Trâu và bò là gia súc, nước nào cũng có, kể cả mấy xứ lạnh cóng như Tây Tạng hay Bắc cực. Ở Việt Nam xưa, trâu bò là sức kéo chủ lực của nhà nông. Nay, đa phần chỉ để lấy thịt. Cứ tưởng, trâu bò ở đâu cũng giống nhau, kéo cày, kéo xe hoặc lấy thịt. Loài gia súc gần gũi này ở Việt Nam có nhiều cái khác so với thiên hạ. Hình như ở Việt Nam, không riêng gì trâu bò, mà nhiều thứ khác, cũng lạ tuốt.
Trâu ở Việt Nam khỏe nhất và làm việc cật lực nhất - “Khỏe như trâu” và “Cày như trâu”. Trâu là cả gia sản và niềm tự hào của chủ nhà - “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. “Đàn gảy tai trâu” thì tôi chưa rõ trâu có thích nghe nhạc không, nhưng chỉ nói một mình trâu như vậy thì hơi oan. “Cứt trâu để lâu hóa bùn” cũng tương tự. Cứt nào cũng vậy, đâu riêng gì cứt trâu. Ai chẳng thích mình trẻ hơn tuổi nên mới - “Cưa sừng làm nghé”. “Trâu già thích gặm cỏ non” là chuyện bình thường, sao lại bị mỉa mai, dè bỉu. “Trâu đi tìm cột” cũng vô lý. Chả trâu nào ngu gì đi tìm cột để trói buộc mình cả. To, khỏe nhưng trâu lại biết người biết ta, dạy cho loài cọp biết trí khôn của con người. Trâu còn góp phần cho Đinh Bộ Lĩnh “cờ lau tập trận” để trở thành Vạn Thắng Vương, dẹp loạn cát cứ 12 sứ quân.
Thủơ bé, chăn bò, quê tôi mùa nắng ruộng đồng bỏ hoang. Sáng mở cửa, bò tự do kiếm ăn. Chiều lũ lượt kéo về, không thiếu một con, không quá sớm, cũng không quá muộn. Bò kéo xe, loại bò đực cực khôn. Chất lúa khoai lên xe, có hôm chủ bận bịu là bò tự kéo xe về nhà mà không gây tai nạn và biết tránh đường. Nói “Ngu như bò" là không đúng. Bò Việt Nam cương trực, thích nói thẳng nhưng không cố chấp - “Phổi bò” và rất tình cảm - “Khóc như bò rống” khi bị mất con. Răng bò trắng và đẹp tự nhiên nhất – “Đừng lo bò trắng răng”. Có người giải thích vì bò không có răng. Nghe là biết không phải dân nuôi bò. Không có răng sao ăn cỏ và nhai lại? Dân mua bán bò nhìn răng cửa của bò là biết bò mấy tuổi…
Tôi không hiểu sao lại gọi loài vật ăn cỏ, nhai lại, họ móng là bò mà không phải tên khác. Vì bò có nghĩa là hành động di chuyển của con người bằng cả chân lẫn tay hoặc sự chậm chạp như “rùa bò”, xe đang “bò” lên dốc. Lạ là các loài như rùa, kiến, gián…và các loài bò sát không biết đi, chỉ biết bò. Thịt trâu và bò đều được chế biến thành nhiều món ngon. Vùng nào cũng cho là bò quê mình ngon nhất; còn mấy bợm nhậu quả quyết “Bò trên em” mới ngon và sướng nhất?
Ở các nước châu Âu thường có bò điên nhưng Việt Nam thì không, chỉ có trâu điên. Sau hai chục năm nghiên cứu (bằng nửa thời gian ông Bùi Hiền nghiên cứu “cải cách” tiếng Việt) tôi phát hiện ra chân lý rất giản đơn. Trâu điên vì bị con người bạc đãi. Con trâu suốt đời tận tụy làm giàu cho chủ vậy mà cứ bị đem ra làm vật tế trong lễ “đâm trâu” rất man rợ. Con trâu bị buộc chặt, chảy nước mắt tuyệt vọng đớn đau nhìn con người la hét nhảy múa như điên rồi phóng lao hạ thủ nó, xẻ thịt chia nhau ăn uống. Cả năm trước đó, trâu được ăn uống phủ phê, vỗ béo tẩm bổ với đủ loại thực phẩm cao cấp như vua, rồi chờ đem ra “Chọi trâu”. Trâu thắng, trâu thua đều bị xẻ thịt bán tức thì. Uất ức quá, trâu nổi điên, có con húc chết luôn cả chủ.
Bò châu Âu điên vì bị đem ra làm trò vui cho người cưỡi chọc tức hoặc đấu với người. Loài bò sinh ra đâu phải để làm mấy chuyện tréo ngoe đó nên rất dễ nổi khùng, hất tung người cưỡi hoặc sống chết với người đấu và mấy tấm vải đỏ. Bò ở châu Âu còn được nuôi tập trung, ăn toàn chất bổ dưỡng để sản xuất sữa tối đa. Suốt ngày bị máy hút sữa vắt bóp mà chẳng được xơ múi gì, ức chế quá hóa điên. Bò Việt Nam là sướng nhất. Có thi “Đua bò” rôm rả. Thắng thua đều vui vẻ, hẹn năm sau thi tiếp chứ không bị xẻ thịt như chọi trâu nên ngu gì điên. Bò Việt Nam cứ thả rông, nhẩn nha gặm cỏ, có người chăn dắt nhưng được tha hồ tán tỉnh và yêu nhau.
Có người quả quyết, bò Việt Nam còn biết tiếng Anh. Rất nhiều cặp bò, không biết là vợ chồng hay bồ bịch, yêu nhau đã đời nên ra suối uống nước giải lao. Bò đực sảng khoái nhớ lại chuyện vừa qua, dùng đầu vẫy nước tung tóe rồi cao hứng đề nghị với bò cái “Woan moò” (one more - thêm một lần nữa). Bò cái dù rất khoái, vẫn ngúng nguẩy giả vờ từ chối “no moò” (no more - không thêm nữa). Không biết sau đó thế nào. Chắc loài bò này tưởng chúng nói tiếng Anh để qua mắt con người, ai dè, người Việt bây giờ ai cũng biết tiếng Anh, ít nhất là những từ đơn giản.
Trong tự nhiên, trâu và bò ở riêng vì một bên chịu nước, một bên chịu hạn nên không hề đụng chạm. Ở Việt nam, nhất là thời buổi nhiễu nhương, trâu bò sống chung nên thường xung đột và “văng miểng” làm những loài bé nhỏ bên cạnh thương vong – “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Biết thân, biết phận nên tránh xa mấy chỗ đó.
Nguyễn Văn Mỹ