Nhiều sinh viên tại TP.HCM đã chung tay hình thành một cộng đồng những người trẻ tình nguyện đứng lớp dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các quận, huyện TP.HCM.

Chuyện những gia sư tình nguyện ở Sài Gòn

06/06/2014, 06:16

Nhiều sinh viên tại TP.HCM đã chung tay hình thành một cộng đồng những người trẻ tình nguyện đứng lớp dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các quận, huyện TP.HCM.

Khởi phát từ CLB... một mình
Chủ nhiệm CLB Gia sư tình nguyện Hồ Diên Tuấn Anh, sinh viên đại học Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “CLB thành lập cuối năm 2013 chỉ vỏn vẹn 3 thành viên đều là sinh viên Bách khoa. Ngày đó chúng mình đến dạy học cho các em nhỏ cơ nhỡ ở mái ấm Hoa Mẫu Đơn (quận Tân Phú, TP.HCM). Sau một thời gian, có 2 thành viên tốt nghiệp lại có việc riêng nên chỉ còn mỗi mình đi dạy”.
Khi đã có đông tình nguyện viên hơn, CLB Gia sư tình nguyện đã kết hợp với CLB Trái tim nhân ái cho ra đời dự án Gia sư tình nguyện, thu hút cả ngàn tình nguyện viên tham gia.
Chuyen nhung gia su tinh nguyen o Sai Gon
Tạ Tuấn Anh, chủ nhiệm CLB Trái tim nhân ái cho biết, CLB Trái tim nhân ái thành lập vào tháng 3.2014 với hoạt động chủ lực là nấu cháo phục vụ bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy 2 tuần/lần. Thấy 2 CLB có chung một mục đích hoạt động nên đã chủ động liên kết, làm nên một dự án thực thụ. Hoạt động nấu cháo thiện nguyện vẫn được duy trì với sự đồng hành của một số nhà hảo tâm.
Dự án Gia sư tình nguyện mời đăng ký thành viên trên Facebook từ ngày 10.4.2014, cùng lúc ban điều hành dự án trực tiếp đến các mái ấm, nhà mở, chùa chiền và cả trụ sở UBND phường, xã để liên hệ mở lớp dạy. Một tuần sau, con số xấp xỉ 1.000 tình nguyện viên tham gia khiến ban tổ chức bất ngờ.
Hiện nay, chỉ còn 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi là chưa mở lớp dạy được vì ở khá xa, gần như chia cắt với trung tâm thành phố, chưa thể phát triển đội ngũ tình nguyện viên và tập trung người học.
Các tình nguyện viên tham gia dự án Gia sư tình nguyện sẽ được phân công dạy hai môn toán và tiếng Việt ở cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ dạy toán, lý, hóa, văn và Anh văn. Mục tiêu ban đầu là giúp các em lấp lỗ hổng kiến thức vì phần đông không có điều kiện học tập đủ đầy.
Song song đó, những người làm dự án còn muốn giúp các em tự trang bị kỹ năng, tăng hiểu biết mới. Các buổi dạy đàn, hát, ca múa, vẽ, kỹ năng sống được lồng xen kẽ các buổi dạy, thường thực hiện vào cuối tuần.
Chuyen nhung gia su tinh nguyen o Sai Gon
“Đơn giản là muốn được chơi với tụi nhỏ”
Đó là bộc bạch của Lê Tuyết về mục đích đến với dự án. Tuyết đang làm thiết kế và nhận trách nhiệm luyện vẽ cho các em ôn thi đại học. Khá kín lịch làm việc nhưng Tuyết vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động của dự án, từ hỗ trợ các ban chức năng, cố vấn cho ban tổ chức đến tìm kiếm mạnh thường quân.
Tiếng là đến dạy học cho các em, nhưng điều cần thiết và thực tế hơn đòi hỏi ở các tình nguyện viên là phải thật sự như những giáo viên tâm lý, nắm bắt được em nào yếu kém ở chỗ nào, còn chậm chạp điều gì để từ đó có phương pháp truyền đạt phù hợp.
Bởi các em đến với lớp học này phần đông thuộc gia đình nghèo, học hành dang dở, bỏ học lâu rồi nay có nơi dạy thì đến lớp lại, nên việc tiếp thu bài vở khá hạn chế, khiến các “gia sư” trẻ phải “vận đủ chiêu” mới có thể giúp các em nắm kiến thức. Nhiều lúc phải đến tận nhà các em để vận động ra lớp.
Hay như việc dạy học cho các em ở trường khuyết tật Hy Vọng (P. 11, Q.6) cũng là một thử thách không nhỏ. Vì 119 em ở đây bị khiếm khuyết về thể chất, tinh thần (câm, điếc, chậm phát triển…) nên khả năng tiếp thụ kiến thức rất hạn chế, đòi hỏi tình nguyện viên không chỉ có kiến thức và khả năng truyền đạt như khi dạy phải sử dụng phương tiện, hình ảnh trực quan sinh động mà còn phải có tình yêu trẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Phong, phó bí thư đoàn phường Bình Trưng Đông (Q.2), chia sẻ: “Cám ơn các bạn tình nguyện viên đã đến với các em. Mong các bạn sẽ lại đến!".
Số lớp mới của dự án đang tăng lên từng ngày. Tính đến đầu tháng 6.2014, dự án đã mở được 34 điểm dạy tại các quận huyện của TP.HCM, đón gần 500 học sinh tham gia.
Và dự án được các bạn trẻ xác định thực hiện không thời hạn, bởi mục đích của họ là “Tạo một tương lai mới cho trẻ em bất hạnh”.
Chuyen nhung gia su tinh nguyen o Sai Gon
Bài, ảnh: Ngô Tùng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ
7 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần có trọng tâm, nhất là chú trọng tháo gỡ các rào cản về thể chế để phát triển khoa học công nghệ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện những gia sư tình nguyện ở Sài Gòn