Những năm gần đây, cứ mỗi dịp xuân về là chủ đề “bỏ Tết ta” lại hâm nóng dư luận”.

Có phải xã hội Việt Nam đang chuyển theo hướng dời Tết cổ truyền?

20/01/2017, 11:15

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp xuân về là chủ đề “bỏ Tết ta” lại hâm nóng dư luận”.

Chủ đề bỏ Tết là một trong những chủ đề nhạy cảm - Ảnh: nguồn internet.

Báo Kiến Thức, ngày 19.1.2017, đã có bài viết “Bỏ Tết Nguyên đán: Khác gì “bắn vào quá khứ bằng súng lục” bằng những dòng gợi tấm lòng yêu quí các kỷ niệm và giá trị truyền thống của dân tộc: “Nhưng tiếp thu văn minh mà bỏ đi giá trị văn hóa của dân tộc thì quả là điều xưa nay hiếm thấy”.

Đọc một phần bài viết trên, tôi nghe bàng bạc và nao nao những tình cảm đậm đà khắc sâu suốt một quá khứ trên ba phần tư đời người. Tiếng pháo đùng vang và mùi pháo nồng nàn ngõ xóm, mẹ dắt anh chị em đi may áo mới, cả nhà xúm xít gói bánh tét, làm giò thủ, lau dọn nhà, chùi lư, chiều 30 đón ông bà trong nắng xế rung rinh cành mai xanh nụ, sáng mồng một con cháu mừng tuổi, chúc Tết ông bà, cha mẹ, rồi quần tụ chụp hình…

Cũng xin thưa rằng không chỉ là kỷ niệm của riêng mình, văn học và lịch sử còn cho tôi những rung động tuyệt vời với Tết của những cành đào Tự Lực, những giây phút kẻ phong sương chạnh lòng đón xuân trên gác trọ… và xa hơn nữa, Tết của cành đào Quang Trung gởi về cho Ngọc Hân sau khi phá quân Tàu xâm lược, đuổi kẻ hàng Tàu ra khỏi giang san… Xin cám ơn bài báo đã gợi lại trong tôi những tình cảm, tâm tình quí giá và sâu lắng…

Chủ đề “bỏ Tết ta” là một chủ đề nhạy cảm (không phải nhạy cảm “chính trị” mà nhạy cảm vì động tới tình cảm dân tộc). Thật ra nhiều người nêu lên chủ đề này đã minh định rằng không “bỏ Tết” mà chỉ “dời Tết” từ đầu năm Âm lịch sang đầu năm Dương lịch.

Cho dù đã minh định như thế thì chủ đề “dời Tết” cũng rộng và sâu. Rộng vì nó động tới rất rất nhiều người đã từng sinh ra hay sinh sống trên dãy đất Việt Nam, những người đó ở tất cả mọi lứa tuổi, hiện không chỉ ở trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở trên nhiều quốc gia trên thế giới, chiếm trên 5% số người Việt hiện đang sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Sâu vì nó chạm tới nhiều khía cạnh của đời sống trên nhiều tầng nấc về kinh tế, văn hóa, truyền thống, tâm linh… Vậy thì, chủ đề đã được khơi, còn cần thời gian dài với các nghiên cứu, thăm dò, hội thảo… mới có thể biết được lòng dân ủng hộ ý kiến nào, chủ trương nào.

Trong khi hiểu mức độ sâu rộng và nhạy cảm của chủ đề, tôi nghĩ rằng việc nêu chủ đề để rộng đường dư luận là cần thiết. Thực tế là tính cổ truyền trong những ngày Tết của Việt Nam đã nhạt đi nhiều. Nhiều gia đình chọn đi du lịch xa vui Tết chứ không ở nhà đón và cúng ông bà. Nếu về thôn quê, ta sẽ thấy Tết quạnh quẽ, không náo nhiệt và đầm ấm như xưa. Có nhà con đi làm xa không về thăm gia đình lớn. Nhà nào ở nhà nấy, không ra đường thăm viếng, chúc Tết bà con lối xóm… Điều này cho thấy cách sống đã thay đổi.

