Chuyện cướp biển chôn vùi đâu đó trên quần đảo Hải Tặc những kho báu khổng lồ đã từng được thêu dệt ly kỳ trong suốt cả trăm năm qua và chắc hẳn sẽ được truyền kể lâu dài về sau. Có một điều chắc chắn rằng, trên quần đảo Hải Tặc đang có những “kho tàng” rất có giá trị khác, đó là tiềm năng du lịch và kinh tế biển. Người dân nơi đây đã biết tận dụng nó để làm giàu cho mình và cho những hòn “đảo ngọc”.
Tấm bia chủ quyền ghi rõ tên gọi đảo Hải Tặc được dựng năm 1958, tức là đã 57 năm trôi qua. Ông Tư Nam - một cư dân lâu đời trên đảo Hòn Tre hơn nửa thế kỷ trước - chính là một người phu trong nhóm nhân công xây khối bêtông ghi danh “Quần đảo Hải Tặc” này. Theo ông Tư Nam, 4 gia đình đầu tiên đến định cư ở đảo gồm gia đình ông, gia đình bà Mười, gia đình ông Bảy (giờ đã định cư ở Mỹ) và gia đình ông Tư Hân.
Theo lời kể của bà Mười, hai vợ chồng bà đến đây ở trước ngày xây cột mốc khoảng chục năm, khi bà hãy còn rất trẻ. Bà Mười là người gốc xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang, còn chồng là dân Châu Đốc, An Giang. Trước năm 1950, hai vợ chồng bà chèo ghe đến đảo Hòn Đốc tìm nơi trú ngụ khi đã có với nhau 4 mặt con. Do sợ bị bắt lính, ông Mười dắt vợ con ra đảo hoang đảo sống cho yên thân. Ra tới đảo, bà sòn sòn đẻ thêm mấy người con nữa. Khi các con lớn hơn một chút, bà Mười bắt đầu theo phụ chồng làm rẫy, trồng hoa màu, ra biển bắt con nghêu con sò cải thiện bữa ăn.
Mãi về sau này, khi chính quyền Sài Gòn đưa lực lượng ra đảo, xây dựng một số cơ quan, sân bay dã chiến trên đảo thì ông Mười tuổi đã cao (40 tuổi), con đùm con đeo, nên chẳng bị kêu đăng lính. Con đàn cháu đống, nhiều người ở trong đất liền bảo điều kiện sống hiện đại hơn ngoài đảo rất nhiều nhưng bà Mười không hề có ý định về đó sinh sống. Theo bà, mảnh đất này là nơi gia đình tràn đầy hạnh phúc của bà đã yên bình đi qua hai cuộc chiến tranh. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, bà vẫn muốn có cuộc sống bình yên cùng con cháu giữa biển khơi mênh mông này. Năm 1988, chồng bà Mười mất, hưởng thọ 61 tuổi.
Quần đảo một thời nổi tiếng vì loạn lạc do cướp biển hoành hành giờ đây yên bình và đẹp như một hòn ngọc mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Kiên Giang. Mưa thuận gió hòa, cây cối trên đảo luôn xum xuê, tươi tốt. Do khí hậu trong lành nên người dân trên đảo rất hiếm khi bệnh tật. Chỉ cái tên Hải Tặc thôi đã có sức hấp dẫn mãnh liệt du khách. Các đảo như biệt lập với thế giới xung quanh nhưng thực ra lại rất gần với đất liền, thuận tiện cho khách du lịch. Trong khi đó, người dân trên đảo Hải Tặc cực kỳ hiếu khách.
