Cơ quan giám sát cạnh tranh Nhật Bản sẽ kết luận Google vi phạm luật chống độc quyền của nước này, theo trang Nikkei Asia, trích dẫn nguồn tin.
Thế giới số

Cơ quan Nhật kết luận Google vi phạm luật chống độc quyền về tìm kiếm, Alphabet đề xuất biện pháp khắc phục ở Mỹ

Sơn Vân 21:24 22/12/2024

Cơ quan giám sát cạnh tranh Nhật Bản sẽ kết luận Google vi phạm luật chống độc quyền của nước này, theo trang Nikkei Asia, trích dẫn nguồn tin.

Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) xác định hợp đồng giữa Google và các hãng sản xuất smartphone hạn chế cạnh tranh một cách công bằng, gây tổn hại đến thị trường tìm kiếm trên internet.

JFTC sẽ sớm ban hành lệnh yêu cầu Google ngừng các hoạt động độc quyền, theo Nikkei Asia. Google không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.

JFTC đã bắt đầu điều tra Google về khả năng vi phạm luật chống độc quyền trong các dịch vụ tìm kiếm trên web vào tháng 10.2023, sau các bước tương tự của các cơ quan chức năng ở châu Âu và các nền kinh tế lớn khác.

sau-my-nhat-ban-ket-luan-google-vi-pham-luat-chong-doc-quyen-lien-quan-linh-vuc-tim-kiem.jpg
JFTC xác định hợp đồng giữa Google và các hãng sản xuất smartphone hạn chế cạnh tranh một cách công bằng, gây tổn hại đến thị trường tìm kiếm trên internet - Ảnh: Nikkei Asia

Chrome là trình duyệt web được sử dụng rộng rãi nhất thế giới và là trụ cột trong hoạt động kinh doanh của Google, cung cấp thông tin người dùng giúp công ty nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn và có lợi nhuận hơn.

Cuối tháng 11, Bộ Tư pháp Mỹ trình bày với một thẩm phán rằng Google phải bán Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh và thực hiện các biện pháp khác, gồm cả việc có thể bán Android, để chấm dứt tình trạng độc quyền của mình trong tìm kiếm trực tuyến,

Các biện pháp do Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất là một phần của vụ án mang tính bước ngoặt tại Mỹ có khả năng định hình lại cách người dùng tìm kiếm thông tin. Nếu được áp dụng, các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong thời gian tối đa 10 năm, được giám sát bởi một ủy ban do tòa án bổ nhiệm nhằm khắc phục những gì mà thẩm phán cho là độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và liên quan quảng cáo tại Mỹ, nơi Google xử lý 90% các truy vấn tìm kiếm.

"Hành vi bất hợp pháp của Google đã tước đi của các đối thủ không chỉ các kênh phân phối quan trọng mà còn cả các đối tác phân phối, những người có thể tạo điều kiện cho các đối thủ của Google tham gia vào thị trường này bằng các cách thức mới và sáng tạo", Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang cho biết trong hồ sơ nộp lên tòa án.

Đề xuất của họ gồm cả việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền mà trong đó Google trả hàng chục tỉ USD hàng năm cho Apple và các nhà cung cấp thiết bị khác để biến công cụ tìm kiếm của mình thành mặc định trên máy tính bảng và smartphone.

Google gọi các đề xuất này là "gây sốc".

"Cách tiếp cận của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ dẫn đến sự can thiệp chưa từng có từ chính phủ, gây tổn hại đến người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, đồng thời đe dọa vị trí dẫn đầu kinh tế và công nghệ toàn cầu của Mỹ vào đúng thời điểm cần thiết nhất", Kent Walker, Giám đốc pháp lý Alphabet (công ty mẹ Google), tuyên bố.

Thẩm phán liên bang Amit Mehta đã lên lịch xét xử các đề xuất này vào tháng 4.2025, dù Tổng thống đắc cử Donald Trump và người đứng đầu chống độc quyền tiếp theo của Bộ Tư pháp Mỹ có thể can thiệp và thay đổi hướng đi trong vụ án.

Vào tháng 8, Amit Mehta từng ra phán quyết rằng Google độc ​​quyền thị trường tìm kiếm một cách bất hợp pháp.

