Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.

Chuyện lương thực (kỳ 3): Kể thêm về khoai lang

10/07/2018, 07:26

Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.

Làm ruộng thời chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc - Ảnh: Tư liệu/Internet

Kỳ 1: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-luong-thuc-89150.html

Kỳ 2: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-luong-thuc-ky-2-thoi-cua-khoai-lang-89856.html

Trong bài trước, thấy tôi viết “thời của khoai lang”, mấy ông bạn cùng độ tuổi từng sống những năm tháng ấy gật gù, ừ nhỉ, chúng mình không có khoai lang chắc đói rã họng. Một ông còn bảo tao có ý kiến, hôm nào bọn ta về quê, ra ủy ban xã thưa với chính quyền rằng xã ta chưa có tượng đài gì, vậy kiếm hòn đá hoa cương sắc đỏ to, mời nhà điêu khắc nổi tiếng về tạc một tượng củ khoai lang thật to, đặt ngay giữa sân đình làng đang xây dựng, sẽ ý nghĩa bao nhiêu.

Biết là bác ấy nói đùa nhưng thấy cũng có lý. Thời bé, chả từng nghe mãi người nhớn răn dạy nhắc nhở “được mùa chớ phụ ngô khoai/đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Nay cũng có khi từng đi nhà hàng khách sạn, được nếm mùi sơn hào hải vị, vậy mà mùi khoai nướng hoặc hình ảnh rổ khoai lang luộc bốc khói lúc bụng đói cồn cào vẫn không thể nào quên. Mà nói chi xa xôi, những năm thập niên 1980 - 1990, người ta đói vàng mắt nhưng vẫn tự trào, đùa nhau, tự nhận mình thuộc tầng lớp “khoái ăn sang”, mới nghe thì toát lên sự hãnh diện lắm, nào có mấy ai hiểu ra, lộn ngược, đảo lại thành “sáng ăn khoai”.

Đầu năm 1977 tôi nhận được quyết định đi Nam. Đận ấy đói lắm, đất nước thống nhất rồi nhưng dân vẫn phải mê mải chống giặc đói. Ruộng đồng bỏ hoang, nông dân ly hương tứ tán kiếm ăn, kiểu “nhà giàu ở quê không bằng ngồi lê thành phố”. Thú thực, cầm tờ quyết định điều động trên tay, tôi cứ chần chừ, chỉ muốn ở quê gần thầy bu, gia đình. Tôi không muốn đi, miền Nam xa thăm thẳm, không người thân thuộc. Thày tôi hiểu lòng con, bảo cứ đi con ạ, miền Nam gạo trắng nước trong, vào đó còn có bát cơm mà ăn, chứ ở nhà ăn khoai mãi thế này mày chả chịu nổi đâu. Khoai thì tôi không sợ, từ bé tới giờ, bụng có khi nào vắng khoai, nhưng tôi vốn xưa nay luôn nghe lời thày, liền quả quyết ra bến Chùa Vẽ mua cái vé tàu khách Thống Nhất chạy đường biển làm cuộc nam tiến.

Kể ra, miền Nam đồng đất rộng dân thưa, luôn sẵn, dư thừa lương thực, nhất là gạo. Vài năm đầu sau ngày thống nhất, tôi chứng kiến nhiều chuyến tàu hỏa, tàu thủy chở lương thực kìn kìn ra Bắc. Cả miền Bắc từng ngày ngóng cổ chờ gạo miền Nam. Rồi gạo cũng cạn, hai miền lại bình đẳng về cái đói. Sau này, ông anh vợ tôi, một chiến binh tập kết, thắc mắc quái lạ Nam Bộ vựa lúa mà cũng đói, cũng thèm cơm thì không thể hiểu được người ta làm ăn kiểu gì. Lại nhớ hồi đó, trạm kiểm soát Tân Hương ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nào cũng súng nổ đì đùng truy đuổi mấy chiếc xe chở gạo chạy trốn. Người dân đi xe đò (xe khách) chỉ giấu 5 ký gạo đem về thành phố (Sài Gòn), nếu đội kiểm tra phát hiện là tịch thu ngay. Suốt nhiều năm trời, trạm Tân Hương là nỗi ác mộng của dân chúng. Nhưng trạm có ưu điểm, khoai lang đem bao nhiêu cũng được, không thèm bắt.

Vào miền Nam, những tưởng sẽ no cơm, ai ngờ lại trường kỳ khoai lang. Ngoài khoai lang, còn có củ mì (sắn), bột mì, mì sợi, bắp (ngô), bo bo (lúa mạch do Liên Xô viện trợ để chăn nuôi heo, nay đem nuôi người). Chuỗi ngày dài dằng dặc ăn độn ấy, nay ta gọi là thời bao cấp. Tôi để ý, mấy thứ lương thực “ngũ cốc”, có chút vênh nhau trong cách gọi giữa hai miền. Miền Bắc gọi là ngô, đỗ, sắn, thóc thì miền Nam đổi thành bắp, đậu, củ mì, lúa. Chỉ riêng khoai lang thì Nam lẫn Bắc kêu như nhau, nếu có khác tí chút thì ở chỗ người Nam trồng khoai chỉ lấy củ, còn vùng ngoài chả bỏ thứ gì, lấy tuốt cả ngọn khoai đem luộc chấm mắm cáy, dây khoai và lá khoai băm nấu cám lợn, củ khoai đương nhiên dành cho người.

