Ricardo Glencasa ban ngày là một nam giáo viên dạy tiếng Anh ở TP HCM. Ban đêm, anh "lột xác" thành người phụ nữ tỏa sáng trên sân khấu.

Cuộc sống của 'nữ hoàng giả trang' người Anh ở Sài Gòn

Theo VNE | 22/09/2018, 00:59

Ricardo Glencasa ban ngày là một nam giáo viên dạy tiếng Anh ở TP HCM. Ban đêm, anh "lột xác" thành người phụ nữ tỏa sáng trên sân khấu.

"Mọi người đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn chưa?" Ricardo Glencasa, trong tiếng cổ vũ của đám đông bên dưới, hét vào chiếc micro. Đứng trên sâu khấu, chàng thanh niên người Anh mặc một chiếc váy màu hồng đuôi cá. Đêm cuối tuần, hàng trăm người đổ đến quán bar nằm trong trung tâm quận 1, TP HCM để xem các "nữ hoàng giả trang" như Ricardo Glencasa biểu diễn. Khi tiếng hò reo tạm lắng, Ricardo, trong ánh đèn lóa mắt, không che giấu nổi niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ được khán giả đón nhận.

Đến Việt Nam đầu năm 2017, Ricardo ban ngày là một nam giáo viên dạy tiếng Anh mặc áo veste, quần tây chỉn chu nhưng vào buổi tối, anh trang điểm, đội tóc giả và khoác lên người những bộ váy cầu kỳ để lột xác thành một Drag Queen, thuật ngữ xuất phát từ tiếng lóng trong giới kịch trường, nhằm chỉ những người nam đóng giả nữ. Khoác lên mình những bộ cánh công phu và trang điểm đậm để phóng đại các đặc điểm về giới chính là điểm tạo nên sức thu hút của Drag Queen.

Đa số các nữ hoàng giả trang là đồng tính nam, những người đàn ông cảm thấy hấp dẫn tình dục và có tình cảm với người cùng giới. Tuy nhiên, không ít phụ nữ và những người đàn ông dị tính yêu người khác giới cũng chọn nghệ thuật giả trang để tự do sáng tạo và thể hiện cá tính.

"Hồi nhỏ tôi bị bạn bè bắt nạt và khi trưởng thành bị xã hội miệt thị vì khác biệt. Đây cũng là những điều mà gia đình cấm tôi làm. Nhưng giờ đây, đứng trên sân khấu, tôi được mọi người yêu thích vì chính sự khác biệt của mình", Ricardo nói với VnExpress.

Tổn thương

Ricardo Glencasa (phải), năm 5 tuổi, chụp cùng các bạn hàng xóm. Ảnh: NVCC.

Lớn lên trong một khu dân cư nghèo ở thành phố công nghiệp Birmingham, Anh, ngay từ năm 4 tuổi, Ricardo Glencasa đã biết mình không giống các cậu con trai khác. Năm 6 tuổi, Ricardo bị mẹ phát hiện khi đang mặc váy của chị và nhảy múa trên giường. Cậu bé Ricardo không quên cảm giác "đông cứng vì sợ hãi" những lần ngồi xem TV với bố và nghe ông giễu cợt những người đồng tính xuất hiện trong bản tin. "Tôi sợ bố tôi biết rằng con trai ông cũng giống những người trên TV", Ricardo nhớ lại.

"Tôi lớn lên trong khu của những người lao động da trắng ít học, sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ. Xung quanh tôi đầy rẫy bạo lực và ma túy. Họ không bao giờ chấp nhận một thằng con trai với điệu bộ nữ tính". Ricardo nói về nỗi sợ không dám công khai bản dạng giới thật sự của mình.