Các đề xuất này có phạm vi rộng, gồm cả lệnh cấm Google quay trở lại thị trường trình duyệt trong 5 năm và yêu cầu hãng bán hệ điều hành di động Android của mình nếu các biện pháp khắc phục khác không khôi phục được sự cạnh tranh. Bộ Tư pháp Mỹ còn yêu cầu cấm Google mua hoặc đầu tư vào các đối thủ tìm kiếm, những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên truy vấn hoặc công nghệ quảng cáo.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các nhà xuất bản và trang web cũng sẽ được cung cấp một cách để từ chối tham gia đào tạo các sản phẩm AI của Google.

Một ủy ban kỹ thuật gồm 5 người do thẩm phán chỉ định sẽ sẽ giám sát việc tuân thủ các đề xuất của bên công tố. Ủy ban này, do Google trả tiền, sẽ có quyền yêu cầu tài liệu, phỏng vấn nhân viên và nghiên cứu mã phần mềm, theo hồ sơ tòa án.

Các biện pháp này nhằm mục đích phá vỡ "vòng lặp phản hồi liên tục khiến vị thế của Google ngày càng được củng cố" thông qua người dùng, dữ liệu và tiền quảng cáo bổ sung, các công tố viên cho biết.

Các công tố viên cho biết Google đã sử dụng Chrome và Android để ưu tiên công cụ tìm kiếm của mình, gây bất lợi cho các đối thủ.

Google cho biết việc bắt họ thoái vốn khỏi Chrome và Android, được xây dựng trên mã nguồn mở và miễn phí, sẽ gây tổn hại cho các công ty đã xây dựng trên chúng để phát triển sản phẩm của riêng mình.

Các đề xuất sẽ cấm Google yêu cầu những thiết bị chạy Android phải bao gồm sản phẩm tìm kiếm hoặc AI của mình, tức không bị bắt buộc phải cài đặt sẵn dịch vụ tìm kiếm Google Search hoặc sản phẩm AI như Gemini.

Google sẽ có lựa chọn bán Android để thay thế việc tuân thủ. Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của tiểu bang sẽ phê duyệt bất kỳ người mua Android tiềm năng nào.

Theo các đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ, Google sẽ bị yêu cầu cấp phép kết quả tìm kiếm cho các đối thủ cạnh tranh với chi phí danh nghĩa và chia sẻ dữ liệu thu thập được từ người dùng với các đối miễn phí.

Google sẽ bị cấm thu thập bất kỳ dữ liệu người dùng nào mà họ không thể chia sẻ vì lo ngại về quyền riêng tư.

Các công tố viên đã soạn thảo các đề xuất sau khi trao đổi với các công ty cạnh tranh với Google, gồm cả hãng sở hữu công cụ tìm kiếm DuckDuckGo.

"Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề thực sự lớn và sẽ giảm bớt rào cản cạnh tranh", Kamyl Bazbaz, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của DuckDuckGo, nói.

DuckDuckGo đã cáo buộc Google cố gắng né tránh các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu chia sẻ dữ liệu. Trong khi Google tuyên bố sẽ không làm tổn hại đến lòng tin của người dùng bằng cách cung cấp dữ liệu nhạy cảm cho các đối thủ cạnh tranh.

Alphabet đề xuất nới lỏng các thỏa thuận tìm kiếm trong biện pháp khắc phục vụ kiện chống độc quyền của Mỹ

Alphabet vừa đề xuất nới lỏng các thỏa thuận với Apple và các đối tác khác để thiết lập Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị mới, nhằm giải quyết phán quyết tại Mỹ rằng công ty chiếm lĩnh bất hợp pháp thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Đề xuất hẹp hơn nhiều so với nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm buộc Google bán Chrome, mà công ty gọi là nỗ lực can thiệp mạnh tay vào thị trường tìm kiếm.

Google đã thúc giục Amit Mehta hành động thận trọng khi quyết định gã khổng lồ công nghệ này phải làm gì để khôi phục sự cạnh tranh, sau phán quyết của ông rằng công ty nắm giữ độc quyền bất hợp pháp trong tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo liên quan đến tìm kiếm.

Google lập luận trong các tài liệu pháp lý rằng: “Các tòa án đã cảnh báo về việc áp dụng các biện pháp khắc phục chống độc quyền có thể làm giảm sự đổi mới”.

