Chiều muộn Yên Tử mờ sương, bảng lảng nhạt nhòa, mấy bố con, anh em bịn rịn không nỡ rời, trào nước mắt, rồi cả bọn lủi thủi ra về, quay lại thấy anh tôi như bức tượng đá cứ đứng nhìn theo mãi.
Hồi những năm 60-70, làng Trà Phương (xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi dân cư còn thưa thớt lắm. Ngoài xóm Trong và xóm Ngoài quần tụ hầu hết các hộ thì lẻ tẻ vài chục gia đình tách hẳn ra như xóm Núi dưới chân núi Chè, xóm Trợ ở khu thành phủ cũ. Cũng có đôi ba nhà nằm lọt thỏm ngoài cánh đồng như nhà ông Thướng, ông Số, ông Đúng, nơi mỗi lần đi làm đồng tôi hay ghé vào xin nước uống hoặc nghỉ tạm đỡ mỏi vai gánh lúa.
Hầu hết là nhà tường đất mái rạ nên thấp lè tè, cao nhất chỉ là đám tre pheo, bạch đàn, vì vậy không gian thật thoáng đãng. Những hôm trời quang, bầu trời trong xanh, từ gốc nhãn đình làng Trà Phương nhìn về phía bắc thấy rõ mồn một dãy núi Yên Tử xa xa xanh sẫm cao vút trập trùng. Yên Tử mãi tận Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nhưng theo đường chim bay có cảm giác thật gần, có lẽ một phần do Yên Tử hùng vĩ quá. Cao nhất trên dãy hoành sơn đồ sộ ấy là hai mỏm núi liền kề trông như cái yên ngựa. Thày (bố) tôi bảo núi đó thiêng lắm, không như núi Chè, núi Đối bé tí quê mình đâu, ở đó ngày xưa đức vua Trần, ngài thượng hoàng Trần Nhân Tông tu tập tạo nên thiền phái Trúc Lâm trong đạo Phật nước mình. Chả bao giờ tôi, và cả thày tôi nữa, nghĩ rằng có ngày nào đó được đến thăm Yên Tử, viếng chùa mà nhà vua nổi tiếng đã xây dựng và tu hành. Nông dân bám mặt vào việc đồng áng quanh năm, thậm chí ngày tết vẫn phải tranh thủ dỡ khoai tây, tát nước lúa, đâu dám ước ao đi thăm thú, du lịch nơi này nơi nọ.
Năm 1969, máy bay Mỹ tạm ngưng ném bom miền Bắc nhưng chiến tranh ở miền Nam ngày càng ác liệt. Cứ vài ba tuần làng tôi lại nhận tin người này người nọ hy sinh. Mỗi lần có giấy báo tử từ huyện đội chỗ ông Hâm người làng làm ở đó đưa về, cả làng lại càng buồn thảm. Đám thanh niên nhớn không kịp, vừa đủ tuổi là đi, làng hầu như chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ con. Anh Uy tôi năm ấy học lớp 10, học giỏi nổi tiếng Trường cấp 3 Kiến Thụy. Vừa tốt nghiệp, anh tôi thi đại học, có giấy báo trúng tuyển vào Trường Tuyên giáo trung ương trên Hà Nội, chưa kịp nhập học thì đúng đợt tuyển quân. Nhà hai con trai chưa ai vào lính thì đứa nhớn phải đi thôi, không "oong đơ" gì cả. Cùng đi với anh tôi lần ấy là anh Trí, anh họ tôi, con bác Đắc; anh Kiên con bà Khểnh trong làng, học cùng cấp 2 với tôi; anh Nam bên làng Phương Đôi, anh của Nguyễn Văn Lư bạn cùng lớp tôi… Cả đám tân binh kéo nhau sang xã Thạch Lựu bên huyện An Lão cũ tập trung, được khoảng gần một tháng thì hành quân lên Yên Tử.
