Bất luận mang tên gọi gì, để được coi là một tổ chức công đoàn nó phải có hai đặc điểm (a) tự nguyện, tự quản, sống bằng hội phí tự nguyện của hội viên; (b) chức năng chính là liên kết, lãnh đạo người lao động đấu tranh, đàm phán tập thể với giới chủ để bảo vệ lợi ích của hội viên. Nửa đầu thế kỷ XX, công hội đỏ, hội tương tế… của công nhân Việt Nam đã ra đời như vậy. Nhưng khi môi trường thay đổi, những đặc điểm chính của công đoàn đã thoái hóa và thay đổi về chất để thích ứng với môi trường mới, giống như loài cá di cư lên cạn lâu ngày thì không còn biết bơi, mà lại biết leo cây...
Nhưng môi trường lại thay đổi lần nữa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt là quy định của TPP về công đoàn, buộc công đoàn quay trở lại tồn tại trong môi trường cũ. Làm sao khôi phục “khả năng bơi” cho công đoàn? Khảo cứu quá trình tiến hóa của công đoàn tại Việt Nam sẽ góp phần trả lời tại sao công đoàn hiện tại không biết bơi.
Đấu tranh
Trước khi người Pháp mang mô hình kinh tế tư bản đến Đông Dương, người Việt không có khái niệm công đoàn, bởi trong mô hình “phát canh thu tô” của phong kiến cổ truyền, người nông dân được tự chủ về mặt thời gian; không xuất hiện quan hệ hợp đồng lao động.
Khi người Pháp xâm lược Đông Dương, họ đã mang theo mô hình kinh tế tư bản đến Việt Nam. Để khai thác thuộc địa, người Pháp đã tuyển mộ công nhân vào các nhà máy, đồn điền, doanh nghiệp; lao động trở thành một loại hàng hóa trong mô hình này. Những xung đột về lợi ích trong mối quan hệ người sử dụng lao động – người lao động tất yếu phát sinh. Trong quan hệ mâu thuẫn mang tính đối kháng và từng người lao động đơn lẻ ở vị trí yếu thế, họ khó lòng giành chiến thắng trong quan hệ này. Bởi vậy, công đoàn đã ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu này, với các tên gọi khác nhau công hội đỏ, hội tương tế… Trong số này, công hội do Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 tại xưởng Ba Son trở nên nổi bật, bởi đã kiên quyết đấu tranh chống lại sự bóc lột của giới chủ; sẵn sàng hy sinh, nằm gai nếm mật vì quyền lợi của công nhân. Dĩ nhiên, công hội không thể xin trợ cấp từ chính phủ Pháp hay từ phong bì hối lộ của giới chủ, mà hoạt động hoàn toàn dựa vào hội phí của công nhân. Chính đặc điểm này khiến cho công nhân đi theo công hội đỏ ngày càng đông.
Đất nước nằm dưới chế độ thuộc địa của người Pháp, giới tư bản Việt chưa phát triển, nên đấu tranh chống lại giới chủ Pháp gắn liền với đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính công hội trở thành cầu nối, cánh tay giúp Việt Minh thu hút sức mạnh của công nhân vào phong trào giành độc lập dân tộc. Chính do vai trò “khai quốc công thần” này, công hội đỏ - tiền thân của Công đoàn ngày nay – đã được Đảng và Nhà nước tri ân sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.
Chỉ còn biết “vỗ tay”
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước Việt Nam phát triển dựa trên chủ nghĩa Marx, với hai đặc điểm làm thay đổi môi trường hoạt động của công đoàn: (1) Coi lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, khác với hàng hóa tiêu dùng bị hao mòn, thì “sử dụng lao động” luôn có lãi, mang lại giá trị thặng dư; ông chủ đã chiếm đoạt “giá trị thặng dư” này và họ không bao giờ phá sản, vì đã sử dụng lao động thì không có “giá trị thặng âm”. (2) Hoạt động quản lý của ông chủ không phải là một loại lao động, chỉ có người công nhân mới lao động. Bởi vậy, giá trị thặng dư chỉ do sức lao động của công nhân tạo ra. Việc ông chủ chiếm đoạt giá trị thặng dư này là điều xấu xa, là nguồn cơn của nạn “người bóc lột người”.
Triết lý này vạch ra con đường đi tới cõi hạnh phúc vĩnh hằng cho loài người là phải xóa bỏ tận gốc nguồn cơn của việc chiếm đoạt “giá trị thặng dư”. Muốn vậy, thì sức lao động phải không được sử dụng với tính chất như một hàng hóa nữa; không còn kẻ bán người mua nữa thì sẽ không còn “giới chủ”; mà tất cả nhân loại sẽ là ông chủ của chính mình; mọi bất công nảy sinh từ quan hệ sử dụng lao động sẽ biến mất một cách thần kỳ.
Giới chủ không còn thì công đoàn lấy ai mà đấu tranh? Phản đối ai bây giờ? Nhất định không phải là Nhà nước, không phải là ông chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc xí nghiệp quốc doanh, càng không phải là lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Vậy phản đối cái gì bây giờ? Nhất định không phải là cắt giảm giờ làm, vì “lao động” bây giờ là thi đua, là yêu nước. Nhất định không phải là tổ chức đình công, mít tinh, biểu tình rồi.
