Trên con đường xây dựng một Việt Nam hòa bình và thịnh vượng, có những điều mà chúng ta cần phải học hỏi ít nhiều từ người Đức.
Ngày 30.5.2019, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức tới Trường đại học Havard nhận bằng Tiến sĩ danh dự. Trước cử tọa gồm giáo sư, sinh viên cùng các nhân viên của trường, bài nói chuyện của bà bị ngưng lại 31 lần bởi những tràng vỗ tay vang dội, được nhiều nhà bình luận nhận định là rất ấn tượng. Các đoạn viết nghiêng dưới đây trích trong bài nói chuyện của bà, do Tôn Thất Thông dịch
Nội dung chính của bài nói là kể ngắn gọn về cuộc đời làm việc của bà ở Đông Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ cho tới khi trở thành Thủ tướng nước Đức thống nhất và các quan sát của bà trong suốt thời gian làm việc đó. Xuyên qua các quan sát, nhận định, bà đưa ra một số điều đáng suy nghĩ. Xin được cùng nhau thảo luận một điều: bức tường ngăn chia!
1) “Các sinh viên tốt nghiệp thân mến, nhưng những gì có thể cản trở các bạn, cản trở chúng ta? Một lần nữa, đó là những bức tường”.
Thời gian ấu thơ và thuở mới bước vào đời, bà Merkel phải nằm dưới bóng của bức tường Berlin chia đôi thủ đô, cũng hằn dấu ấn của việc chia đôi nước Đức. Mỗi ngày, khi đi làm về, bức tường trước mặt, bà phải rẽ ngang đường khác để về nhà mình. Bà cảm nhận: “Mỗi ngày tôi phải rẽ tránh con đường dẫn đến tự do”.
Bức tường được “làm bằng bê tông và thép”, một thực thể vật chất cứng rắn, khó vượt qua, với mục đích ngăn chia.
Ngăn chia các thành viên của một gia đình.
Ngăn chia các nhóm người trong xã hội.
Ngăn chia các dân tộc.
Ngăn chia các tôn giáo.
Và, nó cũng “ngăn chúng ta hiểu biết thế giới, trong đó chúng ta muốn sống cùng nhau”.
Bà Merkel “ước ao rằng, chúng ta đập tan những bức tường này”.
2) Bức tường Berlin được xây ngày 13.8.1961 và bị phá dỡ ngày 9.11.1989. Sự phá dỡ này dẫn tới việc hợp nhất Tây Đức và Đông Đức, và một nước Đức vào loại hùng mạnh nhất, giàu có nhất, có ảnh hưởng quyết định trên châu Âu và rất quan trọng trên cục diện thế giới, xuất hiện. Một nước Đức tự do, dân chủ, văn minh!
Trước năm 1975, Việt Nam cũng bị ngăn chia. Miền Bắc, miền Nam bị ngăn chia nhau. Thậm chí, trong một vài gia đình cũng có sự ngăn chia kẻ Nam người Bắc.
Nước Việt Nam không có bức tường Berlin, nhưng có dòng sông Bến Hải. Sau ngày thống nhất, sông Bến Hải không còn là thực thể vật chất ngăn chia đôi bờ, nhưng trong lòng nước Việt Nam đã thật sự hết ngăn chia chưa?
Muồn biết có sự ngăn chia trong lòng một quốc gia hay không, chỉ cần đặt những câu hỏi:
Các nhóm người trong xã hội, trong quốc gia đó có bình đẳng với nhau không? Cơ hội phát triển quốc gia dành cho các nhóm người khác nhau có bình đẳng không? Trước pháp luật, các nhóm người trong xã hội có bình đẳng không?
Các dân tộc khác nhau trong quốc gia có bình đẳng nhau không?
Các tôn giáo trong quốc gia có bình đẳng nhau không?
Ngay khi thống nhất, Hiến pháp và luật pháp Việt Nam khẳng định không có sự phân chia nào cả, mọi công dân bất kể dân tộc hay tôn giáo nào đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng liệu tất cả người Việt Nam con Lạc cháu Hồng đã chịu buông bỏ bức tường ngăn chia vô hình trong đầu để hiểu biết nhau và hướng tới xây dựng một Việt Nam thịnh vượng?
Bà Merkel nhận thức rõ rệt rằng những bức tường nghiệt ngã nhất chính là “những bức tường trong đầu óc – vì sự thờ ơ vô cảm và đầu óc hẹp hòi”.
Bức tường Berlin được phá dỡ bỏ năm 1989. Hai năm sau, năm 1991, bà Merkel, một người Đông Đức, trúng cử nghị viên quốc hội. Ba năm sau nữa, năm 1994, bà được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Thanh niên; năm 1998, làm Bộ trưởng Bộ Môi trường. Năm 2005, bà làm Thủ tướng Đức cho tới bây giờ. Nước Đức đã có một thủ tướng được thế giới kính trọng, được xem như người cầm trịch châu Âu!
Không phải sự phá dỡ bức tường vật chất Berlin, mà chính sự phá dỡ “những bức tường trong đầu óc – vì sự thờ ơ vô cảm và đầu óc hẹp hòi” khiến nước Đức phát triển trong giàu mạnh, văn minh. Sự phá dỡ đó được tiến hành gần như ngay lập tức khi nước Đức thống nhất.
Trên con đường xây dựng một Việt Nam hòa bình và thịnh vượng, có những điều mà chúng ta cần phải học hỏi ít nhiều từ người Đức.
Lê Học Lãnh Vân