thể nói không ngoa rằng Như Hoa là số 1. Giọng chèo mượt mà sâu lắng của chị không chỉ chiếm sóng phát thanh mà còn tỏa ra khắp trận địa, chiến trường ở miền Bắc trong những đợt chị về tận các điểm nóng hát phục vụ bộ đội, nhân dân. Tuy vậy, đợt phong danh hiệu nghệ sĩ lần đầu tiên được nhà nước tổ chức năm 1984, có lẽ do còn nhiều cây đa cây đề tỏa bóng rợp quá nên giọng chèo Như Hoa chỉ được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Chưa kịp vào đợt xét tiếp sau thì trong chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội cuối năm 1984, nữ NSƯT Như Hoa qua đời trong tai nạn khủng khiếp xảy ra gần Hà Nội. Cùng chịu nạn với chị có cả ca sĩ - NSƯT Tiến Thành, một giọng ca vàng của dàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam, cùng lứa với Ngọc Tân, Lê Dung, Quang Thọ... Không ít người còn nhớ, khi Tiến Thành cất lên lời ca “Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh…” trong Tình ca Tây Nguyên của nhạc sĩ Hoàng Vân thì dù đang có ồn ào tới mấy cũng phải chùng lại, lặng mà nghe. Những năm ấy, thông tin còn hạn chế nên rất ít người biết con quỷ dữ tai nạn giao thông đã cướp mất của chúng ta những nghệ sĩ tài hoa xuất sắc như vậy.

(còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện hát chèo