Phải thuyết phục khá nhiều lần bà Thái Linh mới chịu trải lòng về câu chuyện của mình vì trong sâu thẳm bà vẫn muốn những ngày tháng cuối đời của bố mình được bình yên…
>>Chuyện 'nghèo' của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
>>Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: 'Bị con cái bỏ rơi, tôi buồn và cô đơn lắm, tôi muốn chết lắm, muốn chết ngay...'
Trong một bài báo mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có chia sẻ, nhiều năm qua ông phải chật vật với cuộc sống đơn độc và bệnh tật. Ngay cả con gái ông sống cùng thành phố nhưng hai năm qua cũng không đến thăm. Thực hư của chuyện này thế nào, thưa bà?
Đây là câu chuyện đã được nhắc nhiều lần trên báo và chúng tôi đã không muốn lên tiếng vì nói qua nói lại chẳng hay ho gì, nhất là khi bố tôi đã lớn tuổi.
Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở thời điểm hiện tại. (Ảnh: Băng Châu)
Trong mắt tôi, ông là một người bố rất mực yêu con. Phải yêu con lắm ông mới sáng tác được những ca khúc như “Mẹ yêu con” mà đến bây giờ mọi người vẫn yêu thích. Và chị em chúng tôi cũng rất trân trọng và yêu quý bố mình. Vì yêu quý bố nên những ồn ào gần đây dù rất đau buồn nhưng chúng tôi không muốn lên tiếng. Tôi không biết bố mình còn sống được bao lâu nữa nên luôn muốn ông được bình yên… Bởi tôi biết, bố tôi không phải là người như thế mà bị chi phối bởi người đứng sau. Ở tuổi này, để đổi lấy bình yên, ông buộc lòng phải thoả hiệp với những điều xem ra có phần hơi tàn nhẫn. Nhưng tôi tin, mọi thứ sẽ có đất trời chứng giám, có nhân quả báo ứng.
Việc ông nói 2 năm qua tôi không đến thăm ông là có ngọn nguồn cớ sự. Cách đây không lâu, chúng tôi bỏ lại nhà riêng, qua ở chung để tiện bề chăm sóc ông một tháng rưỡi, gom góp tiền bạc mọi người gửi biếu ông đưa cho ông nhưng đến một ngày ông gọi công an khu vực đến chỉ vào mặt chồng tôi bảo: “Thằng này đêm qua nó định giết tôi, nó định lấy gối úp vào mặt tôi cho tôi ngạt thở mà chết. Bây giờ phải đuổi nó đi ngay không thì tôi chết”. Chưa dừng lại, ông chỉ vào mặt tôi bảo: “Đây là kẻ thù số một của tôi”.
Thật ra, lúc đó tôi không hiểu, tại sao con gái mà lại biến thành kẻ thù số một nhưng xâu chuỗi lại một số câu chuyện theo năm tháng, tôi mới hiểu ông phải nói như thế để chúng tôi ra khỏi nhà ngay lập tức.
Tôi còn nhớ, khi chúng tôi đang dọn đồ ra khỏi nhà thì nghe ông gọi điện cho bà Thương bảo: “Xong việc rồi, chúng mày về đi”. Nghĩa là tất cả những gì ông đối xử với chúng tôi đã có sự sự tác động của người thứ 3. Nói thằng ra là ông phải nói như thế để vợ chồng chúng tôi ra khỏi nhà cho bà Thương về lại nhà.
Sau này ông có gọi điện khóc lóc rồi nói lời xin lỗi nhưng tôi không cho nhà tôi xuống gặp ông nữa vì tôi sợ khi nhà tôi xuống gặp ông lại có chuyện này, chuyện nọ xảy ra, ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông.
Vậy bà Thương, người mà bà đề cập đến trong câu chuyện và cũng là người đang sống cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có mối quan hệ như thế nào với gia đình bà?
Năm 1985, tôi lấy chồng Việt kiều Đức nên theo chồng qua sinh sống và làm việc bên đó. Năm 1986, do người tôi bé nhỏ, sức khoẻ yếu, lại sinh đôi… nên khi sinh xong tôi bị rất nhiều biến chứng. Má tôi thương con nên qua Đức chăm tôi lúc mới sinh. Dù vậy, khi đi qua bên đó má tôi không cam lòng nên mới nhờ bà Thương là cháu dâu qua chăm ông. Lúc đó, chồng bà Thương mới mất, bà đang phải nuôi hai cô con gái.
Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm, xa ông lâu rồi nên đương nhiên ông gắn kết với người ta cũng hợp nhẽ thôi. Chỉ có điều ông sống tình cảm quá, bây giờ cũng có tuổi nữa nên bị người ta chi phối. Ngày xưa trẻ, ông còn phản kháng được chứ bây giờ ai bảo gì thì làm nấy cho xong việc.
Tại sao các con lại để cho ông phải sống một cuộc sống khốn khó, thiếu trước hụt sau… như vậy?
Thực ra, nếu mọi người đọc báo thì thấy thu nhập của ông hàng tháng từ tiền lương hưu, tiễn hỗ trợ của Hội Âm nhạc TP.HCM, tiền hỗ trợ từ một đơn vị ngoài Hà Tĩnh, tiền tác quyền âm nhạc, tiền chúng tôi gửi… cũng phải trên dưới 20 triệu. Ông bây giờ đã 95 tuổi, có nhu cầu tiêu pha gì mấy đâu mà 20 triệu/tháng vẫn phải sống khốn khó. Ông có tiền nhưng tiền trong tay ông lại không có bao nhiêu là bởi bị người ta... bòn rút bằng nhiều cách.
Bây giờ giờ chỉ cần đến phường hỏi lương của ông bao nhiêu (mỗi tháng ông nhận được 7 triệu/tháng), tiền thành uỷ hỗ trợ, tiền đơn vị ở Hà Tĩnh tháng nào cũng đến đưa cho ông đầy đủ 5 triệu có giấy biên nhận rõ ràng, bên Trung tâm tác quyền mỗi lần đến đưa tiền đều có hai người đến tận nơi, bên Hội Âm nhạc TP.HCM cũng cho người đưa tiền đến tận nhà cho ông.
Hai năm vừa rồi tôi không xuống thăm nhưng một tháng hai lần đưa tiền tiết kiệm xuống cho ông, có ký giấy và ký sổ hẳn hòi. Qua chữ ký, tôi nắm được tình trạng sức khoẻ của ông. Người khoẻ ký khác, người ốm ký khác. Kể cả người mang tiền xuống cho ông về nói ông khoẻ nhưng nhìn chữ ký có vấn đề là tôi cũng đặt dấu hỏi ngay. Hôm 10/7 vừa rồi, tôi cho người đưa tiền xuống, chú đưa tiền về bảo ông vẫn khoẻ. Chị tôi năm nay đã 70 tuổi, lương hưu mỗi tháng cũng chỉ được 5 triệu nhưng vẫn ky cóp gửi vào cho bố. 28/7 tới chị tôi lại bay từ Hà Nội vào thăm ông.
Tôi cho rằng, trong câu chuyện này, tôi với chị tôi chỉ là hai cá nhân đơn lẻ, không có gì to tát cả. Nhưng nó ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác như: Hội Âm nhạc TP.HCM, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả, đơn vị ngoài Hà Tĩnh… Nhiều người biết chuyện cũng đã bắt đầu phản ứng. Có nhạc sĩ bảo với tôi: “Bố cháu là có vấn đề đấy nhé! Thành phố người ta tặng cho cả một căn biệt thự số 9 ở đường Đặng Tất như thế là ưu ái lắm đấy, không phải ai cũng được đâu”.
Tôi với chị tôi là người sống tình cảm. Mẹ mất sớm, còn mỗi một mình bố nên dồn hết tình thương cho ông. Tôi biết ông cũng rất thương các con. Những gì ông nói chẳng qua là người ta dí bắt ông phải nói như thế. Tôi cũng không còn cách nào khác để có thể cứu ông được cả.
Nhạc sĩ có chia sẻ rằng, cách đây nhiều năm, bà đã lừa ông để lại ngôi nhà này cho bà. Không rõ sự tình có đúng như những gì nhạc sĩ nói?
Ngôi nhà mà bố tôi đang ở là đứng tên ông và má tôi. Năm 2004, má tôi mất có di chúc lại phần thừa kế của bà sẽ chia đôi cho tôi và ông. Sau đó, ông đã làm giấy tặng phần thừa kế mà bà để lại cho ông (tức ¼ ngôi nhà) cho tôi rồi. Tức là, ngôi nhà đó có một nửa của ông, một nửa của tôi.
Năm 2008, ông uỷ quyền cho tôi đi làm sổ đỏ. Tôi có lên gặp bên địa chính phường để làm rồi nhưng người ta nói là nếu làm sổ đỏ thì căn nhà này không thể chỉ đứng mỗi tên ông mà phải đứng tên hai bố con. Tôi hiểu rõ tính ông nên không đồng ý làm giấy tờ nữa mà cứ để cho ông sống ở đó đến khi nào ông mất thì tính sau.
