Quê tôi ở thị xã An Nhơn nơi từng là kinh đô Đồ Bàn của đất Chăm xưa, nơi Nguyễn Nhạc dựng thành Hoàng Đế. Tiếng nhạc ngựa đất kinh thành đã rung suốt tuổi thơ tôi. Và niềm cảm khoái bất tận của tuổi nhỏ là được cầm trên tay chiếc bóng bay lắc lư trên xe ngựa cùng với tiếng lục lạc, tiếng móng gõ lóc cóc trên đường để hồn bồng bềnh qua những cánh đồng mịt mù tháp cổ...
Tôi tìm về chợ Cây Bông xã Nhơn Khánh để gặp lại người chơi ngựa nổi tiếng một thời – chú Ba Cảnh. Chú Ba họ Nguyễn nhưng dường như cả làng ai cũng gọi là Ba-cảnh-xe-ngựa.
Tôi có một kỷ niệm khó quên với chú Ba. Chuyện đã ba mươi năm trước. Số là hồi ấy vì khoái nghe chuyện ngựa, tôi đã thức gần suốt đêm bên cái bình củ tỏi hầu rượu với chú Ba. Vì tửu lượng xoàng xĩnh nên khi chuyện ngựa còn đang hồi ngon trớn, tôi đã lần sần quờ tay làm rơi vỡ cái nắp bình củ tỏi bịt bạc của chú. Chao ôi cái bình xưa, vật gia bảo của nhà chú bị tôi làm vỡ nắp! Tôi hoảng hồn, còn chú Ba Cảnh thì tiếc đứt ruột vậy mà chẳng có lấy một lời phàn nàn.
Gặp lại chú, tôi chỉ nhắc: “Cháu là Khanh đây, Khanh làm vỡ cái nắp bình củ tỏi của chú đây!”, chú Ba đã nhận ra ngay và cười xòa: “Nhớ rồi, nhớ rồi…”
Chú Ba Cảnh là người khí khái, từng được cả làng Nhơn Khánh gọi là tráng sĩ. Năm lên mười, Ba Cảnh đã được cha truyền cho nghề nài ngựa. Thấp bé nhẹ cân nhưng gan lì quả cảm; dù mỗi lần lên ngựa còn nhờ người ẵm nhưng khi đã ngồi trên lưng ngựa rồi là Ba cảnh lại vụt lại phi khó ai bì kịp. Ba cảnh mê ngựa, yêu ngựa nên nói ngựa biết nghe. Năm 1940, dẫu mới có 13 tuổi, Ba Cảnh đã vượt qua những tay đua trứ danh như Năm Anh, Nghè Đắc… đoạt được cúp da trong cuộc đua hàng tỉnh.
Di tích một đoạn tường thành cũ Tử Cấm Thành từ thời Tây Sơn còn lại
Ở vùng bắc, vùng đông An Nhơn cũng có nhiều danh nài lừng lẫy một thời. Nhiều người ở phường Đập Đá còn biết tiếng chơi ngựa của Phạm Xít, Phạm Đây, Tám Chức… Phạm Xít mê ngựa đến mức trước khi nhắm mắt để lại di chúc yêu cầu gia đình lấy tấm ảnh chụp ông ngồi trên lưng ngựa đem khắc trên bia đá. Còn ở vùng đông, người ta lại nhớ nhiều đến anh em Nguyễn Ngữ, Nguyễn Mươi ở Trung Lý xã Nhơn Phong. Nguyễn Mươi từng cầm đầu đoàn quân ngựa Bình Định đi đua khắp trong nam ngoài bắc và thường ẵm trọn huy chương cao nhất.
Chú Mươi từng kể về những chuyến cầm đầu đoàn đua ngựa Bình Định đi đua ở Đắc Lắc, ở Vinh… vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước: “Thành tích của mỗi cuộc đua nhờ vào ngựa hay là một lẽ song điều quan trọng hơn là nài ngựa phải dũng cảm và quyết đấu quyết thắng. Một lần thi đấu ở Đắc Lắc, nài ngựa Nguyễn Thành Hưng là cháu tôi, ôm con Nhất Đạm Lang phi đến vòng thứ 4, còn một vòng cuối nữa thì Hưng ngã ngựa gãy xương bả vai. Nhưng chỉ trong tích tắc nhìn thấy cái phẩy tay quyết đoán của tôi, Hưng lại phóng lên mình ngựa, giật cương, con Đạm Lang phi như điên cuồng… Và trong cuộc đua đó Đạm Lang đã giật ngôi vô địch dẫu ngay sau đó nài Hưng phải vào viện cấp cứu vết chấn thương”.
