Với việc bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 1, Điều 356 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT phải đối diện với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - đến 5 năm.

Cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT đối diện mức hình phạt nào?

11/03/2020, 20:08

Với việc bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 1, Điều 356 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT phải đối diện với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - đến 5 năm.

Bị cáo Đặng Anh Tuấn tại phiên xét xử lần đầu - Ảnh: T.A

Ngày 12.3, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đặng Anh Tuấn (cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT) về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, trên cơ sở Phiếu trình của Đặng Anh Tuấn, ngày 5.10.2016, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn ký Quyết định về việc Thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, xác minh, đánh giá việc chấp hành quy định và sử dụng tài nguyên Internet, đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Công ty CP Viễn thông FPT.

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra có 3 Bản báo cáo, xác định có nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng nguồn tài nguyên Internet của doanh nghiệp viễn thông trong nước để cung cấp, vận hành các trò chơi điện tử trên mạng có yếu tố cờ bạc. Trong số này có cổng game RikVip.com liên quan đến Công ty VTC Online đã bị Đoàn thanh tra của Bộ TT-TT phát hiện, chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý vào tháng 9.2016. Tuy nhiên, trong thời điểm kiểm tra, cổng game này vẫn tiếp tục hoạt động dưới tên miền TipClub, 23Zdo.com.

Với tư cách là Chánh thanh tra Bộ TT-TT, Đặng Anh Tuấn đã nhận được 3 Bản báo cáo và biết rõ tình hình nêu trên, nhưng không có ý kiến xử lý vi phạm; đồng thời nhiều lần nhắn tin yêu cầu đề xuất thêm trong báo cáo là “dừng đoàn kiểm tra”. Sau đó, Đặng Anh Tuấn đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền soạn thảo phiếu trình, đề xuất Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dừng đoàn kiểm tra.

Trực tiếp chỉnh sửa Phiếu trình

Theo lời khai của ông Trương Minh Tuấn thể hiện trong cáo trạng, trước khi ký đồng ý dừng hoạt động của Đoàn kiểm tra theo Phiếu trình số 63 do Đặng Anh Tuấn đề xuất, ông không có chủ trương gì về việc dừng kiểm tra. Sau đó, ông Trương Minh Tuấn đã đồng ý dừng hoạt động của Đoàn kiểm tra trên cơ sở các lý do Đặng Anh Tuấn đưa ra trong Phiếu trình 63.

Cáo trạng thể hiện, nội dung Phiếu trình 63 do Đặng Anh Tuấn trực tiếp chỉnh sửa: “đề xuất dừng đoàn kiểm tra với các lý do sau: Hoạt động của Đoàn kiểm tra về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra; Đoàn kiểm tra gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm do không có thẩm quyền như Đoàn thanh tra”.

Lý do thứ 3 được đề cập trong Phiếu trình là so sánh giữa thời hạn thanh tra “không quá 45 ngày, tối đa không quá 70 ngày” đối chiếu với thời hạn kiểm tra "diễn ra trong 8 tháng là quá dài” nên đề xuất với Bộ trưởng dừng đoàn kiểm tra.

Lý do ông Trương Minh Tuấn ký dừng hoạt động kiểm tra là vì “tin tưởng Đặng Anh Tuấn đã thống nhất với Đoàn kiểm tra và nghĩ rằng Đặng Anh Tuấn đề xuất đúng”. Sau khi dừng kiểm tra, ông Trương Minh Tuấn không chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra; vì là Bộ trưởng, công việc nhiều, các đơn vị chuyên môn phải tham mưu nhưng không thấy cơ quan Thanh tra hay cơ quan chuyên môn nào tham mưu, đề xuất gì về việc này nên ông Trương Minh Tuấn không có ý kiến chỉ đạo cụ thể gì về việc này…

Quá trình điều tra, cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT cho rằng về nội dung lập Phiếu trình dừng hoạt động của đoàn kiểm tra, ngoài các lý do nêu trong Phiếu trình 63, bị cáo cho rằng Đoàn kiểm tra đã hoàn thành nhiệm vụ, vì thể hiện trong Báo cáo số 03 là các game bài có dấu hiệu cờ bạc đã dừng hoạt động.

Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu rõ Đặng Anh Tuấn còn đưa ra lý do là các Doanh nghiệp viễn thông phản ánh về quá trình hoạt động của Đoàn kiểm tra đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, như vậy sẽ ảnh hưởng đến Bộ TT-TT và uy tín của Thanh tra Bộ TT-TT.

Cáo trạng cũng thể hiện, đến nay, Đặng Anh Tuấn vẫn xác định việc lập Phiếu trình số 63 ngày 8.6.2017 đề xuất Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dừng hoạt động của Đoàn kiểm tra là đúng thẩm quyền, không có động cơ, mục đích tư lợi gì.

Trong vụ án này, ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT) được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Thọ đã nhận được đơn xin vắng mặt của ông Trương Minh Tuấn.

Cơ quan An ninh điều tra xác định hành vi của ông Trương Minh Tuấn có dấu hiệu về mặt khách quan của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 360 - BLSH 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Tuy nhiên, hành vi của ông Trương Minh Tuấn chưa bảo đảm yếu tố khách quan (gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất) nên CQĐT không đề cập trách nhiệm hình sự và có Văn bản thông báo đến Bộ TT-TT xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, là phù hợp.

Được biết, ông Trương Minh Tuấn đang thi hành hình phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Nhã Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Chánh thanh tra Bộ TT-TT đối diện mức hình phạt nào?