Nền kinh tế hiện nay đã khác trước rất nhiều. Từ tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa. Từ sản xuất nhỏ, tỉ trọng nông nghiệp cao sang sản xuất lớn tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ cao hơn. Từ hướng nội sang hướng ngoại: Việt Nam hiện nay là một nước có tỉ lệ xuất khẩu trên tổng GDP rất cao. Nền kinh tế thay đổi, căn bản sản xuất thay đổi, nếp sống tất cũng phải đổi theo, tâm lý xã hội cũng đổi theo, có muốn cưỡng lại cũng không cưỡng được! Chắc chắn rằng những người trẻ có cuộc sống với cách sống của riêng họ. Yêu cầu thế hệ đó sống như thế hệ cũ là không thấy qui luật tiến hóa, qui luật diễn biến phổ quát của sinh giới cũng như của xã hội và con người.

Do đó, tôi không có tâm lý nặng nề như bài viết khi nghĩ rằng ủng hộ việc “dời Tết ta” là “bắn vào quá khứ bằng đại bác”. Tôi không nghĩ rằng “nhiều bạn trẻ chỉ mong bỏ Tết để không phải phục vụ gia đình”, tôi không nghĩ rằng họ bỏ Tết vì làm biếng, vì “chỉ biết tư lợi cho bản thân mình”.

Thế hệ nào cũng phải làm mà sống và thăng tiến, thế hệ nào cũng có những đặc thù, những bận rộn của họ khác với lớp người trước. Trong thời đại công nghệ, thời đại thế giới phẳng, thời của nền kinh tế tri thức, tốc độ thay đổi của cuộc sống nhanh hơn trước trăm lần, và cuộc sống hiện nay đã hoàn toàn khác so với mười năm trước. Sự cạnh tranh trong cuộc sống của thế hệ trẻ đã quá nặng nề rồi, tại sao thế hệ trước còn muốn bắt lớp sau gánh thêm cái gánh của thời đại mình “phải thực hiện những nghĩa vụ nai lưng cật mặt trong những ngày Tết”?

Trong việc “dời Tết ta”, những nguyên nhân kinh tế có vai trò quan trọng. Việc này có ảnh hưởng trên thế hệ tương lai, nên những người trẻ cần có tiếng nói tích cực. Chính các thảo luận tích cực sẽ gợi ý và giúp chính phủ lấy quyết định.

Năng suất lao động của người Việt đang thấp, một trong những nguyên nhân là các hủ tục còn đè nặng (lễ hội mê tín, chè chén say sưa…), các giá trị sống tốt đẹp đã bị vùi dập (tình đồng bào, tính trung thực, liêm khiết, siêng năng, tinh thần học hỏi…). “Dời Tết ta” có thể được chăng là một “hành động mang tính biểu tượng” giúp vào quyết tâm của dân chúng đang “thật sự muốn "thoát Á", muốn hòa mình với tác phong, văn hóa của phương Tây” (chữ của Anh Tú, MTG, ngày 17.1.2017). Việt Nam hiện nay có nhu cầu thoát Hán không?

Hay là vẫn giữ Tết cổ truyền ngày đầu năm Âm lịch, nhưng số ngày nghỉ Tết giảm đi, chỉ 4 ngày thôi và không nghỉ bù? Tôi còn nhớ trước năm 1975 miền Nam không nghỉ Tết dài như bây giờ, thường là ngày 30 tháng Chạp và 3 ngày Tết. Nghỉ Tết dài chỉ có sau ngày 30.4.1975, rồi lần lần dài tới mức trên dưới mười ngày! Và các hủ tục mê tín cũng mới phát triển hơn sau này… Chúng ta nên và cần làm gì để phục hồi các giá trị truyền thống và phát triển các giá trị văn minh hiện tại để xây dựng tổ quốc tự chủ tự cường?

Tôi thực sự thấy hứng khởi trước việc chủ đề này được gợi lên và tranh luận. Phải chăng điều này cho thấy xã hội Việt Nam đang diễn biến, một sự diễn biến phù hợp với qui luật tự nhiên và xã hội, với tốc độ ngày càng nhanh hơn, từ thụ động và ù lì sang chủ động và năng động?

Cuối năm Bính Thân, lòng của kẻ quá tuổi về hưu thêm một nỗi mừng!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có phải xã hội Việt Nam đang chuyển theo hướng dời Tết cổ truyền?