Trên thực tế, chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực tăng khá nhanh, năm 2016 là 331 tỉ đồng đến năm 2017 đã là 488 tỉ đồng, tức là tăng 157 tỉ đồng. Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan.

488 tỉ đồng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện cũng được tính vào giá điện?

28/03/2019, 14:05

Trên thực tế, chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực tăng khá nhanh, năm 2016 là 331 tỉ đồng đến năm 2017 đã là 488 tỉ đồng, tức là tăng 157 tỉ đồng. Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan.

Chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện tăng nhanh - Ảnh: Internet

Thiếu điện trở thành nguy cơ lớn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự thảo Quyết định Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Dự thảo bổ sung lợi nhuận định mức của EVN vào công thức tính giá điện bình quân (tách từ các khoản lợi nhuận định mức của các khâu dịch vụ phụ trợ, truyền tải, phân phối - bán lẻ, quản lý chung, điều độ).

Dự thảo cũng giải thích rõ khái niệm lợi nhuận định mức tại Điều 4.3.đ là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và giá trị vốn chủ sở hữu cho sản xuất kinh doanh điện của EVN. Sự thay đổi này là phù hợp với cách tính giá điện trong thời gian qua.

Trên thực tế, trong lần tăng giá ngày 20.3.2019 vừa qua, EVN đã được hưởng lợi nhuận định mức là 3% vốn chủ sở hữu. Đây là khoản lợi nhuận hợp lý, giúp EVN có nguồn vốn để đầu tư các dự án điện mới trong bối cảnh nhu cầu điện của Việt Nam tăng nhanh hơn tốc độ tăng công suất phát điện trong vài năm qua.

Tuy nhiên, việc xác định mức lợi nhuận vẫn được quyết định trong từng lần tăng giá điện, phụ thuộc nhiều vào cân đối kinh tế vĩ mô hơn là phục vụ nhu cầu đầu tư nâng cao năng lực cung cấp điện. Điều này khiến cho việc thiếu điện trở thành nguy cơ lớn trong một vài năm tới đây.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng việc xác định lợi nhuận định mức căn cứ vào nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do Thủ tướng ban hành.

Chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện tính vào giá điện

Điều 4.1 của Dự thảo quy định các chi phí “để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện” sẽ được tính vào giá điện. Điều 4.5 của dự thảo quy định: Tổng các chi phí khác… bao gồm chênh lệch tỷ giá… và các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành.

VCCI băn khoăn không rõ “các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành” là chi phí gì, được thực hiện theo những quy định nào?

Trên thực tế, việc xác định chi phí nào được tính hoặc không được tính vào giá điện không đơn giản, bởi EVN có rất nhiều khoản chi ứng với các hoạt động rất đa dạng. Trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm, đã có trường hợp tranh luận giữa các thành viên đoàn kiểm tra về việc chi phí nào được tính vào giá điện, ví dụ chi phí cho Tạp chí Điện lực có được tính vào giá điện hay không?

Do đó, để tránh việc có những chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện, đề nghị cơ quan soạn thảo minh định rõ nguyên tắc chỉ những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện thì mới được tính vào giá điện. Các khoản chi phí cho những công việc mà nếu không có công việc đó cũng không ảnh hưởng đến việc vận hành, cung ứng điện trong ngắn hạn và dài hạn thì cần được loại ra khỏi giá điện.

Một số ý kiến từ các doanh nghiệp phản ánh với VCCI về việc giá điện hiện nay bao gồm cả chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện cho các khách hàng sử dụng. Theo đó, các công ty điện lực vừa là bên bán điện (hưởng doanh thu từ sản lượng điện thương phẩm), lại đảm nhận việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho người sử dụng là có dấu hiệu xung đột lợi ích.

Hơn nữa, việc đưa chi phí này vào giá điện cũng không phù hợp với nguyên tắc “giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện”.

Trên thực tế, chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực tăng khá nhanh. Theo báo cáo của EVN gửi cho đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, tổng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2016 là 331 tỉ đồng, tăng lên 488 tỉ đồng năm 2017, tức là tăng 157 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 47%. Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu đánh giá khách quan.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét việc loại bỏ hay giới hạn chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện đối với người sử dụng trong giá điện. Lưu ý, các chi phí tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối - bán lẻ vẫn được tính vào giá điện.

Phương án giá điện là tài liệu mật trước khi công bố?

Hiện nay theo VCCI, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Việc đưa phương án giá các mặt hàng nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể.

“Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là khi một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trước khi tăng giá điện khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Song, theo các chuyên gia hệ thống điện, việc này có thể xử lý rất dễ thông qua một vài biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá tránh thời điểm cao điểm về điện”, VCCI nêu.

Trong lần tăng giá gần đây nhất vào ngày 20.3.2019, phương án giá điện đã được thông báo rộng rãi trước đó trong một cuộc họp của Bộ Công Thương vào ngày 5.3.2019. Như vậy, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện được biết trước phương án giá điện 15 ngày trước khi tăng và thực tế chưa ghi nhận sự cố bất thường lớn đối với hệ thống điện.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
488 tỉ đồng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện cũng được tính vào giá điện?