“Có luật từ chức để mọi người thực thi theo luật và rồi dần dần mới có “văn hóa từ chức” trong xã hội ta”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Rất cần có Luật Từ chức

Trí Lâm | 28/10/2018, 06:27

“Có luật từ chức để mọi người thực thi theo luật và rồi dần dần mới có “văn hóa từ chức” trong xã hội ta”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.

Trong số các nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đáng chú ý là việc các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Trong số các nội dung phải nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết chống, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải chống việc chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nếu làmđược điều như quy định trên thì rất hay, rất tiến bộ. Đó là một sự thể hiện xứng đáng, cần làm của lòng tự trọng cá nhân cán bộ trong một xã hội văn minh.

Ông Trí nêu quan điểm, ở Việt Nam, việc từ chức cũng đã được nói nhiều, và mọi người hay đề cập đến “văn hóa từ chức”.

“Tôi nghĩ, trong một xã hội đang duy tình hơn duy lý, thường hay coi "từ chức" như là "bị cách chức"; và quyền lực khi bị tha hóa sẽ đưa lại rất nhiều quyền lợi như thế này...thì khó có thể có “văn hóa từ chức” lắm”, ông Trí nói.

Do đó, đại biểu này cho rằng, từ chức có thể khi mắc lỗi, làm sai, hoặc liên đới với những việc làm sai; hoặc từ chức khi đau ốm, sức khỏe không đảm bảo, khi công việc không phù hợp, khi không đủ điều kiện đảm đương nhiệm vụ; từ chức khi không thuận, không hợp với thủ trưởng cấp trên; hoặc từ chức khi muốn chờ một cơ hội khác…Từ chức không phải là đặt dấu chấm hết của một sự nghiệp.

Bởi vậy, ông Trí cho rằng, người từ chức sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, dù đó là việc nên làm, cần làm, thậm chí là buộc phải làm. Còn xã hội thì xem việc từ chức là bình thường. Hơn thế nữa là thấy đó là cơ hội tốt để người từ chức chuộc lỗi, thậm chí là ngóng chờ những thành công mới trong sự nghiệp của người đã từ chức.

“Rất cần thiết phải có luật từ chức, để việc từ chức được nhẹ nhàng. Có luật từ chức để mọi người thực thi theo luật và rồi dần dần mới có “văn hóa từ chức” trong xã hội ta”, ông Trí nêu.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, người từ chức ở Việt Nam thực sự không nhiều, rất hiếm hoi. Trong khi nhiều trường hợp đáng từ chức thì họ không từ chức.

Lý giải việc Việt Nam cán bộ từ chức ít ỏi trong khi ở nhiều nước trên thế giới, việc từ chức khá phổ biến và cũng rất nhẹ nhàng, ông Vũ Mão cho rằng do Việt Nam cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này, quy định rõ từ chức trong trường hợp nào, đối tượng từ chức là ai…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có được văn hóa từ chức, chưa xem việc từ chức như một nếp sống mang tính phổ biến, bình thường.

“Ở ta, dù bây giờ đã đỡ hơn nhưng vẫn còn nặng nề việc phải vào biên chế nhà nước để cuộc sống được ổn định, đảm bảo. Lương là một chuyện, lại còn bổng lộc nữa”, ông Vũ Mão nói.

Vẫn theo ông, ở nước ta hiện nay, do bản thân đương sự thiếu rèn luyện và công tác quản lý chưa tốt nên không ít người có chức quyền dính vào tham nhũng. Tham nhũng lớn cũng có mà tham nhũng vặt cũng nhiều. Công tác kiểm soát quyền lực không tốt, xử lý tham nhũng không hiệu quả, cho nên có chức quyền, có địa vị công tác thì có nhiều lợi ích vật chất. Khi đã có địa vị rồi người ta rất khó có thể dứt ra được cái ghế, bởi nó gắn với lợi ích kinh tế.

Trong khi ở nước ngoài, một quan chức nào đó nếu từ chức hoặc không làm trong bộ máy nhà nước, họ ra ngoài làm vẫn tìm được công việc thích hợp như kinh doanh, làm tư vấn… và có thu nhập cao.

Bình luận về đề xuất cần có luật từ chức, ông Vũ Mão đồng tình với việc này. Theo ông, có 3 phương án xây dựng.

Phương án thứ nhất: Nếu xây dựng một văn bản riêng về từ chức thì trước hết không nên gọi là nghị định về văn hóa từ chức mà nên gọi là nghị định về từ chức thì hợp lý hơn.

Phương án thứ hai: Nên xây dựng luật về từ chức vì đối tượng từ chức còn có cả những vị do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... Nếu là luật thì bao quát hơn và tính pháp lý cũng cao hơn.

Phương án ba: Từ chức là một nội dung nằm trong tổng thể của vấn đề nhân sự. Trong công tác nhân sự thì có vấn đề bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt, cũng có vấn đề từ chức và cách chức.

“Chúng ta nên chọn phương án ba để xây dựng một văn bản pháp luật hoàn chỉnh về vấn đề nhân sự. Khi xây dựng văn bản pháp luật về từ chức cần phải tính đến việc đảm bảo uy tín, tâm lý cho người từ chức bởi vì không phải ai cũng hiểu đầy đủ việc từ chức. Có nhiều người cho rằng từ chức là do phạm lỗi nào đó... Do đó không nên đánh đồng và truyền thông cũng nên thông tin cụ thể để dư luận không hiểu nhầm”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Rất cần có Luật Từ chức