Phát biểu tại Nhà Trắng sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ, Tổng thống Obama đã nói về cặp đôi này: 'Người Mỹ rất tự hào vì hành động dũng cảm của họ đã khiến cả một đất nước nhận ra rằng tình yêu là tình yêu'.
Như bao cặp đôi, Jim Obergefell và John Arthur cũng muốn có cái kết viên mãn bằng một đám cưới, để được danh chính ngôn thuận công khai họ là vợ chồng. Nhưng tình yêu của họ không được luật pháp công nhận chỉ vì họ là cặp đôi đồng tính.
|
Jim Obergefell và John Arthur - một trong cặp đôi đồng tính khiến cả nước Mỹ phải thay đổi. |
Để được ở bên nhau, Jim Obergefell và John Arthur dọn về sống với nhau dưới danh nghĩa bạn bè. Chuyện tình yêu của họ gặp rất nhiều khó khăn vì sự phản đối của gia đình, sự kỳ thị của xã hội. Trong một thời gian dài, họ đã đấu tranh không ngừng nghỉ, cuối cùng thì mọi người đã chấp nhận họ là một cặp đôi. Họ cũng quyết định đệ đơn lên Tòa án Tối cao để công nhận là bạn đời hợp pháp của nhau.
|
"Chúng tôi thường gọi nhau bằng từ "chồng". Tôi không nghĩ từ "chồng" có thể diễn đạt được hết cảm xúc của chúng tôi nhưng dù sao tôi vẫn thấy ổn" |
Cho đến khi thông tin Tòa án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết hủy bỏ một số điều trong Đạo Luật Bảo vệ Hôn nhân (gọi tắt là DOMA) về quy định hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, họ biết thời điểm đã tới.
Cũng thời điểm đó, Arthur được chuẩn đoán là mắc chứng xơ cứng teo cơ (ALS), một căn bệnh tấn công vào các tế bào thần kinh khiến cơ thể bị liệt.
Tình trạng sức khỏe của Arthur ngày một xấu. Nguyện vọng trước khi mất của ông là được cùng Jim Obergefell nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, tại nơi họ đang sinh sống, tiểu bang Ohio, người đồng tính không thể kết hôn.
|
"Điều cuối cùng mà tôi muốn là chúng tôi được công nhận là vợ chồng nhưng tôi đã rất bất ngờ khi luật pháp của Ohio lại không công nhận tôi là bạn đời hợp pháp của John" |
Theo gợi ý của một người bạn, hai người gấp rút di chuyển tới Maryland để tổ chức đám cưới nhưng sức khỏe Arthur quá yếu. Một chuyến bay y tế là lựa chọn duy nhất của họ, nhưng số tiền để chi trả cho chuyến bay lại quá lớn. May mắn thay, sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên Facebook, bạn bè và cả những người xa lạ đã cùng nhau góp tiền giúp họ thực hiện tâm nguyện của Arthur.
Và như vậy, vào một sáng tháng 7 năm 2013, Jim Obergefell và John Arthur sau bao ngày chờ đợi đã lên máy bay, bay đến nơi mơ ước của họ trở thành hiện thực. Đi cùng với họ có thêm một y tá và dì của Arthur – người chứng hôn của họ, bà được phong chức sau khi hoàn thành cấp tốc khóa đào tạo trực tuyến. Họ đã bay đến Baltimore, tiểu bang Washington để thực hiện hôn lễ của mình. Hôn lễ của họ được tổ chức ngay trên đường bay của sân bay quốc tế Baltimore.
|
"Người mà tôi yêu lâm bệnh nặng, với tôi hạnh phúc là được ở bên chăm sóc cho anh ấy". |
3 tháng sau hôn lễ, Arthur ra đi trong thanh thản, Obergefell sống một mình sau cái chết của người bạn đời. Và Obergefell vẫn tiếp tục đấu tranh để được công nhận là vợ hợp pháp của John Arthur.
Ông đã gặp gỡ rất nhiều luật sư, đệ rất nhiều đơn kiện lên Tòa án tối cao về trường hợp của mình. Ông cũng cùng cộng đồng LGBT của Mỹ tham gia rất nhiều chiến dịch kêu gọi ủng hộ và chấp nhận hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Chưa một sự kiện nào, chưa một phiên tòa của những cặp đôi đồng tính nào ông vắng mặt.
Sau nhiều năm chờ đợi, tình yêu của họ rốt cục đã được pháp luật công nhận. Sáng ngày 26/6 ( theo giờ địa phương) vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng tại 50 tiểu bang và Quận Columbia với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống từ 9 vị thẩm phán. Quyết định này được xem là một chiến thắng mang tính lịch sử đối với các nhà hoạt động quyền đồng tính đã chiến đấu trong nhiều năm tại những Tòa án thấp hơn. Khi mà chỉ mới cách đó vài giờ, hôn nhân bình đẳng mới chỉ được hợp pháp hóa tại 37 tiểu bang và Quận Columbia của nước Mỹ.
Câu chuyện của John Arthur và Jim Obergefell là một trong những câu chuyện của hàng chục nguyên đơn là người đồng tính khác trên khắp nước Mỹ. Họ đã chiến đấu rất dũng cảm vì tình yêu đích thực của mình. Nỗ lực của họ đã được đền đáp, cuối cùng cộng đồng LGBT Mỹ cũng đã giành được chiến thắng.
|
Cuối cùng thì những nỗ lực của họ cũng được đền đáp. |
Sau khi có phán quyết của Tòa án tối cao, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho Jim Obergefell, khi ông và những người ủng hộ ông đang ăn mừng phán quyết bên ngoài tòa án. Tổng thống nói: “Tôi muốn nói lời chúc mừng!”. Sau đó, khi phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama nói: "Người Mỹ rất tự hào vì hành động dũng cảm của họ đã khiến cả một đất nước nhận ra rằng tình yêu là tình yêu”.
|
Cộng đồng LGBT Mỹ tưng bừng ăn mừng chiến thắng. |
Chia sẻ cảm xúc của mình, Jim Obergefell cho biết: “Tôi rất vui khi cuối cùng tình yêu của chúng tôi được pháp luật công nhận. Dù rằng Arthur không còn nữa nhưng nếu còn sống, hẳn anh ấy cũng rất tự hào khi được chứng kiến giờ phút lịch sử này. Tôi mong rằng tình yêu của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới cũng sẽ được pháp luật công nhận như vậy.”
Theo Nguyệt Phạm (Tri Thức Trẻ)