Sự hấp dẫn của tên gọi “Hải Tặc”
Biển Hà Tiên là một mắt xích quan trọng trên tuyến hàng hải thương mại Châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu, Trung Quốc hay Luzon, Philippin. Thời kỳ cha con Mạc Cửu - Mạc Thiên Tích (1706-1780) cai quản vùng đất này đã áp dụng một chính sách tự do và coi trọng thương mại. Mạc Thiên Tích mở cảng cho tàu buôn nước ngoài buôn bán tự do. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, Sumatra, Java, Siam, Ấn Độ, Miến Điện, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam... Từ lâu đời, nghề chế sáp trắng (bạch lạp) để thắp sáng là một nghề truyền thống ở Hà Tiên, cung cấp cho các nước lân cận như Trung Quốc, Siam, Mã Lai... Lê Quý Đôn từng viết trong Phủ biên tạp lục: “Huyền phách sản ở trấn Hà Tiên, có khối lượng như đồng, sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó có thể tránh được gió độc, tiện làm tràng hạt...”. Theo nhiều tài liệu cũ, vùng đất này ngay từ thời có cư dân đến ở đã biết khai thác các lợi thế cảnh vật thiên nhiên để làm cuộc sống thi vị hơn.
Quần đảo Hải Tặc từng gây khiếp đảm bao năm trước nay đã bắt đầu trở thành một con gà đẻ trứng vàng phát triển du lịch. Chưa bao giờ, vẻ đẹp thật sự của các hòn đảo lại được tôn vinh như bây giờ. Một doanh nghiệp ở Kiên Giang được cho thuê 6 hòn đảo để đầu tư du lịch. Một doanh nghiệp ở TPHCM thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và một trường quay phim. Đầu năm 2008, chính quyền tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái trên hai đảo Hòn Tre Vinh và Hòn Đước thuộc quần đảo Hải Tặc của một DN khác. Tại đây, người ta dự định sẽ xây khu nghỉ dưỡng, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42ha. Những hòn đảo hoang dã, khắc nghiệt và hiểm nguy nhất như Hòn Gùi cũng đã có người đến ở, khai thác.
Nằm cách thành phố Kép (Campuchia) chỉ 40km, cách đảo Phú Quốc cũng chỉ 40km, cách Hà Tiên chừng 30km, dù sớm dù muộn, sự tươi đẹp của quần đảo Hải Tặc cũng sẽ trở thành thiên đường cho du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm. Những bí ẩn xung quanh cái tên quần đảo Hải Tặc giống như một kịch bản phim để mở, dành cho sự tưởng tượng của du khách khi đến đây. Quần đảo không chỉ lung linh màu sắc huyền bí “nhờ” vào bọn cướp biển mà còn là những câu chuyện lịch sử đang được làm sáng tỏ. Theo một số tài liệu, năm 1783, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng đã chạy thoát thân ra Phú Quốc trong sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Dưới sự truy đuổi quyết liệt của quân Tây Sơn, để tiện thoát thân, Nguyễn Ánh đã để lại toàn bộ tài sản mang theo của mình trên một đảo hoang trong quần đảo Hải Tặc. Dẫu kho báu này có thật hay chỉ là câu chuyện mà người đời thêu dệt thì nó cũng vô cùng hấp dẫn.
Đến thị xã Hà Tiên, nhìn mặt vịnh nước xanh và phẳng lì như mặt gương, du khách lý giải được tại sao Hà Tiên từng là thương cảng buôn bán sầm uất, thu hút tàu buôn từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và cả phương Tây, nhờ đó bọn hải tặc có đất "dụng võ". Ngày nay, thương cảng Hà Tiên vẫn sầm uất bởi tàu ghe đánh cá ra vào thường xuyên và nhiều thương vụ mua bán hải sản diễn ra nhộn nhịp, chỉ có điều không có tàu buôn nước ngoài. Giá vé tàu đi từ bến cảng này ra đến quần đảo Hải Tặc chỉ vài chục ngàn đồng nhưng du khách sẽ có cảm giác mình đang đi trên những cung đường mà ngày xưa từng là những cuộc chiến đẫm máu của quân Mạc Thiên Tích và những tàu hải tặc hung ác, hoặc có thể là một thủ lĩnh băng cướp Cánh Buồm Đen Tư Hiền với đường roi Lưu Thủy trừng trị bọn tàu buôn lậu như miêu tả của nhà văn Sơn Nam.
