Thực ra, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ một nền kinh tế phát triển bền vững và ngày càng tiến bộ. Chắc chắn rằng đầu tư công nghệ lạc hậu và không thân thiện với môi trường thì không thể nào đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Những hệ lụy của đầu tư công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường

05/10/2016, 17:17

Thực ra, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ một nền kinh tế phát triển bền vững và ngày càng tiến bộ. Chắc chắn rằng đầu tư công nghệ lạc hậu và không thân thiện với môi trường thì không thể nào đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Thực tế chứng minh công nghệ lạc hậu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh rất có hại với môi trường và nền kinh tế nước ta - Nguồn ảnh: Internet

Trong bài Không đánh đổi môi trường vì kinh tế: Một góc nhìn khác đăng trên Một Thế Giới ngày 30.9.2016, tác giả Nhàn Đàm cho rằng: “Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã thực sự đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây mà không hề hay biết”. Trong khi đồng ý với bài viết đó về những gì Việt Nam đã từng làm, tôi muốn viết tiếp theo rằng khi không chấp nhận các đầu tư đem tới Việt Nam công nghệ lạc hậu, gây hại tới môi trường thì đó không phải chỉ vì môi trường mà còn vì kinh tế nữa.

Tác hại rất lớn của đầu tư công nghệ lạc hậu lên sự phát triển kinh tế - xã hội

Trong thời đại công nghệ tiến mạnh và nhanh như hiện nay, công nghệ chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Lao động giá rẻ không còn là thế mạnh như xưa. Nhiều nước có công nghệ tiến bộ đã thậm chí dùng robot trong nhiều khâu sản xuất, và một nhà máy sản xuất lớn (mass production) có khi chỉ cần một số rất ít nhân viên có trình độ cao cấp điều khiển sản xuất. Do đó công nghệ cũ kỹ, không hiệu quả chỉ tiết kiệm đầu tư ban đầu nhưng sau khi bắt đầu sản xuất sẽ khiến phát sinh không biết bao nhiêu hệ lụy về phát triển và duy trì kinh doanh. Công nghệ cũ kỹ, không hiệu quả chỉ tạo ra sản phẩm có giá thành cao và không đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật mà khách hàng đòi hỏi. Những sản phẩm như thế làm sao cạnh tranh được bằng tiêu chuẩn chất lượng!

Một khi không thể cạnh tranh bằng tiêu chuẩn chất lượng thì sản phẩm chỉ có thể cạnh tranh bằng giá thấp. Giá thấp thì mức lời không đủ để trang trải các chi phí một cách đúng đắn. Và cách thông thường để tồn tại là gian dối đủ kiểu nhằm hạ giá thành. Đó chính là nguyên nhân của các hệ lụy tiếp theo nữa mà đất nước chúng ta đã chứng kiến khi trở thành nạn nhân của nhiều loại đầu tư như thế.

Hệ lụy thứ nhất là hàng kém chất lượng. Kê khai hay tuyên bố chất lượng một đằng, chất lượng thật một nẻo hoàn toàn khác, điều này ảnh hưởng rất xấu tới đạo đức kinh doanh của nước ta, làm rối loạn thị trường, thật giả xô bồ, vàng thau lẫn lộn, người ngay chết đứng, còn kẻ gian ung dung hưởng lợi!

Hệ lụy thứ hai là gian dối trong xử lý môi trường. Các hệ thống xử lý môi trường vẫn được xây dựng theo yêu cầu, nhưng chỉ xây dựng cho lấy có, và không vận hành. Hệ thống này chỉ được vận hành khi có kiểm tra. Công nghệ thấp đã gây tác hại tới môi trường, nhưng sự quản lý gian dối nhằm giảm chi phí bảo vệ môi trường để chạy theo cạnh tranh giá cả càng tàn phá môi trường hơn nữa.

Hệ lụy thứ ba là cạnh tranh gian dối, bóp chết các nhà đầu tư chân chính, các nhà đầu tư công nghệ cao. Do chí phí đầu tư thấp, các nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, dù bán với mức giá thấp hơn so với giá bán của các nhà đầu tư công nghệ cao, nhưng vẫn thu lời hơn rất nhiều. Họ sẵn sàng bán giá thấp để giết chết đối thủ công nghệ cao, tôn trọng đạo đức. Ngoài ra cũng không loại trừ nguy cơ đa kim ngân phá luật lệ mà một nước với trình độ tổ chức và quản lý xã hội như Việt Nam chưa có cách kiểm soát hiệu quả!

