Tại phiên thảo luận, góp ý về Văn kiện Đại hội Đảng XII sáng 23.1, Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường đã cảnh báo như vậy.
Theo ông Cường, sau 30 năm thực hiện đổi mới và hội nhập thế giới, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, những chính sách lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân.
Nhờ đó, vị thế, vai trò của người nông dân, giai cấp nông dân được nâng cao, mở rộng; Nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã trở thành “trụ đỡ” của kinh tế - xã hội VN, kể cả ở thời điểm khó khăn nhất.
“Tam nông” phải duy trì đúng theo Nghị quyết T.Ư 7
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân cũng cảnh báo nhiều nguy cơ đang diễn ra ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa.
“Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp nên việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989 - 1990 xuống còn 14,2% những năm 2005 - 2010, và chỉ còn 6,12% - 6,06% những năm 2012 - 2014”, ông Cường phát biểu.
Ngoài việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”... dẫn tới thu nhập giảm, tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp, ông Cường cũng chỉ ra nguy cơ phần lớn lao động nông nghiệp trẻ tìm cách ly quê, ly nông; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trong 20 năm qua và những năm tới khả năng sẽ tiếp tục lấy đi đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng đất 2 lúa, đất ven trục lộ giao thông, đất ven đô thị…; việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” chất lượng thấp, môi trường nông thôn xuống cấp nghiêm trọng... dẫn đến nông dân thiếu việc làm, nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Chủ tịch Hội Nông dân cũng cảnh báo tình trạng nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất.
“Lối sống thực dụng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “sống chết mặc bay”, đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Văn hóa truyền thống “tình làng, nghĩa xóm” bị suy giảm. “Một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động, xa dần văn hóa, nghệ thuật dân gian, lịch sử dân tộc và luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc nông dân của mình”, ông Cường dẫn chứng.
Chủ tịch Hội Nông dân VN kiến nghị 8 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu “người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN, như đã nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII.
Một trong số đó là tiếp tục cụ thể hóa chương trình, nội dung trung hạn, dài hạn xây dựng giai cấp nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nội dung Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về “tam nông”, trọng điểm là đến năm 2020, phải nâng mức thu nhập của nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 và tăng dần vào những năm tiếp theo; đồng thời, đầu tư cho “Tam nông” phải duy trì đúng theo Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X), bảo đảm giai đoạn 5 năm sau gấp 2,5 lần 5 năm trước.
Ông Cường nhấn mạnh đây là nền tảng, là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân sinh, dân trí, dân luật, dân chủ cho nông dân.
Cần thực hiện tốt chính sách tiền lương cho người lao động
Đại diện cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn VN với trên 9 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn VN vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc.
“Tình trạng việc làm của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, cường độ làm việc rất cao, điều kiện lao động ít được cải thiện, tai nạn lao động vẫn gia tăng. Đặc biệt là tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, đời sống gặp vô vàn khó khăn; lao động nữ ít có điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình, thiếu nhà trẻ mẫu giáo để gửi con; vấn đề ngộ độc thực phẩm bữa ăn công nhân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là điều rất đáng lo ngại”, ông Tùng dẫn chứng. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần của công nhân, người lao động cũng rất thiếu thốn, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tranh chấp lao động và đình công trong công nhân lao động có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo ông Đặng Ngọc Tùng, trong thời gian tới, chúng ta đang đứng trước thử thách rất to lớn phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, quan hệ lao động có xu hướng phức tạp, “âm mưu diễn biến hòa bình”, chống phá của các thế lực thù địch vẫn âm mưu chống phá cách mạng, chống phá Công đoàn VN. Vì vậy, yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có thể xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn VN cùng tồn tại hoạt động. “Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả”, ông Tùng cảnh báo.
Từ nhận định trên, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị Đảng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong công nhân, nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, vì hiện nay hệ thống chính trị trong công nhân lao động rất mỏng, vẫn có nhiều cơ sở còn trắng tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên và thậm chí cả Công đoàn.
Kiến nghị đáng chú ý khác là tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền công, các chính sách phúc lợi và dịch vụ xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vừa được thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước tương xứng với sự đóng góp của họ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội.
Bắt đầu ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XII
Hôm nay 24.1, Đại hội Đảng XII tiếp tục phiên thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII và nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) do T.Ư khóa XI chuẩn bị.
Theo đó, trong buổi sáng, Đại hội sẽ thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. Các trưởng đoàn sẽ phổ biến với đoàn về báo cáo của Đoàn Chủ tịch những thông tin cần thiết trong danh sách giới thiệu nhân sự ứng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XII do Ban Chấp hành T.Ư khóa XI chuẩn bị (nếu có); đồng thời, nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XII (chính thức và dự khuyết) do Ban Chấp hành T.Ư khóa XI chuẩn bị.
Chiều cùng ngày, Đại hội sẽ trao đổi tiếp về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XII và nghiên cứu các tài liệu hồ sơ về nhân sự.
Trước đó, chiều 23.1, Đại hội đã nghe báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XII và thảo luận, biểu quyết về số lượng Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. Theo kết quả biểu quyết, Đại hội Đảng XII đã thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khóa XII gồm 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức (nhiều hơn khóa XI 5 người) và 20 ủy viên dự khuyết (ít hơn khóa XI 5 người).
Bảo Cầm
Bảo Cầm - Q.Duẩn - Q.Phổ/Thanh Niên