Khoai lang ăn nhiều nóng cổ, nhãi ruột, mà không ăn thì đói. Những nhà nghèo còn ăn luôn cả củ khoai bé tí (vốn để nuôi lợn), quê tôi gọi là khoai rãi, chả cần gọt vỏ, bỏ vào rổ tre chà xát cho vỏ mỏng ra rồi ghế chung với gạo. Ăn khoai rãi bởi củ khoai lang to đem bán mua gạo, cả chục ký khoai mới được ký gạo. Củ nhơ nhỡ thì rửa sạch thái phơi khô bỏ vào chum chờ ngày giáp hạt. Nông thôn miền Bắc những năm trước và sau 1975 nhà nào cũng phải thủ sẵn chum khoai khô. Tôi nhớ năm 1972, cơn bão số 7 vật vã quăng quật suốt một ngày, rồi tiếp đến mưa tầm tã thêm ngày nữa, nhà tôi phen ấy mà không có chum khoai khô có lẽ đổ đói cả nhà. Hết gạo không còn hột nào, chả thể chợ búa gì, bu tôi lấy khoai lang khô bung với đỗ đen, ăn cầm cự qua được cơn bão.

Nhắc chuyện khoai lang, lại nhớ mấy “kỷ niệm”. Có một dạo, chả biết ban chủ nhiệm hợp tác xã xin ở đâu về được giống khoai năng suất cao, ông Viên đội trưởng đội 4 giải thích đó là giống khoai do nước bạn Trung Quốc viện trợ. Bà con gọi nôm na thành khoai ba tháng, chả là giống khoai được trồng bấy lâu nay, như khoai chuột lột đặc sản chẳng hạn, phải 4 tháng mới thu hoạch, thì khoai mới này chỉ cần 3 tháng đã dỡ. Củ rất to, nhiều củ, ngắn thời gian, ai chẳng mừng. Tới khi dỡ khoai thì vỡ mộng. Củ khoai to thật nhưng nếu đem luộc, đem nấu thì nó trong vắt, nhạt như nước ốc. Nấu cho lợn, lợn cũng chê. Khoai 3 tháng chỉ để ăn sống, giống như ăn củ đậu, tất nhiên thua xa củ đậu. Trồng được đôi ba vụ, hợp tác xã bèn dẹp khoai 3 tháng, từ bấy không ai nhắc tới nữa.

Làng tôi (thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có ông Đại, nhà nghèo lắm. Ông thích nói khoác. Chị tôi bảo tại ông tên Đại nên cái gì cũng cứ phải phóng to ra. Vụ khoai năm ấy, may mắn sao, khoai nhà ông Đại “thắng lợi toàn diện”, củ nào củ nấy nần nẫn. Ông thích chí khoe khắp làng, bọn trẻ con chúng tôi tò mò tới chứng kiến thành tựu nông nghiệp nhà ông Đại. Bình thường thì người ta thu hoạch khoai lang ngoài đồng về, đem đổ dưới gậm giường, nhưng ông Đại thì khác. Ông bắt vợ con ngủ dưới đất, còn ông trân trọng chất khoai lên giường. Trên hai chiếc giường tre khoai cao như hai trái núi trong nhà. Ai cũng lắc đầu lè lưỡi thán phục. Từ bấy, làng lại có thêm sự tích văn hóa “khoai ông Đại”.

Trẻ con bây giờ sướng như tiên. Bà chị tôi bảo vậy. Tôi cũng thấy thế. Ngay cả ăn độn khoai chúng cũng không hề, nói chi thứ khác. Em gái tôi thì bảo, được ăn độn khoai đã khá, chứ nhiều lúc đói, thực đơn phong phú lắm, thứ gì cũng bỏ vào mồm được. Nó ngồi tỉ mẩn kể ra, này nhé, ăn cả quả thèn đen (tím thâm cả mồm), quả mây và quả sắn (vị chát xít), quả vối, quả sung, quả rau muống, mút nụ hoa dong riềng, ăn đòng đòng non, ổi xanh, táo rụng... Lạ ở chỗ, ăn bẩn thế nhưng bụng dạ chẳng làm sao, có nhẽ miễn nhiễm rồi, cứ thế còi cọc nhớn lên rồi đứa đi bộ đội, đứa vào dân quân, đi học, thoát ly, tỏa ra khắp miền đất nước. Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lương thực (kỳ 3): Kể thêm về khoai lang