Những hòn đảo hoang ngày nào giờ đông vui tấp nập, người dân trên đảo ngoài nghề cá còn sinh sống bằng nhiều nghề khác như đóng tàu, chế biến hải sản, buôn bán... Hiện 6 hòn đảo có người sinh sống gồm hòn Đốc, hòn Tre Nhỏ, hòn Giang, hòn Đước, hòn U và hòn Đồi Mồi, với tổng cộng hơn 400 nóc nhà và hơn 2.000 người. Trong số này, hòn Đốc có vị thế quan trọng nhất bởi trụ sở chính quyền xã Tiên Hải, trường học, bưu điện, trạm xá, chợ... đều tập trung trên hòn đảo này.
Các đảo thuộc quần đảo Hải Tặc đều còn rất hoang sơ, đẹp giản dị đến lạ lùng. Nhiều dịch vụ du lịch ở quần đảo này chỉ đang ở bước thăm dò nên vẫn rất hấp dẫn đối với những người ưa khám phá, mạo hiểm. Nhiều người dân ở quần đảo Hải Tặc cho biết, họ tin rằng kho báu đang tồn tại, thậm chí không phải là một mà là nhiều kho báu. Tuy nhiên, khi được hỏi có người dân nào thử vận may bằng cách đi tìm kho báu hay chưa, họ cho biết chỉ tin vào đôi bàn tay của mình thôi. Họ chỉ lo làm ăn, bây giờ chưa giàu thì đời con đời cháu sẽ giàu, chứ không hy vọng tìm được kho báu để đổi đời.
Nghề nuôi cá bè, một công đôi việc
Từ khoảng 10 năm qua, nghề nuôi cá biển (nuôi bè) đã phát triển mạnh trên vùng đảo Hải Tặc. Hàng trăm hộ dân đã đầu tư, đóng bè nuôi cá mú và cá bóp để xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, các loại hải sản giá trị cao này càng làm cho chuyến thăm quần đảo Hải Tặc của nhiều du khách thêm thú vị, khi họ được ngồi trên đảo thưởng thức món cá nướng tươi ngon vừa được bắt từ dưới biển lên.
Hầu hết những hộ dân nuôi cá bè trên đảo Hòn Tre trước đây từng sống bằng nghề đánh bắt cá thiên nhiên. Nhưng cá thiên nhiên ven bờ cạn kiệt dần, một số hộ thử chuyển sang nuôi cá lồng bè và có ngay kết quả. Nuôi cá bè vừa tốn ít vốn vừa mang lại hiệu quả cao, nhờ nguồn thức ăn tại chỗ, dễ tìm. Một hộ nuôi cá trên đảo Hòn Tre cho biết, bình quân mỗi lồng bè, người nuôi sau hơn 1 năm, trừ hết chi phí thức ăn, con giống, còn lãi khoảng 40 triệu đồng, vốn 1 lời 1. Tất nhiên, để bảo đảm hiệu quả, người nuôi phải dành nhiều thời gian, công sức cho các bè cá, từ khâu chọn con giống cho tới thứ ăn, phòng trự dịch bệnh.
Trước đây, nguồn con giống thường bắt từ tự nhiên trên biển, nhưng ngày càng ít dần. Sau này, đa số con giống được nhập từ Đài Loan hoặc các trại sản xuất giống ở Nha Trang. Việc vận chuyển khó khăn nên giá thành khá cao, bình quân 80.000 - 100.000 đồng/con, có loại (như mú nghệ) 200.000 đồng/con, nhưng chất lượng con giống đảm bảo. Chỉ riêng mặt hàng cá mú, hiện ở đảo Hải Tặc bà con đã nuôi nhiều chủng loại có giá trị thương phẩm cao, như: Mú sao (hiện bán khoảng 500.000 đồng/kg); mú hùm (350.000 đồng/kg)... Ngoài ra còn có mú nghệ, giống mới nhập từ Đài Loan, trung bình mỗi con đạt trọng lượng 15kg, giá bán cũng rất tốt. Không chỉ người dân trên quần đảo Hải Tặc, nghề nuôi cá bè trên biển nơi đây còn thu hút nhiều công ty đến thuê mặt nước để nuôi cá xuất khẩu, bởi vùng đất này nuôi cá rất thuận lợi, với nguồn nước biển sạch nằm xa đất liền, không bị ô nhiễm, cá nuôi ít bệnh, mau lớn.