Ở trường học, khi bạn bè hỏi: "Mày đồng tính hả?" Ricardo chỉ im lặng. Càng thu mình, cậu càng bị bắt nạt. Ban đầu chỉ là những lời trêu chọc nhưng sau đó là những trận đòn. Vào ngày hội thể thao cuối năm lớp 6, kết thúc một năm học cô đơn và lầm lũi, Ricardo đến trường với tâm trạng khấp khởi chờ đón những tháng hè sắp đến. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng bị dập tắt. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cậu lao vào ba trận đánh nhau liên tiếp để đáp trả những kẻ bắt nạt. "Ngày hôm đó, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Ngày hôm đó, tôi tự nhủ rằng tôi sẽ không chịu đựng thêm nữa", Ricardo nhớ lại.

Ricardo trải qua quãng đời tuổi thơ trong hoang mang. "Là một đứa trẻ, tôi chỉ tự nhiên là chính mình, tôi không cố gắng ra dáng một đứa con gái hay trở thành bất kỳ ai cả", Ricardo không hiểu tại sao cậu bị nhiếc móc và ăn đòn khi "sống cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác". Khi còn nhỏ, Ricardo thích đọc sách, leo núi, đá bóng và chơi điện tử. Theo anh, thứ duy nhất "nữ tính" là tấm poster của ban nhạc Spice Girls treo trong phòng ngủ.

Với ánh mắt vẫn chứa đầy thất vọng, Ricardo nhớ lần trở về nhà sau một chuyến dã ngoại, cậu và 5 người bạn cùng mặc chiếc áo phông kiểu đi biển, ngoại cỡ dài quá gối. "Lũ con trai chúng tôi thấy điều đó hài hước", anh kể. Đứng đón con, bố của Ricardo dần thay đổi sắc mặt. Khi Ricardo vừa tiến đến gần, ông gằn lên từng tiếng: "Tại sao mày mặc thứ dị hợm này ra đường?" Với Ricardo, chiếc áo chỉ là trò đùa vui cùng đám bạn nhưng ông bố nhìn nó là một cái váy của con gái. "Lúc đó, tôi hiểu ra rằng dù tôi làm gì, bố cũng không chấp nhận", Ricardo nói.

Ricardo Glencasa (phải) trong ngày tốt nghiệp đại học Middlesex ở London ngành báo chí. Ảnh: NVCC.

Sợ bị gia đình và bạn bè chối bỏ, Ricardo hoàn toàn cô đơn trên con đường khám phá xu hướng tính dục và bản dạng giới thật sự của mình. "Không có ai chia sẻ, tôi rơi vào trầm cảm và nghĩ đến chuyện tự tử từ rất sớm. Cảm giác đó khủng khiếp đến mức giá như có viên thuốc biến tôi thành 'trai thẳng', tôi sẽ uống ngay lập tức mà không đắn đo", Ricardo tâm sự.

"Là nhóm thiểu số trong xã hội, người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) thiếu các không gian an toàn để chia sẻ các vấn đề của mình", Hoàng Giang Sơn, điều phối viên về bình đẳng giới tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) nhận xét. Theo chuyên gia này, tại trường học, giáo viên không đưa thông tin liên quan đến cộng đồng LGBT vào chương trình giảng dạy, sách giáo khoa không đề cập đến xu hướng tính dục và bản dạng giới; còn tại gia đình, khoảng cách thế hệ là nguyên nhân chính.

Bước vào tuổi vị thành niên, Ricardo bắt đầu lên mạng trò chuyện với người lạ và tới các quán bar để tìm câu trả lời cho những thắc mắc về bản thân. "Không chỉ người khác không chấp nhận, chính tôi cũng chối bỏ con người thật của mình". Ricardo của những năm trước 20 tuổi thường mượn rượu để lấy can đảm tiếp xúc với đàn ông.

"Trong trạng thái nửa tỉnh nửa say; bạn bè và gia đình không biết bạn đang ở đâu, làm gì hay gặp ai, bạn sẽ tự dẫn xác vào những tình huống nguy hiểm", Ricardo nhắc đến "căn hộ chật chội, bẩn thỉu, lờ mờ ánh đèn, tất cả rèm cửa đều đóng kín", nơi Ricardo 17 tuổi bị một gã đàn ông 45 tuổi cưỡng bức. "Chính nỗi sợ để mọi người biết con người thật đã đẩy tôi vào những chốn đen tối".

