Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Người dân có ý muốn đổi chuyển cây trồng nên tự nguyện gọi thương lái mua, chứ không hề có đối tượng xúi giục".
Ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách đang là nơi có hoạt động mua bán dừa sôi nổi nhất trong khu vực. Nhiều người dân sẵn sàng bán nguyên cả vườn dừa của mình cho thương lái với giá 150.000đ/cây. Tại một mảnh vườn rộng gần 2 công đất ven đường, chúng tôi phát hiện có hơn 50 cái hố to nhỏ được đào lên, mỗi hố sâu gần 0,5m. Trước đó, đây từng là chỗ của những cây dừa… “Hoạt động mua bán dừa diễn ra ở địa phương từ 3 - 4 tháng trở lại đây. Có lúc cao điểm, nhìn ngoài đường lớn là… cây dừa được chở ngang nhiều hơn cả xe qua lại”, một người dân địa phương cho biết.
Bỏ công 4 - 5 năm, bán với giá bèo
Một số người trồng dừa có kinh nghiệm lâu năm cho biết để cây dừa cao từ 1,5-2m thì người trồng dừa phải mất ít nhất từ 4 - 5 năm. Tính từ khoảng thời gian trồng đến lúc bán cây dừa cho các thương lái người dân tốn khoảng vài triệu đồng/công đất để mua giống, phân, thuốc diệt đuông dừa. Đặc biệt, ở giai đoạn 1 - 2 năm đầu để dừa phát triển thì người dân phải bỏ công sức, tiền bạc hơn rất nhiều. Vì ở giai đoạn này, cây dừa còn rất yếu dễ bị chết non hoặc hư cây, do không thích nghi được với đất, nhiễm bệnh hoặc bị đuông dừa đeo bám, phá hoại.
Về xuất xứ của những thương lái này cũng không ai biết. “Chúng tôi bán được dừa là rất mừng rồi, nên cũng không hỏi han người ta nhiều về “tương lai” của những cây dừa mình bán đi. Có nhiều người khẳng định mấy cây dừa này đem về để làm cây công trình. Khi người dân muốn bán dừa thì liên hệ cho một người chuyên thu mua cây công trình trong địa phương. Còn việc xuất đi thì người dân chỉ biết mập mờ là xuất cho thương lái hoặc đem trồng kiểng tại mấy khu du lịch nào đó thôi”, một người dân bảo vậy.
Điều đáng lưu ý, hơn 10 năm nay, tàu Trung Quốc thường xuyên sang Bến Tre mua dừa, và tìm hiểu rất kỹ về cây dừa xứ này. “Mua kiểu này, dân thấy ham là bán hết ngay. Rồi đổ xô nhau trồng cây khác, rồi lại bị ép giá. Rồi có ngày không còn dừa để bán. Đất Bến Tre hết dừa coi như mất tiếng. Coi chừng bị dính bẫy của thương lái Trung Quốc như mua thanh long, lá mãng cầu. Mà Bến Tre hết dừa thì nông dân, rồi hàng chục nhà máy, hàng ngàn cơ sở chế biến phải dẹp tiệm vì lấy đâu ra nguyên liệu?”, một người dân nói vậy.
Làm gì có thương lái Trung Quốc
Chúng tôi gặp được ông Tuấn Anh (thương lái chuyên mua dừa của người dân), và ông Tuấn Anh cũng mơ hồ về việc tại sao nhiều đầu mối có nhu cầu mua cây dừa số lượng lớn. “Họ chỉ điện thoại, miêu tả kích cỡ của cây dừa, tôi sẽ đi tìm mua cho họ. Giá cả thì từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Nhưng thương lái Trung Quốc thì tôi khẳng định là không nhúng tay vào! Tôi mua dừa để cung cấp cho 2 thị trường chính là Phú Quốc và Hà Nội. Trước giờ, tôi chỉ làm việc với người Việt Nam mình chứ chưa hề mua bán với thương lái Trung Quốc!”.
Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Người dân có ý muốn đổi chuyển cây trồng nên tự nguyện gọi thương lái mua, chứ không hề có đối tượng xúi giục. Hơn nữa, đây hình thức tỉa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bình thường trong vùng. Việc này sẽ giúp người dân tăng thu nhập cho gia đình và không ảnh hưởng đến lớn sản lượng dừa của huyện và không hề có thương lái Trung Quốc tham gia”.
Anh Trịnh Công Phát, người dân huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Đúng là người ta mua dừa chở về đây, trồng ở bờ biển, theo các dự án khu du lịch, khách sạn. Nhu cầu là rất lớn! Nói vui là, có thể nhổ hết dừa Bến Tre về Phú Quốc này trồng”. Tại sao lại mua dừa cao 1-2m, mà không trồng dừa nhỏ, dễ sống? Anh Phát nói: “Dừa lớn sẽ nhanh cho bóng mát. Chở ra đây, dừa trồng xuống đất cát vẫn sống như thường, không lo ngại. Mà dân trồng dừa nhận khoán hết, họ sẽ mua dừa từ Bến Tre, chở ra đây, trồng xuống rồi chăm sóc luôn, khi nào cây dừa phát triển tốt mới nhận tiền”.