Lẽ ra các quan chức cần cung cấp thông tin đầy đủ rằng bao nhiêu tiền từ thuế xăng được chi cho môi trường, đạt được hiệu quả như thế nào và nếu người dân nộp thuế môi trường cao hơn thì sẽ giảm mức độ độc hại trong không khí bao nhiêu lần.

Khi thở cũng phải trả giá

19/01/2017, 10:21

Lẽ ra các quan chức cần cung cấp thông tin đầy đủ rằng bao nhiêu tiền từ thuế xăng được chi cho môi trường, đạt được hiệu quả như thế nào và nếu người dân nộp thuế môi trường cao hơn thì sẽ giảm mức độ độc hại trong không khí bao nhiêu lần.

Lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội là 50,5µg/m3 và TP.HCM là 28,23 µg/m3

Trong xã hội, sự giàu nghèo, sự phân biệt xuất hiện ngay trong bữa ăn hàng ngày và bộ đồ khoác trên người mỗi chúng ta. Nhưng chúng ta hoàn toàn bình đẳng trong việc thở. Tất cả mọi người đều có quyền hít thở để tồn tại như quyền được tự do để mưu cầu hạnh phúc. Việc thở đó vốn dĩ là miễn phí.

Thế nhưng giờ thì sự phân biệt đã có ngay trong việc thở!

Nếu là một người giàu có, bạn sẽ được thở bầu không khí trong lành hơn khi sống trong biệt thự hay chung cư cao cấp, khi ra đường sẽ ngồi trong ô tô với hệ lọc khí hoàn hảo. Người thu nhập ít sẽ phải sống trong bầu không khí bụi bặm hơn, phải tự mua khẩu trang mỗi khi đi xe máy ra đường. Dù có khẩu trang thì lượng bụi và chất độc hại họ hít trên những tuyến đường thường xuyên kẹt xe chắc cũng không ít. Khổ nhất vẫn là những người thực sự nghèo lên thành phố kiếm sống, họ di chuyển bằng xe đạp, phải gò lưng tốn sức để đạp xe và thở gấp gáp lấy sức rồi hít đủ thứ bụi vào trong phổi. Đêm về, họ sẽ ngả lưng hít thở trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn.

Sự bất bình đẳng trong việc thở như thế lẽ ra không tồn tại nếu chúng ta được sống trong một bầu không khí trong lành. Nhưng theo báo cáo tại hội thảo được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm được tổ chức mới đây tại Hà Nội, chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM đã ở mức đáng báo động khi lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội là 50,5µg/m3 và TP.HCM là 28,23 µg/m3, cao hơn nhiều lần so với so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3).

Ở nước ngoài, chuyện ô nhiễm môi trường cũng có và người ta dùng thuế môi trường để tạo ra bầu không khí công bằng hơn. Người xả nhiều khí độc sẽ phải trả thuế cao hơn (tương ứng với lượng khí thải) và tiền thuế đó dùng để cải thiện môi trường, trong đó có làm sạch bầu không khí.

Ở nước ta cũng có thuế về môi trường nhưng những đồng thuế đó dùng để cải thiện ô nhiễm, làm sạch bầu không khí như thế nào thì người dân hầu như không biết.

Vừa qua, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay về cơ bản vẫn chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hàng năm. Ngoài khoản đầu tư cho sự nghiệp môi trường chiếm tối thiểu 1% tổng thu ngân sách thì còn có vốn ODA và các quỹ tài trợ cho môi trường.

Vụ Chính sách thuế còn cho biết thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường nhưng không trực tiếp chi cho môi trường nhưng hòa vào ngân sách nhà nước để chi cho nhiều nhiệm vụ khác.

Người dân phải trả nhiều tiền thuế trong từng giọt xăng, trong đó có thuế môi trường. Khi trả tiền thuế môi trường, chúng ta hy vọng những đồng thuế đó sẽ giúp cải thiện bầu không khí mình thở tốt hơn, thuế được dùng và phát huy hiệu quả trong các dự án cây xanh, năng lượng xanh... nhưng hóa ra chỉ có một phần trong đó đầu tư lại cho môi trường. Và việc đầu tư trở lại đó có hiệu quả, tác động như thế nào cũng không được nói rõ.

Nếu sòng phẳng hơn, các quan chức chịu trách nhiệm nên cung cấp thông tin đầy đủ rằng bao nhiêu tiền từ thuế xăng dầu được chi cho môi trường, đạt được hiệu quả như thế nào và nếu người dân nộp thuế môi trường cao hơn thì sẽ giảm mức độ độc hại trong không khí bao nhiêu lần (hiện giờ lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội là 50,5µg/m3 và TP.HCM là 28,23 µg/m3).

Do đó, khi Bộ Tài chính muốn nâng mức trần khung thuế môi trường cho mỗi lít xăng từ 4.000 lên 8.000 đồng thì nhiều người nảy sinh tâm lý băn khoăn không biết đồng tiền thuế môi trường sẽ được sử dụng như thế nào cho đầu tư môi trường. Một lẽ đơn giản, khi tôi bỏ tiền đóng phí cao thì tôi muốn được hưởng dịch vụ chất lượng cao. Nếu tôi trả thuế môi trường cao thì tôi có quyền đòi hỏi cho mình và cộng đồng được thở trong bầu không khí trong lành hơn.

Nếu trả tiền thuế cao nhưng bầu không khí vẫn ô nhiễm thì việc trả thuế cao còn có ích gì? Nếu Bộ tài chính giải đáp được đúng thắc mắc này trước khi đề xuất tăng thuế môi trường thì mới đúng quy trình.

Đừng có đùa với môi trường. Khi cá chết trắng bụng nổi đầy hồ Tây và kênh Nhiêu Lộc thì chúng ta mới hốt hoảng nhận ra rằng nguồn nước ao hồ ở Hà Nội và TP.HCM bị nhiễm độc. Còn bầu không khí thì tác động không chỉ đến cá.

Chỉ hy vọng nếu khung thuế môi trường được nâng lên, các quan chức sẽ tìm ra cách giảm mức độ ô nhiễm không khí xuống.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
38 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi thở cũng phải trả giá