Quá trình chậm vì còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý như Mobifone phải xong vụ AVG mới cổ phần hoá được. Hay như nhà máy Bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có ai mua, nhưng dự án Gang thép Thái Nguyên có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán phải xử lý các vấn đề pháp lý", ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Có dự án đấu giá 4 lần không ai mua, dự án bán được thì vướng pháp lý

28/03/2019, 18:47

Quá trình chậm vì còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý như Mobifone phải xong vụ AVG mới cổ phần hoá được. Hay như nhà máy Bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có ai mua, nhưng dự án Gang thép Thái Nguyên có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán phải xử lý các vấn đề pháp lý", ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Dự án Gang thép Thái Nguyên có nhà đầu tư mua nhưng lại vướng vấn đề pháp lý - Ảnh: Internet

Sáng nay (28.3), Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về "Kết quả cơ cấu lại, cổ phần doanh nghiệp nhà nước năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới".

Bất cập cổ phần hóa với dự án, doanh nghiệp lớn vướng pháp lý​

Ông Tiến cho biết việc triển khai thoái vốn nhà nước hiện còn diễn ra chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Đề cập đến nguyên nhân cổ phần hoá, thoái vốn chậm, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước, nhất là đất đai. Quy mô lớn nên cũng tồn tại nhiều tính chất phức tạp, nếu là doanh nghiệp nhỏ, đất đai không có thì sẽ cổ phần hoá dễ hơn.

"Hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là thu gọn tập đoàn, tổng công ty, chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Một số doanh nghiệp nhà nước đang triển khai kế hoạch này như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Agribank, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam…", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Ngoài ra, tiến độ cổ phần hoá chậm còn do doanh nghiệp vướng mắc. Ông Tiến lấy ví dụ như việc cổ phần hoá Mobifone, phải xử lý xong vụ AVG thì mới tiến hành cổ phần hoá được.

"Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan là có người làm sai. Chẳng hạn như cổ phần khoá Ngân hàng Agribank, là hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động 1,5 năm rồi mà phương án sử dụng đất vẫn chưa thể hoàn thành theo quyết định, nên chưa cổ phần hoá được", ông Tiến thừa nhận

Đối với công tác thoái vốn, nguyên nhân chậm là do các doanh nghiệp còn lúng túng. Một số dự án bất động sản thua lỗ nên xử lý không dễ. Ví dụ như Tổng công ty Giấy Việt Nam có nhà máy bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư nào mua.

Hay như Tổng công ty Thép, muốn thoái vốn ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán lại phải xử lý tồn tại tranh chấp pháp lý giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

"Rõ ràng vấn đề này là khách quan, không xử lý một sớm một chiều được. Có doanh nghiệp không mặn mà, có doanh nghiệp nhà đầu tư không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng mắc", ông Tiến nói.

Lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết hiện nay thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp tục rà soát, kiểm tra đối với một số đơn vị chậm lên sàn. Trong quý 1/2019 đã có danh sách hơn 10 đơn vị bị thanh tra khi có kết luận thanh tra sẽ công bố.

"Hiện nay kết luận của thanh tra chứng khoán chưa có, việc công bố sẽ do thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố cụ thể. Về tình hình cổ phần hóa, tính đến hết tháng 2.2019 theo báo cáo gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp đúng là chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa. Về thoái vốn, trong quý 1/2019 các địa phương vẫn thoái vốn nhưng không nhiều", ông Tiến chia sẻ.

Đã có tổ chức, cá nhân bị quy trách nhiệm chậm cổ phần hoá

Thông tin về tiến độ và tình hình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến cho biết tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Về tình hình cổ phần hóa, trong năm 2018 đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỉ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016-2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỉ đồng.

Về kết quả thoái vốn, năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỉ đồng, thu về 19.618 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỉ đồng, thu về 165.956 tỉ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Như vậy, về cơ bản tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Việc chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tiến, hiện đã có tổ chức, cá nhân bị xử phạt do chậm trễ triển khai thoái vốn, cổ phần hoá, song chưa thể công bố vì vẫn đang rà soát.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có dự án đấu giá 4 lần không ai mua, dự án bán được thì vướng pháp lý