Qua ba, và không chỉ có ba, hệ lụy nói trên, chúng ta thấy các đầu tư với công nghệ lạc hậu gây tai hại lớn như thế nào tới đất nước chúng ta. Việt Nam thành bãi rác công nghệ thế giới. Môi trường bị tàn phá. Các nhà đầu tư đứng đắn, công nghệ cao bị gạt bỏ, bị giết chết bởi cạnh tranh không lành mạnh. Môi trường đạo đức sống và đạo đức kinh doanh của Việt Nam bị ô nhiễm nặng nề bởi lối kinh doanh gian dối, chụp giật, thiếu lương thiện…

Môi trường ô nhiễm xua đuổi nhà đầu tư chân chính, công nghệ cao

Thân thiện với môi trường và bảo vệ môi trường là một trong những đạo đức sống và đạo đức kinh doanh rất quan trọng của xã hội văn minh hiện nay. Ý nghĩa thực tiễn của đạo đức này rất rõ ràng: con người không thể sống mạnh khỏe, thoải mái trong một môi trường bị ô nhiễm, do đó không thể hoạt động sản xuất kinh doanh được.

Một nhà đầu tư nghiêm túc, tuân thủ các giá trị đạo đức kinh doanh luôn xem môi trường sạch, lành mạnh, không ô nhiễm là tiêu chí đầu tiên để đầu tư kinh doanh vào một nơi nào đó. Lý do rất rõ ràng: về đạo đức kinh doanh, họ không thể để nhân viên sống và/hay làm việc tại nơi không tốt cho sức khỏe; về kinh doanh: môi trường ô nhiễm không là nơi thuận lợi để phát triển sản xuất hay kinh doanh. Chi phí sống và hoạt động an toàn trong môi trường ô nhiễm thì cao. Hàng hóa sản xuất từ nơi có môi trường ô nhiễm rất khó bán, nhất là hàng hóa liên quan tới sức khỏe.

Vậy cho nên nơi nào các nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, phá hoại môi trường tới đặt cơ sở kinh doanh thì các nhà đầu tư nghiêm túc, có đạo đức kinh doanh, có công nghệ thân thiện với môi trường lánh xa. Nhiều công ty đa quốc gia nổi tiếng còn không muốn quan hệ kinh doanh với các công ty bị nhiều tai tiếng tàn phá môi trường. Họ cắt quan hệ đối tác với những công ty như thế để thanh danh không bị ô nhiễm theo. Chắc rằng qua kinh nghiệm đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại chính quốc, Formosa không lạ gì với quan điểm này.

Khi thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa Hà Tĩnh bùng phát tại biển 4 tỉnh miền Trung, có quan niệm e ngại rằng nếu người dân, hội nghề nghiệp hay chính quyền kiện Formosa ra tòa và Formosa phải chấm dứt đầu tư tại Việt Nam thì sẽ có ảnh hưởng không tốt trên môi trường đầu tư của nước ta. Người viết bài này có quan điểm hoàn toàn khác: chính vì chấp nhận và dung dưỡng các dự án gây ô nhiễm mà các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới, tôn trọng đạo đức kinh doanh, có kinh nghiệm quản lý kinh doanh, có công nghệ cao và thân thiện với môi trường sẽ không đến nơi này. Và lúc ấy, Việt Nam sẽ bị bỏ mặc cho các nhà đầu tư tham lam, chất lượng thấp tới để vơ vét tài nguyên, tàn hại môi trường, bóc lột dân chúng… đồng thời đẩy lùi tiến độ canh tân và kỹ nghệ hóa đất nước khiến Việt Nam chậm tiến kéo dài.

Bài viết này xin được kết lại rằng: Bảo vệ môi trường, không cho phép các đầu tư gây ô nhiễm, tàn phá môi trường chính là bảo vệ nền kinh tế Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững lâu dài cho tương lai con cháu chúng ta.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản
8 giờ trước Sự kiện
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những hệ lụy của đầu tư công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường