Ngay sau thông tin được bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đưa ra, về việc mua dao mổ trúng thầu giá rẻ phải rạch 3 lần mới đứt da, đã có rất nhiều ý kiến từ các bác sĩ tỏ ý đồng tình.

Dao mổ kém chất lượng, vật tư thiếu: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/08/2022, 14:16

Ngay sau thông tin được bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đưa ra, về việc mua dao mổ trúng thầu giá rẻ phải rạch 3 lần mới đứt da, đã có rất nhiều ý kiến từ các bác sĩ tỏ ý đồng tình.

E ngại đấu thầu

Trong Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức hôm qua 21.8, bác sĩ Nguyễn Tri Thức đã kiến nghị giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện. Ông đưa ra ví dụ một trưởng khoa ngoại bức xúc gặp ông hỏi sao ông mua dao mổ giá rẻ.  "Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt” - ông Thức chia sẻ nỗi bức xúc về việc đấu thầu và mua sắm thiết bị trong ngành y tế.

Hiện nay, ngành y tế cũng như các ngành nghề khác, mua tất cả vật tư thiết bị đều phải thông qua đấu thầu. Tuy nhiên đã gặp phải nhiều vướng mắc, trong đó chú ý nhất là giá phải rẻ và phải đưa được đủ 3 giá của các nhà thầu khác nhau để so sánh. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị liên quan.

Đại diện một công ty chuyên về đấu thầu cho biết hiện nay đa số các gói thầu đều bị thua thê thảm trước các công ty ít tên tuổi vì hàng Việt Nam hoặc hàng nhập khẩu từ châu Âu không bao giờ rẻ. Trong khi đó hàng giá rẻ ở các nước châu Á khác, trong đó có Trung Quốc, thì tràn lan, thậm chí nhiều đơn vị đấu thầu thua chính trên sân nhà vì giá cả chênh lệch quá cao.

img2439-16437088098961544452678.jpg
Các bác sĩ sẽ rất khó khăn trong việc phẫu thuật cho người bệnh nếu phải sử dụng những thiết bị vật tư dụng cụ không tốt

Trao đổi riêng với phóng viên Một Thế Giới, đại diện một công ty về đấu thầu cho biết trong đấu thầu, đặc biệt ở ngành y như đấu thầu vật tư y tế, thuốc men, không có công ty nào đủ năng lực để phá giá hay cố tình cho giá giảm để mang hợp đồng về. Nếu cho giá rẻ thì những lần đấu tiếp theo nhà sản xuất đó phải chào thầu bằng giá cũ thậm chí thấp hơn lần đấu thầu trước đó. Đó là rủi ro mà chẳng có công ty đấu thầu nào muốn đưa về. Thực tế nhất chính là chất lượng và giá rẻ sẽ đi kèm nhau. Ví dụ về giá thuốc, vật tư y tế thì giá của các đơn vị như Ấn Độ, Trung Quốc sẽ thấp hơn nhiều so với các sản phẩm được sản xuất trong nước hoặc các nước châu Âu.

Công tác đấu thầu mua sắm máy móc, vật tư trang thiết bị hay thuốc men của ngành y đã diễn ra nhiều năm nay gặp những khó khăn lớn. Chính vì thế rất nhiều đơn vị bệnh viện đã có mong muốn tự đấu thầu hoặc các bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ vấn đề không để tình trạng này kéo dài. Nếu các thiết bị trúng thầu không đảm bảo yêu cầu điều trị sẽ gây lãng phí, không hiệu quả, dẫn đến việc người bệnh bị ảnh hưởng về sức khỏe thậm chí đến tính mạng vì thiếu thuốc, vật tư không đảm bảo. 

Về việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn nhiều vướng mắc, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định hiện nay do vướng mắc về giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá đã trúng thầu của 12 tháng trước đây nên các bệnh viện gặp khó khăn khi mở hồ sơ mời thầu. Nếu cứ lấy giá cũ thì không có doanh nghiệp nào có giá đó, dù bệnh viện có mời thầu thì không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước, không ai tham gia thì không thực hiện được việc mua sắm.

Quy định hiện nay khó thực hiện các đơn vị cùng vào đấu thầu vì thuốc được tính theo giá cũ chưa tính lạm phát và các khía cạnh liên quan đến chuỗi cung ứng khi nhập khẩu thuốc do ảnh hưởng của COVID-19, việc vận chuyển, bảo quản... khiến giá thuốc, vật tư bị nâng lên. Từ đó khó đưa ra giá hợp lý. Mà nếu đưa ra giá như vậy thì không doanh nghiệp nào có đủ thuốc theo giá đó, nếu có mời thầu cũng không ai đứng ra làm.

Thêm nữa là thời gian qua có nhiều vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu, dẫn đến tâm lý lo ngại nếu mình tham gia trong bối cảnh các quy định về pháp luật, đấu thầu chưa rõ thì mình có bị sao không. Thậm chí có người bảo thà bị kỷ luật còn hơn bị truy tố trước pháp luật. Vì thế, tâm lý chung của nhiều anh em là e ngại. Các bệnh hiện thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm đấu thầu, có kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ mời thầu, đấu thầu, thiếu hiểu biết về trang thiết bị, thuốc, vật tư. Một số bị bắt, một số không làm việc nữa mà chuyển sang công việc khác an toàn hơn. Các khó khăn này dẫn tới tình trạng đình trệ trong đấu thầu thuốc thời gian qua. 

Lựa chọn hàng rẻ chất lượng kém hay hàng tốt chất lượng cao?

Một bác sĩ chuyên ngành ngoại khoa tại bệnh viện ở Hà Nội cho biết: "Có lần nhân viên hỏi tôi nên lựa chọn dao mổ nha chu của Trung Quốc chỉ có 100 ngàn đồng/chiếc để mổ cho bệnh nhân, hay dùng bộ dao chuyên dụng của Đức 14 triệu đồng/bộ. Sự chênh lệch về giá sẽ dẫn đến chênh lệch chất lượng. Nếu còn làm ở bệnh viện công lập, chắc chắn tôi sẽ phải lựa chọn dao mổ rẻ theo quy định cũng như luật đấu thầu, nhưng nay tôi chuyển sang làm ở bệnh viện tư nhân thì tôi lựa chọn dao mổ chuyên dụng của Đức để phục vụ khách hàng tốt nhất".

sam-2.jpg
Bác sĩ Mai Văn Sâm chuyên về phẫu thuật cho biết dao mổ trong phẫu thuật tốt sẽ quyết định rất lớn tới sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Mai Văn Sâm chuyên về phẫu thuật tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội  khẳng định: "Hiện nay có rất nhiều loại dao khác nhau trong phẫu thuật. Các con dao phẫu thuật có lưỡi dao thép khác nhau, những dao mổ không đủ chất lượng một phần do giá rẻ hoặc dao mổ để lâu trong môi trường thì dễ bị oxy hóa, sẽ bị cùn. Công nghệ bảo quản không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dao. Hoặc có những con dao mổ đã lâu nhưng vẫn tận dụng để dùng thì dao sẽ không còn sắc nữa, rất khó để rạch vào da thịt. Nguồn gốc các loại dao thì tôi không rõ lắm nhưng tôi chỉ biết bệnh viện tôi hay dùng dao của Nhật Bản, ở các bệnh viện công lập thì khó khăn hơn nếu cần phải đổi loại vì phải theo gói thầu, có sao dùng vậy. Nếu không ưng dao mổ thì vẫn phải sử dụng vì muốn đề xuất gì cũng phải đủ 12 tháng sau khi vật tư đề xuất được nhập về. Còn ở bệnh viện tư nhân thì thay đổi dễ hơn, nếu mua dao mổ mà bác sĩ không dùng được thì sẽ có đề xuất thay ngay. Điều này rất có lợi cho người bệnh vì họ an tâm không chỉ với năng lực của bác sĩ mà còn với các trang thiết bị của bệnh viện".

Đưa ra dẫn chứng về một phần e ngại trong việc đấu thầu, PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: "Rất nhiều đơn vị bệnh viện sợ đấu thầu sẽ rơi vào bẫy pháp lý vì khi đưa ra giá đầu thầu, các đơn vị chức năng thẩm tra lại giá kê khai thiết bị y tế thời điểm công bố có chính xác không, cũng chưa có bên nào chịu trách nhiệm kiểm soát kê khai giá. Bộ Y tế chỉ hậu kiểm, tức là chủ sở hữu và nhà phân phối thiết bị y tế được toàn quyền kê khai giá. Lỗ hổng này rất dễ rơi vào bẫy pháp lý. Nếu mua thấp hơn giá được công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, sau đó cơ quan chức năng thẩm tra phát hiện giá này không chính xác, cao hơn so với giá cho phép, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Vật tư thiếu thì trách nhiệm thuộc về ai? Và khi đó, bệnh viện có thể bị phạt vì mua sắm sai giá, thậm chí còn liên quan đến hình sự" - ông Đào Xuân Cơ nói.

Để khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong vấn đề mua sắm thuốc cũng như vật tư y tế, theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời cần rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem có vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dao mổ kém chất lượng, vật tư thiếu: Trách nhiệm thuộc về ai?