Việc các cán bộ địa phương đi đánh golf vi phạm quy định chống dịch, xô xát với nhân viên xét nghiệm, xông vào nhà dân ép phụ nữ đi xét nghiệm… tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền.
Tiếp tục kỳ họp thứ 2, sáng 8.11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.
Đại biểu Trần Văn Khải (ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho rằng năm 2020, Việt Nam là một quốc gia thành công trong phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta, đã có lúc có nơi lúng túng trong ứng phó và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là ở TP.HCM.
Theo ông Khải, bài học rút ra là cuộc chiến với đại dịch là một hành trình đầy thách thức và khó lường, đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị và thay đổi nhận thức, tư duy. Ngoài ra, nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo trong phòng chống đại dịch cũng như ứng phó với mọi thách thức mà đất nước gặp phải.
Cũng theo ông Khải, giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Theo ông Khải, với lao động đã về quê, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn trước đây trong môi trường an toàn.
Ông Khải nhấn mạnh, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Nhấn mạnh "đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.
Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Lúc này hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", ông Khải nói.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hóa, thông suốt giao thông vận tải, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, nhưng ở một số địa phương lo lắng thái quá đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo bà Hoa, trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, thì một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch. Bà đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là căn bệnh trầm kha bấy lâu, nhưng khi dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn?”.
Đại biểu Hoa thẳng thắn nhắc đến việc có cán bộ địa phương vi phạm quy định chống dịch khi đi đánh golf, có chuyện cán bộ xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, có nơi thì cán bộ xa rời thực tế khi cho rằng bánh mì không phải là lương thực, một số cán bộ vào nhà dân ép phụ nữ đi làm xét nghiệm…
“Những vấn đề này tạo ra hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín của chính quyền. Muốn người dân chấp hành tốt thì cán bộ phải nêu gương, chấp hành trước. Bất gì việc gì, phải tạo đồng thuận của người dân. Khi chính quyền đưa ra quyết sách đúng thì người dân luôn ủng hộ, chấp hành, kể cả điều đó có gây khó khăn cho cuộc sống của họ”, bà Hoa nói, và cho rằng biện pháp gì cũng phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng, lợi ích hợp pháp của người dân.