Cách đây khá lâu, ông lại làm một bản di chúc viết tay để lại toàn bộ căn nhà đó cho tôi. Nhưng sau này ông có nhắc khéo tôi rằng, con nên nhớ đến chị con nữa. Những gì ông nói trên báo chí không đúng với thực tế vì giấy tờ ông đưa cho tôi làm sổ đỏ từ năm 2008 tôi vẫn giữ chứ không lừa ông đến lấy nhà. Ngoài ra, tờ giấy viết tay có chữ ký của ông để căn nhà đó cho tôi, tôi vẫn giữ.
Con gái nam nhạc sĩ cho rằng, dù không đến thăm bố nhưng bà vẫn nắm rất rõ tình trạng sức khoẻ của ông. (Ảnh: Băng Châu)
Nhiều năm qua chúng tôi nín nhịn vì muốn bố được bình yên sống nốt những tháng ngày cuối đời. Nhưng câu chuyện đang bị đẩy đi quá xa và tôi không muốn bố tôi tiếp tục trở thành “công cụ” cho người ta lợi dụng lòng tốt của mọi người nên tôi phải lên tiếng. Thật lòng, khi kể ra mọi chuyện, tôi và chị tôi đau lòng lắm, đau vô cùng…!
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn–Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khu vực phía Namcho biết, do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tuổi cao sức yếu nên mỗi quý Trung tâm đều cử hai người mang tiền tác quyền đến tận nơi trao cho nhạc sĩ. Và người nhận thay cho nhạc sĩ là bà Thương – người đang sống cùng nhà với ông. Mỗi lần đến đưa tiền, ngoài giấy tờ biên nhận, nhân viên của Trung tâm còn cẩn thận chụp ảnh lại để làm tư liệu. Bình quân, mỗi quý, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhận được 5 triệu đồng.
Ông Hà Văn Thạch – Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnhcho biết, với người Hà Tĩnh, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý giống như một người cha già, ai cũng yêu mến, thương ông. Tỉnh từng có chủ trương mời nhạc sĩ về Hà Tĩnh sống để phụng dưỡng ông cho đến cuối đời nhưng ông không chịu. Tết năm nào, Hà Tĩnh cùng đều cử người vào thăm, trao quà và chúc tết nhạc sĩ.
Cách đây mấy năm, ngoài số tiền 50 triệu đồng biếu tận tay nhạc sỹ, tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định gửi nhạc sĩ mỗi tháng 5 triệu đồng để ông dưỡng già. Hàng tháng, hai đại diện của Hội đồng hương Hà Tĩnh ở TP.HCM đến tận nhà đưa trực tiếp số tiền đó cho nhạc sĩ. Những lần đưa tiền đều có giấy biên nhận và hình ảnh chụp lại. Ông Thạch chia sẻ thêm rằng, qua tìm hiểu, ông thấy đời sống của nhạc sĩ không đến nỗi khó khăn vì nguồn thu của ông cũng tương đối.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khẳng định 2 năm con gái không đến thăm
Thời gian gần đây, theo thông tin một số báo đưa ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị các con bỏ rơi. Chúng tôi có đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại nhà riêng trên đường Trần Khắc Chân, Tân Định. Khi được hỏi về các con gái của mình, nhạc sĩ cho biết: “Con gái lấy tiền không được thì bỏ đi chứ không bao giờ cho tôi đồng nào. Tôi nghĩ chồng nó lôi kéo mới thế”.
Nhạc sĩ chia sẻ, cô con gái bảo cuối năm vào thăm nhưng 2 năm qua vẫn không thấy vào thăm. Ông khóc nhiều khi nhắc về hai cô con gái và cho rằng con gái không thương mình. “Tôi cho tiền thì có, chứ chưa bao giờ cho tiền tôi”, nhạc sĩ ngạc nhiên khi chúng tôi cho biết có thông tin các con nhạc sĩ thỉnh thoảng vẫn cho tiền ông.
Cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng khóc nhạc sĩ “Dư âm”. Nhạc sĩ cho biết thỉnh thoảng có khán giả đến cho tiền vì ngưỡng mộ, ông để dành tiền không dám xài, nhiều khi thèm thèm ăn bát phở nhưng không có tiền. Nhạc sĩ chia sẻ, lương thì cô cháu của mình đi lãnh và chỉ đưa cho ông vài trăm ngàn.