“Điều đó đặc biệt đúng trong một môi trường mà những đổi mới đáng chú ý về AI đang nhanh chóng thay đổi cách mọi người tương tác với nhiều sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, gồm cả công cụ tìm kiếm", Google cho hay.

Dù có kế hoạch kháng cáo phán quyết đó vào cuối vụ kiện, Google cho biết giai đoạn "biện pháp khắc phục" sắp tới nên tập trung vào các thỏa thuận phân phối của công ty với các công ty phát triển trình duyệt, hãng sản xuất thiết bị di động và nhà mạng không dây.

Thẩm phán nhận thấy các thỏa thuận này mang lại cho Google lợi thế lớn và dẫn đến việc hầu hết thiết bị tại Mỹ đều được cài sẵn công cụ tìm kiếm của Google.

Thẩm phán cho biết các đối tác khó gặp khó khăn để rút khỏi với Google, đặc biệt là với những nhà sản xuất thiết bị Android, vốn phải đồng ý cài đặt Google Search để đưa Google Play Store lên thiết bị của họ.

“Để khắc phục điều đó, Google có thể làm cho các thỏa thuận này không độc quyền và với những nhà sản xuất thiết bị Android, tách Google Play Store ra khỏi Chrome và công cụ tìm kiếm”, Google đề xuất.

Google cũng sẽ cho phép các nhà phát triển trình duyệt đã đồng ý thiết lập công cụ tìm kiếm của mình làm mặc định được xem xét lại quyết định đó hàng năm, theo đề xuất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Chia sẻ doanh thu

Không giống đề xuất của chính phủ, Google sẽ không chấm dứt các thỏa thuận chia sẻ doanh thu, vốn chuyển một phần doanh thu quảng cáo từ tìm kiếm cho các công ty thiết bị và phần mềm đã thiết lập Google làm công cụ tìm kiếm mặc định.

Các nhà phát triển trình duyệt độc lập như Mozilla, công ty phát triển Firefox, cho biết số tiền này rất quan trọng với hoạt động của họ. Apple đã nhận được khoảng 20 tỉ USD từ thỏa thuận với Google chỉ riêng trong năm 2022.

Kamyl Bazbaz, đại diện của DuckDuckGo, cho rằng đề xuất này chỉ cố gắng duy trì hiện trạng.

"Khi tòa án phát hiện ra hành vi vi phạm luật cạnh tranh, biện pháp khắc phục không chỉ phải ngăn chặn hành vi bất hợp pháp và ngăn chặn nó tái diễn mà còn phải khôi phục tính cạnh tranh trên các thị trường bị ảnh hưởng", Kamyl Bazbaz nói.

Đề xuất của Google mở đường cho phiên tòa mà thẩm phán Amit Mehta sẽ tổ chức vào tháng 4, tại đó Bộ Tư pháp Mỹ và liên minh các tiểu bang sẽ tìm cách chứng minh sự cần thiết của các biện pháp khắc phục sâu rộng, gồm việc buộc Google bán Chrome và có thể cả Android.

Chính phủ Mỹ dự định triệu tập nhân chứng từ OpenAI, Perplexity (công ty khởi nghiệp tìm kiếm AI) và Microsoft, theo tài liệu của tòa án.

Các công tố viên cũng muốn Google ngừng trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định, chấm dứt đầu tư vào những đối thủ tìm kiếm và sản phẩm AI dựa trên truy vấn, đồng thời cấp phép công nghệ và kết quả tìm kiếm của mình cho đối thủ.

Các đề xuất này nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong tìm kiếm trực tuyến, trong đó Amit Mehta nhận thấy thị phần áp đảo của Google khiến đối thủ không thể thu thập dữ liệu tìm kiếm cần thiết để cải thiện sản phẩm của họ, đồng thời ngăn Google mở rộng sự thống trị của mình trong tìm kiếm sang AI.

Bài liên quan
Google yêu cầu chính phủ Mỹ phá vỡ thỏa thuận đám mây giữa Microsoft với OpenAI
Google yêu cầu chính phủ Mỹ phá vỡ thỏa thuận độc quyền cho phép Microsoft lưu trữ công nghệ OpenAI trên các máy chủ đám mây của mình, trang The Information đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ quan Nhật kết luận Google vi phạm luật chống độc quyền về tìm kiếm, Alphabet đề xuất biện pháp khắc phục ở Mỹ