Được 3 tháng, anh Uy gửi thư về, báo tin sắp lên đường vào Nam chiến đấu, lệnh đi gấp nên không thể về nhà. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (xưa nay chinh chiến mấy ai về), vậy là cả nhà nháo nhào, thu xếp kéo nhau lên Yên Tử chia tay người sắp vào chiến trường. Đoàn hậu phương tiễn người ra trận gồm thày tôi, anh Trác, anh Huy, anh Tế, anh Thắng (đều là các anh họ, con các bác) và tôi. Bên nhà anh Trí có bác Đắc, anh Thức (sau này đổi tên là Hồng), nhà anh Kiên có mẹ con bà Khểnh, nhà anh Nam có bố con bạn Lư. Tất cả “hành quân” lên Yên Tử bằng xe đạp bởi khi ấy chỉ có ô tô khách từ huyện lỵ Kiến Thụy ra nội thành Hải Phòng mỗi ngày 2 chuyến, tuy đường dài có 20 cây số nhưng nhiều khi phải chầu chực mất một ngày mới tới nơi.
Buổi chiều, tôi chạy ù ra gốc nhãn đình nhìn về dãy Yên Tử xa xanh trập trùng. Cái mỏm yên ngựa rõ mồn một. Mọi lần thấy gần nhưng sao lần này xa thế. Hồi nãy nghe thày tôi nói với anh Huy đường phải hơn năm chục cây số, qua những Thủy Nguyên, Đá Bạch, Tràng Kênh mới tới Đông Triều, thày nhắc các anh đi thật sớm từ 3 giờ sáng, vừa cho mát, vừa để chiều còn kịp về.
Tôi khi ấy mới 14 tuổi nên được tiêu chuẩn ngồi "poóc ba ga", do anh Huy lai (đèo). Anh Trác đèo thày tôi, còn anh Tế anh Thắng chung một xe, ai mỏi thì thay phiên nhau cầm lái. Chuyến đi thật vất vả, giờ nghĩ lại thương thày tôi vô cùng. Chỉ gặp động viên con được nửa tiếng đồng hồ rồi phải vội về, vả lại chỉ huy bộ đội cũng không cho trò chuyện lâu bởi còn tất bật chuẩn bị cho ngày mai hành quân vào Nam. Chiều muộn Yên Tử mờ sương, bảng lảng nhạt nhòa, mấy bố con, anh em bịn rịn không nỡ rời, trào nước mắt, rồi cả bọn lủi thủi ra về, quay lại thấy anh tôi như bức tượng đá cứ đứng nhìn theo mãi. Đường về sao mà xa tít tắp, mệt mỏi, buồn bã. Gần 11 giờ đêm mới đến nhà, thân thể và tinh thần rã rời. Gió rét căm căm. Tôi ngồi sau xe đạp, mấy lần ngủ gật suýt nhào xuống đường, anh Huy bảo nhổ tí nước bọt bôi lên mắt cho tỉnh ngủ. Những buổi chiều sau, lại ra gốc nhãn đình trông về Yên Tử dù biết anh mình không còn ở đó. Mắt cứ nhòe dại đi.
Năm 1975, anh tôi về trại thương binh Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với mấy vết thương, lúc thì bị ở Hạ Lào, khi thì Trung Trung Bộ. Còn hẳn một viên bi (bom) chỗ xương cổ tay, chả biết vì sao chưa mổ lấy ra. Nhận sổ thương binh 2/8, tôi còn nhớ do trung tá Lương Tuấn Khang ký, rồi đi học lại. Cũng may mắn chán, chứ anh Kiên bạn tôi và anh Nam anh của bạn Lư đã hy sinh “ở mặt trận phía nam”, chả biết sau này có tìm được hài cốt không. Nghĩa trang liệt sĩ cứ đầy thêm. Làng tôi đã buồn lại càng buồn, suốt bao năm không nguôi quên được những mất mát bởi chiến tranh.
Nguyễn Thông