Người cháu họ chăm sóc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ
Với những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chúng tôi cũng có thêm thông tin từ người cháu họ, bà năm nay 65 tuổi cũng là người đã ở nhà của nhạc sĩ và chăm sóc cho ông từ năm 1988 cho đến nay. Ban đầu bà từ chối trả lời, nhưng sau đó bà đã đồng ý.
Người cháu họ khẳng định, nhạc sĩ chỉ hơi lãng tai nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Bà cho biết, nhạc sĩ trước giờ vẫn tự sống, tự lo chứ các con không giúp đỡ gì ông. Ngày trước cô con gái sống ở Hà Nội (Thái Linh) thỉnh thoảng có gửi tiền cho ông. Nhưng từ khi khi người con gái trên Tân Bình có xích mích với ông thì cả hai không còn qua lại và cũng không gửi tiền cho ông.
Bà cũng chia sẻ sự việc là cách đây 2 năm, người con gái sống ở TPHCM và chồng từng tới đuổi bà đi vì xích mích vấn đề tiền bạc. Sau đó có đến ở để chăm sóc ông nhưng chỉ trong vòng 1 tháng thì ông cho công an đến mời đi, sau đó gọi bà về ở lại và chăm sóc ông.
Chia sẻ cụ thể về mâu thuẫn với Thái Linh, bà cho biết: “Tôi không thích nối dối, vào ở cứ bảo tiền bạc của ông mất, nhưng có bao giờ mất đâu. Cô Linh đi Hà Nội về ông để 1 triệu dưới gối thì bả lấy. Ông mới nói lại là “Linh nó lấy” nhưng tôi vẫn làm thinh. 2,3 lần sau ông kêu qua tính tiền lại nói mất. Tối đó tôi tính vẫn đủ, sáng ngày cô Linh qua tính thì bảo mất. Tôi tức mình mới gây sự. 2 vợ chồng đuổi tôi đi. Nhà tôi ở thành phố nên tôi đi về 1 tháng. Sau đó mâu thuẫn ông đuổi đi và kêu tôi về lại”.
Người cháu họ cũng bác bỏ thông tin mình là người giúp việc không cho người đến thăm ông như các con nhạc sĩ chia sẻ.
Chia sẻ thêm về các khoản thu nhập và thu chi hàng tháng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cháu họ ông cho biết: “Lương hưu 1 tháng ông được 5 triệu 800, tôi đi lãnh và lấy 5 triệu tiền lương của tôi, còn năm 800 đưa lại cho ông. Phường mỗi tháng cho ông hơn 1 triệu, Hà Tĩnh cho 5 triệu. Cô con gái ở Tân Bình 2 tháng cho xe ôm mang đến cho ông hơn 1 triệu tiền lãi mà ông gửi tiết kiệm. Thỉnh thoảng những mạnh thường quân cho tiền ông để dành mua thuốc mua sữa mua vật dụng trong nhà. Tiền ăn của ông mỗi ngày là 100 ngàn, 10 ngày tôi lấy 1 lần”. Ngoài ra, chi phí điện nước sinh hoạt hàng tháng tại nhà cũng do ông chi trả. Hàng tuần có người đến tắm cho ông 2 lần 1 tuần, chi phí 1 lần là 100 ngàn.
Khi được hỏi việc nhạc sĩ than thở muốn ăn gì cũng không có ai mua, bà cho biết ông thèm ăn cũng bất thường vào buổi tối, nhưng bà không biết đi xe máy, cũng không ăn những món ông muốn ăn nên không biết chỗ mua. Ngày trước cô con gái của bà ở cùng nhà đi mua cho ông, sau này con gái có nhà ở Củ Chi thì mới dọn về đó và không sống chung nữa. Bà chỉ biết chỗ bán phở nên khi nào ông muốn ăn phở sẽ mua cho ông.
Cháu họ của nhạc sĩ cũng bất ngờ chia sẻ, cách đây không lâu ông cho tiền cháu ngoại của bà mua chiếc xe máy đi học. Người cháu ngoại này ba mất sớm, mẹ đi lấy chồng nên về đây ở với ông từ khi 1 tháng tuổi nên ông rất thương, thỉnh thoảng có cho tiền ăn quà vặt. Tiền hàng tháng là bà lo cho người cháu này ăn học.
Bà cho biết thêm, mình có căn nhà trống ở Bảo Lộc, ngày trước khi ông còn khỏe Tết vẫn chở ông lên chơi, nhưng sau này ông không đi lại được, nên ông cũng không còn đi.
Hà Tùng Long, Băng Châu/ Dân Trí
>>Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: 'Bị con cái bỏ rơi, tôi buồn và cô đơn lắm, tôi muốn chết lắm, muốn chết ngay...'