Chức năng nguyên thủy không còn. Không đấu tranh, không phản đối, thì Công đoàn chuyển sang chức năng tán thưởng, bắt nhịp hòa ca trên con đường đi đến xã hội vô sản, ‘khích lệ mọi người làm việc nhiều giờ hơn nữa, làm việc không quản ngại khó khăn. Bởi vậy, sau Đại hội lần thứ II từ ngày 23-27.2.1961, Tổng Công đoàn Việt Nam đã động viên công nhân viên chức, lao động thi đua “phấn đấu trở thành tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, hưởng ứng phong trào “3 xây, 3 chống” , “mỗi người làm việc bằng hai” .
Vỗ tay cho ai thì người đó cho ăn . Bởi vậy, công đoàn không còn lệ thuộc vào hội phí của công nhân nữa. Mà trụ sở hội, chi phí hoạt động thường xuyên, biên chế công chức đều được Nhà nước bao cấp.
Đến đây thì ‘con cá” không biết bơi, dù vẫn sống khỏe, vì đã có “nguồn thức ăn khác”: tiền thuế của dân. Công đoàn bước vào thời kỳ nhàn hạ, vàng son; nhà nghỉ, khách sạn Công đoàn trải dài từ nam chí bắc.
Trước cơn thủy triều TPP: học bơi trở lại
Mô hình “làm chủ tập thể” đưa đất nước vào khủng hoảng đói nghèo, Đảng đã sáng suốt thực hiện Đổi mới, trả lại thuộc tính “hàng hóa” cho sức lao động. Năm 1994, Quốc hội Việt Nam ban hành Bộ Luật lao động, chính thức coi lao động là một loại hàng hóa, việc mua bán sức lao động trở lại hợp pháp. Giới chủ xuất hiện trở lại, chức năng đấu tranh, tổ chức đình công của Công đoàn được khôi phục tại Điều 172 Khoản 2 bộ luật này.
Nhưng sự khôi phục này chỉ là trên giấy tờ, thực tế từ 1994 đến 2015, mặc dầu có hàng chục nghìn vụ đình công tự phát của công nhân diễn ra trên toàn quốc, nhằm đấu tranh chống lại giới chủ, đặc biệt là giới chủ FDI, nhưng Công đoàn chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công cho họ; không còn mối quan hệ gắn bọ lợi ích như thời kỳ Công hội đỏ trước 1945 nữa.
Như vậy, Công đoàn được giao cho nhiệm vụ “bơi”, nhưng họ không tội gì phải “bơi”, vì họ có nguồn thức ăn khác, không phải sống chết với hội phí của công đoàn viên nữa. Và đặc biệt họ được độc quyền; công nhân không được phép thành lập tổ chức nào cạnh tranh với Công đoàn.
Nhưng TPP như cơn thủy triều nhúng Công đoàn trở lại môi trường nước, bởi TPP không chấp nhận tình trạng độc quyền của Công đoàn như hiện nay, mà yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền mang tính chất nhân quyền của người lao động: quyền tự do thành lập, tham gia công đoàn. TPP sẽ mang đến một thế hệ công đoàn độc lập, cạnh tranh lẫn nhau, sống bằng hội phí của công đoàn viên, lấy chức năng đấu tranh chống lại giới chủ bằng các biện pháp hòa bình như đình công, mít-tinh, biểu tình làm trọng tâm như thời đại công hội đỏ của Tôn Đức Thắng. Và công nhân sẽ đi theo tổ chức nào đấu tranh cho họ một cách quyết liệt nhất.
Bởi vậy, Đảng muốn nắm lấy tầng lớp công nhân, thì phải nắm lấy công đoàn nào “biết bơi”, chứ không phải công đoàn “leo cây, ngồi mát”. Muốn buộc Công đoàn biết bơi trở lại, thì phải buộc họ sống bằng hội phí của công đoàn viên, không còn bao cấp bằng tiền thuế của dân nữa; phải buộc họ cạnh tranh, tập dượt cho họ cạnh tranh trước khi kết thúc ân hạn 5 năm của TPP, trước khi cơn thủy triều đến. Lúc đó mọi công đoàn đều độc lập về tài chính, cạnh tranh lẫn nhau.
Kinh nghiệm từ việc thành lập Viettel cho thấy, sự xuất hiện của Viettel đã làm cho thị trường viễn thông trở nên lành mạnh, người tiêu dùng hưởng lợi, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được rèn luyện khá lâu trước khi mở cửa thị trường viễn thông cho doanh nghiệp nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO. Sự thành công của Viettel hiện nay cho thấy “buộc cạnh tranh” là chính sách không còn lựa chọn nào tốt hơn.
Chuyển sang đơn vị sự nghiệp công lập, xóa bao cấp, giao tự chủ tài chính đã làm cho các trường đại học trở nên năng động hơn, có động lực nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh tốt hơn – cũng là một tiền lệ đáng tham khảo trong quá trình khôi phục chức năng của công đoàn.
Võ Trí Hảo - Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM