Tại sao lại bảo vệ rừng bằng cách thay đổi cây thông núi Ngự, mà không bằng sự thay đổi khác? Nếu nguy cơ cháy rừng chính là do việc thắp hương, đốt vàng mã từ nghĩa địa dưới chân núi thì cũng nên nghĩ đến việc di dời nghĩa địa. Bởi vì, cây thông đã có mặt ở núi Ngự trước khi nghĩa địa này ra đời.

Đau xót lá gan cây đỉnh Ngự!

12/10/2016, 09:03

Tại sao lại bảo vệ rừng bằng cách thay đổi cây thông núi Ngự, mà không bằng sự thay đổi khác? Nếu nguy cơ cháy rừng chính là do việc thắp hương, đốt vàng mã từ nghĩa địa dưới chân núi thì cũng nên nghĩ đến việc di dời nghĩa địa. Bởi vì, cây thông đã có mặt ở núi Ngự trước khi nghĩa địa này ra đời.

Con đường từ nhà tôi đến công sở đi qua đàn Nam Giao và rừng thông núi Ngự luôn là khoảng xanh tươi an lành mở ra chào đón ngày mới. Mỗi buổi sáng đi làm, qua rừng thông đàn Nam Giao nhìn lên rừng thông núi Ngự, thấy như mình được nạp một nguồn năng lượng xanh tươi của trời đất. Vậy mà cả tháng nay không dám nhìn lên phía ngọn núi ấy nữa. Ở đó vừa xuất hiện một vạc rừng thông bị cháy vào buổi trưa 21.8 do một ai đó viếng mộ thắp hương và lửa bén vào lá khô cháy lan vào rừng.

Cả khu rừng thông cháy khô và chết đứng giữa trời nắng. Một tuần sau thì cái vạc cháy vàng úa ấy rõ dần và càng xót lòng hơn khi cạnh nó là mảng màu xanh mướt của những cây thông may mắn được cứu. Đứa con trai tôi ồ lên khi phát hiện rừng thông trở nên vàng một cách nhanh chóng và ngây ngô hỏi có phải rừng cây chuyển sang thu nên lá vàng vậy không. Tôi bật cười mà thấy lòng đau nhói như có những mũi kim đâm trong ruột gan.

Những ngọn lá thông núi Ngự đang đâm trong lòng tôi và bất giác câu thơ của người xưa vọng về:

Đau xót lá gan cây đỉnh Ngự

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

Câu thơ trong bài “Khuê phụ thán” diễn tả nỗi lòng của bà hoàng phi Nguyễn Thị Định - vợ vua Thành Thái và là mẹ của vua Duy Tân - khóc chồng con bị đày biệt xứ, mà sao nghe như đang khóc cho thông núi Ngự!

Tôi khóc mà anh bạn tôi lại cười: không đủ nước mắt mà khóc thông núi Ngự mô chàng ơi. Cứ vô Google mà “sợt” sẽ ra ngay, mới từ năm 2010 đến nay đã có năm vụ cháy rừng thông núi Ngự. Hầu như năm mô cũng cháy, cứ hễ mùa hè có người lên nghĩa địa dưới chân núi thắp hương là thế nào cũng xảy ra cháy rừng. Một chuyên gia trồng rừng cho rằng nếu núi Ngự vẫn còn trồng thông thì vẫn còn cháy, vì thảm lá thông rụng dưới mặt đất tiếp giáp với nghĩa địa, chỉ một tàn hương bay vào đó là bùng phát ngay đám cháy. Anh ấy cho rằng nên thay thông bằng một loại cây lá rộng thường xanh sẽ đẹp và hoành tráng hơn, khắc phục được tình trạng cháy rừng nham nhở. Có nên không, khi mà “thông núi Ngự” đã là “cây di sản”?

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “núi bằng phẳng vuông vức, đột ngột nổi lên như hình bức bình phong, làm lớp án thứ nhất chính giữa trước kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên là Ngự Bình. Đỉnh núi bằng phẳng, trồng toàn cây thông”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, từ thời Gia Long, quan lại triều đình không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người phải trồng ở Ngự Bình một cây thông. Vì vậy, qua các đời vua Nguyễn, núi Ngự Bình trở thành một rừng thông. Trang thông tin điện tử của thành phố Huế cũng ghi: “Ngày xưa cũng như bây giờ, núi Ngự Bình rợp bóng thông xanh, là nơi thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời”.

“Thông reo núi Ngự” đã là thành ngữ của Huế, nó đi vào và ở lại mãi mãi trong thi ca nhạc họa. “Huế ơi muôn đời vẫn Huế thôi/ Dòng sông Hương đó êm đềm trôi/ Cành thông núi Ngự reo trong gió/ Giọng Huế còn nghe ấm cuộc đời” (Rất Huế - thơ của Phong Sơn). Vậy nên, không phải người Huế bảo thủ khi cứ khăng khăng núi Ngự phải trồng thông, mà lịch sử đã ấn định rằng ngày nào “vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” thì ngày đó vẫn còn thông trên núi Ngự!

Vậy thì tại sao lại bảo vệ rừng bằng cách thay đổi cây thông núi Ngự, mà không bằng sự thay đổi khác? Nếu nguy cơ cháy rừng chính là do việc thắp hương, đốt vàng mã từ nghĩa địa dưới chân núi thì cũng nên nghĩ đến việc di dời nghĩa địa. Bởi vì, cây thông đã có mặt ở núi Ngự trước khi nghĩa địa này ra đời. Núi Ngự Bình đã là tiền án của kinh thành Huế từ thời chúa Nguyễn Phúc Thái (năm 1687), đến thời Gia Long sử cũng ghi lại rằng vua chọn ngọn Bằng Sơn (tên dân gian) này làm tiền án (bình phong) cho kinh thành. Thời vua chúa thì ai dám đem người chết đến chôn dưới chân tiền án. Mồ mã dưới chân núi chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau năm 1945, khi triều Nguyễn chấm dứt, kinh thành Huế trở thành di tích. Núi Ngự không còn được bảo vệ như là bức bình phong che chắn cho Huế và nói rộng ra là cho mệnh hệ nước nhà.

Trải qua hai cuộc chiến tranh cùng mấy mươi năm hòa bình, ngoảnh lại đã thấy mồ mả dày đặc dưới chân núi, đến nỗi không còn chỗ để chôn và người ta đã lén lút lấn chiếm từng mét đất dưới chân rừng thông để lập mồ mả. Ngọn núi của vua (cái gì của vua thì được gọi tên có chữ “ngự”) năm xưa giờ vẫn xanh rì rừng thông và đã được xếp loại là “rừng đặc dụng” với một quy chế nghiêm ngặt nhằm bảo vệ thắng cảnh. Khu rừng cảnh quan đặc dụng này có chủ nhân hẳn hoi, đó là Công ty lâm nghiệp Tiền Phong. Đơn vị này cũng là chủ nhân của các rừng thông Thiên An được mệnh danh là “Đà Lạt thu nhỏ”. Vậy thì sao rừng thông Thiên An chưa bao giờ bị cháy mà rừng thông núi Ngự thì năm nào cũng cháy, có năm cháy hai ba lần? Câu trả lời của một vị kiểm lâm và có lẽ ai cũng thấy như vậy: vì Thiên An không có nghĩa địa dưới rừng thông!

Hai mươi năm trước, núi Ngự vẫn còn nằm ở ngoại ô. Lúc đó, nhìn về núi Ngự là nghĩ về một vùng hoang vắng dành cho cõi vĩnh hằng. Con đường với cái tên rất đẹp Ngự Bình đã trở thành một nỗi sợ của nhiều người khi phải đi qua một bãi tha ma. Nhưng đến lúc này, đô thị Huế đã phát triển về đến tận Phú Bài và núi Ngự lẫn nghĩa địa ấy đã nằm lọt thỏm vào trong nội ô. Đứng trên tầng cao khách sạn Tân Hoàng Cung bên bờ sông Hương phóng tầm mắt về phía núi Ngự, không du khách nào mà không ngạc nhiên: sao mồ mã lại chôn trong thành phố?

Các nhà quy hoạch đô thị Huế và chính quyền địa phương hoàn toàn có thể trả lời câu hỏi đó!

“Khó lắm bạn ơi. Người Huế mình rất coi trọng mồ mả, thử hỏi ai dám đụng vô lăng mộ, lãnh đạo mô dám di dời cái nghĩa địa dưới chân núi Ngự Bình? Mà có muốn cũng không được, vì tiền mô ra để giải tỏa hàng vạn ngôi mộ?”. Người bạn kiểm lâm chia sẻ với tôi điều đó một cách rất khó nhọc. Tôi không tin rằng việc làm tốt đẹp ấy lại khó đến mức như vậy!

Vì còn một điều khó hơn cho Huế khi tiền án là một nghĩa địa, và một khu rừng năm nào cũng phát hỏa. Hãy hình dung, nếu nghĩa địa ấy được đưa về an nghỉ vĩnh hằng trong nghĩa trang phía nam đã được quy hoạch ở vùng đồi núi Dạ Lê - Hương Thủy, thì nơi mồ mả chen chúc dưới chân núi sẽ mọc lên một khu rừng thông xanh tươi từ chân núi lên đỉnh Ngự. Khu rừng tiền án này nằm cạnh ngọn núi Bân - nơi Nguyễn Huệ đăng quang hoàng đế - có quảng trường và tượng đài Quang Trung đã xây dựng hoành tráng, sẽ là một cảnh quan đặc sắc, một điểm đến không chỉ của du khách mà cả người dân Huế.

Người đã khuất chắc hẳn sẽ vui khi chỗ nằm của họ đã dành cho một khu rừng thông xanh mát mọc lên, làm đẹp cho Huế và làm vui cho bao người!

Tiết thu phân Bính Thân 2016

Minh Đăng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đau xót lá gan cây đỉnh Ngự!