Drag Queen và con đường tự chữa lành

Ricardo Glencasa (phải), cùng nhóm Gender Funk, chuẩn bị trước một buổi diễn hồi tháng 5. Ảnh: NVCC.

Ricardo Glencasa đợi đến tận năm 21 tuổi mới dám nói với bạn bè thân thiết về giới tính thật. Và ngay trước khi lên máy bay sang Việt Nam, khi đã 26 tuổi, Ricardo mới thú nhận với mẹ. "Ở Anh, một người đồng tính công khai xu hướng tình dục ở tuổi đó là quá muộn", Ricardo nói.

Theo kết quả cuộc khảo sát trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện năm 2013 tại 39 quốc gia trên thế giới về mức độ xã hội chấp nhận người đồng tính, 76% số người Anh được hỏi ủng hộ người đồng tính, đưa Anh vào danh sách một trong 5 quốc gia châu Âu có tỷ lệ chấp nhận người đồng tính cao nhất.

Việt Nam, vốn được coi là xã hội bảo thủ hơn Anh, hóa ra lại là nơi Ricardo tìm được cách tự do thể hiện bản thân và học cách yêu thương con người thật của mình. "Công chúng thường nhầm lẫn rằng tất cả các Drag Queen đều muốn trở thành phụ nữ", Ricardo giải thích về khái niệm "người chuyển giới". Đây là thuật ngữ miêu tả những người có suy nghĩ, cảm nhận về giới tính của bản thân không trùng với cơ thể sinh học của họ khi sinh ra. Ví dụ một người chuyển giới nhận thức bản dạng giới của mình là nữ trong khi bẩm sinh có cơ quan sinh dục nam.

"Không hề. Tôi không muốn phẫu thuật chuyển giới. Tôi hạnh phúc làm một người đàn ông. Chỉ là có một người phụ nữ cá tính mắc kẹt bên trong. Và đôi khi cô ấy muốn thoát ra khỏi thân hình này để rong chơi một chút", Ricardo ví von.

Phùng Hà Phương Thảo, nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới tại Hà Nội, cho biết văn hóa Drag vượt qua ranh giới giữa khái niệm "nam" và "nữ" truyền thống. Cô giải thích một người đàn ông theo hình mẫu truyền thống là phải mạnh mẽ, giữ vị trí trụ cột trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ luôn ở vai trò dịu dàng, yếu đuối và chăm lo những công việc nhỏ nhặt.

"Việc trở thành nghệ sĩ Drag giống như bạn có thể là bất cứ ai miễn là bạn cảm thấy hạnh phúc. Quan trọng hơn, Drag không chỉ là câu chuyện về giới mà là câu chuyện về việc khẳng định bản thân mình, về sự đa dạng và tự do cá nhân", cô nói.

Cuộc sống của Drag Queen 'Tây' ở Sài Gòn

Ricardo Glencasa tại lễ diễu hành Viet Pride diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày 25/8. Ảnh: NVCC.

"Làm Drag Queen đã khó, làm Drag Queen ở Việt Nam còn khó hơn", Ricardo không nói về sự phân biệt đối xử. Gần hai năm sống ở Việt Nam, Ricardo chưa bao giờ bị xúc phạm bằng lời nói hay tấn công bạo lực. "Hoặc cũng có thể do tôi không hiểu tiếng Việt", Ricardo bông đùa.

Theo một nghiên cứu do viện iSEE thực hiện với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, 90% trong số hơn 2.000 người Việt Nam tham gia đánh giá kiến thức về người đồng tính, song tính, chuyển giới không hiểu đúng về cộng đồng này.

Theo báo cáo này, nhóm nam giới ăn mặc như nữ giới là nhóm dễ bị tổn thương nhất. "Vẻ ngoài khác biệt của họ gây khó chịu hoặc kích thích thái độ thù ghét của một xã hội phụ hệ và gia trưởng của Việt Nam, trong đó những giá trị của nam giới và nam tính được đề cao", báo cáo nhận xét.