Hồ Bán nguyệt trong Thành Hoàng Đế còn nguyên vẹn qua thời gian...
Chơi ngựa vào những năm trước cách mạng là một thú vui cao sang thường chỉ dành cho người giàu có bởi mỗi con ngựa thời ấy giá trị bằng cả bầy bò. Nhưng với gia đình chú Ba Cảnh, con ngựa còn là kế sinh nhai. Ngoài những lúc vui thú trên lưng ngựa, chú Ba còn phải ngồi trên càng xe bánh gỗ. Cả ông Ngữ, ông Mươi đều thế.
Ngày ấy không có ô tô, xe máy, phương tiện giao thông chính vẫn là ngựa. Ngựa chở người, chở hàng hóa. Với chiếc đèn dầu 4 kính, xe ngựa có thể chạy thâu đêm, chạy cả đoạn đường dài từ đất kinh thành An Nhơn về phố thị Quy Nhơn và đi khắp nơi…
Xe chở khách thì từ 8 đến 10 người còn xe chở hàng thì chạy tùy sức ngựa! Trên đường chỉ có ngựa thì tai nạn giao thông là rất ít.
Xe ngựa thịnh hành kéo theo nghề buôn bán ngựa. Những người quen chạy xe ngựa có chữ nghĩa nghiên cứu Mã kinh phối hợp với kinh nghiệm làm nghề buôn ngựa phất lên rất nhanh. Chú Ba Cảnh, chú Nguyễn Mươi về sau đều trở thành những tay buôn ngựa cự phách. Chú Nguyễn Mươi kể chuyện mua con ngựa tía yêu quý của mình thế này: nhà chú ở gần đường, đêm ngủ chợt nghe có tiếng móng ngựa gõ lóc cóc lóc cóc… rất đều trên đường. Nghe tiếng móng gõ mà thèm con ngựa. Chú Mươi chạy ra đường thì con ngựa đã đi xa. Đêm hôm sau chú Mươi lại nghe tiếng gõ móng ấy. Đến đêm thứ ba thì chú quyết định ra ngủ hẳn ngoài đường để đón ngựa. Và chú đã quyết định mua con ngựa ấy với giá bằng ngôi nhà của chú. Theo chú Mươi, con ngựa hay tiếng gõ móng phải thật đều. Còn theo chú Ba Cảnh ngựa hay thì mắt lồi, lông mịn, mặt bằng, trán thẳng, mũi nhỏ, tai nhỏ, gối tròn, tự nhặt… Ngựa hạ nhãn thiếu nhục là ngựa trở chứng; ngựa có xoáy chữ o, đường xà, sẽ mang đến cho gia chủ sự xui xẻo…
Dấu xưa xe ngựa
Ngựa thường được mua trên vùng núi cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn ngựa ngậm được càng xe phải trải qua giai đoạn tập luyện thuần dưỡng. Ban đầu tập ngựa dưới nước rồi đưa lên bãi cát và cuối cùng là lên trên đường. Nhiều con ngựa chứng phải cho vào cái chuồng hẹp ép tập cho khôn dần.
Xã hội ngày càng phát triển, ô tô xuất xưởng ngày càng nhiều, đẩy xe ngựa xuống các đường ngang. Các bến xe ngựa thưa dần khách. Rồi khách cũng không còn quen đi xe ngựa. Xe ngựa thành xe thồ hàng. Nhưng cả đường ngang rồi cũng dần được bê tông hóa, xe máy, xe tải nườm nượp tranh hàng với xe ngựa bằng giá rẻ như bèo. Các chú ngựa chỉ còn ở lại với những nhà thực bụng yêu quí ngựa.
Xe ngựa trên đường cũng vì thế mà thưa dần. Cả vùng đất An Nhơn - thành kinh xưa từng có hàng nghìn xe ngựa giờ chỉ còn mươi chiếc. Nghề xe ngựa đang khấp khểnh, phong trào ngựa đua cũng không còn.
Và cái thành tích ngựa An Nhơn lẫy lừng cũng không mấy ai còn nhớ...
Quy Nhơn, 24.5.2017
Trần Quang Khanh
(TBT tạp chí Văn nghệ Bình Định)