Trong khi các giống lúa do các nhà khoa học chọn tạo và khuyến cáo sử dụng không được nông dân chấp nhận vì nghe theo thương lái thì Campuchia lại trồng và xuất khẩu gạo với giá trị cao từ chính giống lúa này.
PGS. TS Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL), trao đổi bên lề Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.
Bà Lang cho biết, những năm qua, bản thân bà và cộng sự tại Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo bằng phương pháp chỉ thị phân tử khá nhiều các giống lúa chịu hạn, mặn, vừa chịu hạn vừa chịu mặn, có mùi thơm và tiến tới là những giống lúa chịu được ngập với năng suất cao.
Tuy nhiên, điều bà Lang cảm thấy buồn là người nông dân dường như không nghe theo các khuyến cáo của nhà khoa học mà chỉ nghe theo thương lái.
"Thương lái bán được giống nào thì người ta mua và đề nghị nông dân trồng cái đó người ta mới mua. Nhà khoa học khuyến cáo đúng nhưng không phải là người thu mua sản phẩm nên chẳng ai muốn nghe cả" - bà cho hay - đồng thời khẳng định đây đang là vấn đề "nhức nhối".
Sau khi chọn tạo các giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL đều trình diễn tại viện và mời nông dân tới chọn. "Chọn tạo được 10 giống mà nông dân chọn 1-2 giống để trồng là đã được rồi" -vị PGS bày tỏ.
"Nhiều khi kỹ thuật chuyển giao không cho nông dân nhưng khi nhà khoa học rút đi là họ cũng bỏ đi" - bà nói.
Điều trái khoáy là nhiều giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo lại đang được nước ngoài ứng dụng và thậm chí xây dựng thành thương hiệu gạo quốc gia.
Mới đây, khi một chương trình của Hà Lan giúp xây dựng thương hiệu gạo cho Campuchia đã tới gặp bà để xin bản quyền giống lúa Jasmine mà thực chất là giống lúa OM4900 do bà chọn tạo.
"Campuchia muốn xin bản quyền giống lúa này để từ đó họ có thể xuất khẩu được loại gạo này ra thế giới" - PGS Lang cho biết. "Chúng tôi cũng đang xin nhà nước cho phép bán bản quyền giống lúa này".
Sau đợt hạn, mặn lịch sử vừa qua, nhiều cơ sở và nông dân cũng tới viện để xin các giống lúa chịu hạn, mặn của viện. Bà Lang nói cảm thấy rất vui vì tới lúc này người dân đã thấy quý trọng các sản phẩm do các nhà khoa học làm ra.
Bà cũng cho rằng, các doanh nghiệp khi kết nối với người dân về nhu cầu cũng nên lồng các khuyến cáo của nhà khoa học vào để nông dân có lựa chọn đúng. Bên cạnh đó, bản thân nông dân cũng phải được trang bị kiến thức đầy đủ thì mới hiểu được vai trò của khoa học.
Lê Văn/VNN
Ảnh: PGS. TS Nguyễn Thị Lang trao đổi bên lề hội thảo sáng 10/6. (Ảnh: Lê Văn)