"Cái khó" mà Ricardo nhắc đến là việc mua trang phục biểu diễn ở Sài Gòn. Với thân hình của một người đàn ông phương Tây cao ráo, Ricardo thường phải đặt may riêng hoặc mua từ nước ngoài. Chỉ trong 6 tháng, anh đã tiêu khoảng 70 triệu đồng vào mỹ phẩm và đồ biểu diễn. Trong khi đó thù lao của một Drag Queen chỉ dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng cho một lần biểu diễn. Và mỗi tháng họ chỉ có khoảng 1-2 đêm biểu diễn được trả tiền. Các buổi diễn khác, họ lên sân khấu chủ yếu để thỏa mãn đam mê cá nhân hoặc tham gia các sự kiện vì cộng đồng.

Trên tầng hai của câu lạc bộ đêm, nhóm của Ricardo thay đồ và tập lại một số động tác vũ đạo. Trong ánh đèn lờ mờ, họ hút thuốc và cười nói rôm rả. Trong phòng vệ sinh, tiếng băng dính kêu roèn roẹt không ngừng. Ricardo giải thích đó là thủ thuật "tucking" để bó chặt và giấu kín bộ phận sinh dục nam vào bên trong. "Nhưng áo nịt bụng mới là thứ khó chịu nhất, đôi khi tôi muốn tắc thở", Ricardo vừa nói vừa với chai keo xịt tóc và xịt thẳng vào mặt. "Thứ này giúp giữ cho lớp trang điểm không bị trôi giữa thời tiết nóng ẩm của Sài Gòn", Ricardo phân trần.

Ricardo Glencasa trang điểm trước một đêm diễn từ thiện tháng 5. Ảnh: NVCC.

"Làm Drag Queen không dễ dàng, thậm chí có lúc còn đau đớn", Ricardo thừa nhận. Hậu quả của việc nhảy trên giày cao gót 20 cm hàng tiếng đồng hồ là đôi chân tê cứng và cái lưng đau buốt. Bí quyết để giữ đôi khuyên tai không văng ra khi nhảy múa là dùng băng dính hai mặt. Giơ lọ hồ khô có giá chưa tới 10.000 đồng lên, Ricardo nói: "Hồ dán giấy chuốt lông mày là đỉnh nhất!"

Nhà hoạt động Phương Thảo từng theo chân nhiều nghệ sĩ Drag đi biểu diễn. Cô cho biết việc hóa trang luôn mất 4-5 tiếng, ví dụ 11h đêm diễn, Drag Queen phải bắt đầu sửa soạn từ 6h tối. "Tiền thù lao thường rất ít, chỉ vừa đủ tiền ăn uống và mua sắm đồ trang điểm. Hẳn phải yêu ánh đèn sân khấu lắm họ mới có động lực tiếp tục", cô nói.

Nhìn về tương lai 20 năm tới, Ricardo thấy mình ngoài 50 tuổi, sống hạnh phúc trên một hòn đảo ở Thái Lan với bạn đời và một tủ quần áo chứa đầy đồ biểu diễn Drag.

Tưởng tượng xa hơn, Ricardo thấy những người bạn đến dự đám tang của mình trong những trang phục cầu kỳ. Và các nữ hoàng giả trang, đội những chiếc mũ rộng vành màu đen và đi giày cao gót duyên dáng, sẽ bê quan tài của anh ra khỏi nhà thờ.

Quay lại thực tại, giọng chùng xuống, Ricardo nói anh vẫn chưa công khai với bố rằng anh là người đồng tính. "Không phải vì tôi sợ hãi mà đơn giản tôi không còn thấy việc ông chấp nhận tôi là điều quan trọng nữa. Quan trọng là tôi đã chấp nhận bản thân mình rồi".

Theo VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống của 'nữ hoàng giả trang' người Anh ở Sài Gòn