ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng không thể coi người sử dụng ma túy là tội phạm, mà phải coi hộ là “bệnh nhân đặc biệt” với các phương pháp điều trị đặc biệt, phân mức độ “nhiễm” bệnh để xử lý.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể coi người sử dụng ma túy là tội phạm

Lam Thanh | 26/03/2021, 13:16

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng không thể coi người sử dụng ma túy là tội phạm, mà phải coi hộ là “bệnh nhân đặc biệt” với các phương pháp điều trị đặc biệt, phân mức độ “nhiễm” bệnh để xử lý.

Dự luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có vấn đề nhìn nhận người sử dụng ma túy là tội phạm hay người bệnh.

nguyen-lan-hieu-2.jpg
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Ảnh: VPQH

Thông tin với Một Thế Giới, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng không thể coi người sử dụng ma tuý là tội phạm.

“Nếu là người phạm tội phải có chế tài và xét xử. Liệu chúng ta có đủ nguồn lực để “giam giữ” số lượng khổng lồ những người hút cần sa, dùng thuốc lắc ... hay không?”, ông Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, những người nghiện ma túy là bệnh nhân nhưng phải coi là “bệnh nhân đặc biệt” với các phương pháp điều trị đặc biệt. Cần phân mức độ “nhiễm” bệnh để xử lý.

Theo đó, nếu bệnh nặng, tái phát cần dùng liệu pháp mạnh như cách ly tuyệt đối, dùng thuốc cai nghiện bắt buộc, theo dõi giám sát chặt chẽ sau đó. Bệnh nhẹ cần phối hợp nhiều phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc như giáo dục, tổ chức hoà nhập cộng đồng… và rất cần cách ly với các ca bệnh nặng.

Ông Hiếu cho rằng các nhà khoa học phải có vai trò chính trong việc xây dựng phác đồ điều trị cai nghiện với các mức độ mắc bệnh khác nhau và công khai như một Guideline quốc gia đề được áp dụng rộng rãi, tránh tình trạng mỗi địa phương mỗi cơ sở lại có phương pháp riêng khiến tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Điều này mang tính nhân văn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng theo ông Hiếu, ngoài ra mấu chốt vẫn là xử lý nguồn cung. Những vụ buôn lậu ma tuý lớn phát hiện ngày càng nhiều, các loại hình ma tuý ngày càng đa dạng, vì vậy nhiệm vụ của ngành công an và các lực lượng chức năng hết sức nặng nề.

“Dịch COVID giúp việc đi lại qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ. Đây là cơ hội lớn để chúng ta “đóng biên” với các sản phẩm độc hại. Nếu các nhà chức trách nhiệt tâm với nhiệm vụ quan trọng này và đặc biệt không tiếp tay đồng loã với các sản phẩm làm băng hoại xã hội, tôi tin chắc tỷ lệ sử dụng ma tuý sẽ giảm tại Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nhấn mạnh những vụ án mà có các thành viên chống ma tuý bị truy tố vẫn còn và giá ma tuý trên thị trường vẫn không tăng là những minh chứng cho việc buôn lậu vẫn đang tiếp diễn. Nhìn vào sự thật, tìm ra nguyên nhân mới đề ra được phương pháp điều trị đúng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (nguyên Giám đốc Công an Nghệ An) cho biết trong dự thảo luật không thể hiện rõ nhưng các báo cáo thẩm định của các Ủy ban tại kỳ họp thứ 10 và nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng nên coi người nghiện ma túy là người bệnh để chữa trị cho họ.

"Quan điểm này là không đúng", ông Cầu nói.

Theo ông Cầu, hiện một số người nghiện đòi hỏi được hưởng các quyền và nghĩa vụ của người bệnh quy định tại Chương 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2011. Họ cho rằng trung tâm cai nghiện ma túy không phải là hình thức tổ chức và cơ sở khám, chữa bệnh theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành.

Trong khi đó khảo sát thực tiễn gần 8.900 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát tại Nghệ An, ông thấy 100% sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến nghiện.

"Vì vậy, người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật", ông Cầu nói.

Ông Cầu đề nghị Quốc hội khẳng định rõ quan điểm này trong luật để thống nhất thực hiện. Khoản 5 điều 3 quy định về chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy cần được bổ sung nội dung "người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật cần phải được quản lý chặt chẽ và tổ chức cai nghiện cho họ, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện và quản lý người nghiện".

Đại biểu Phan Thái Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam) cũng cho rằng, từ khi bỏ điều 199 về tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra nhiều, số người nghiện tăng lên.
"Người sử dụng trái phép chất ma túy thì không thể xem như là người bệnh được. Điều đó rất nguy hại", ông Bình nói và đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung trở lại các tội danh với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Ví dụ, ai đã bị xử lý hành chính mà còn tiếp tục sử dụng trái phép thì xử lý hình sự hoặc đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tái phạm thì xử lý hình sự.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả các ý kiến của đại biểu quốc hội đã được tiếp thu nghiêm túc, tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự án Luật, đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng chống ma túy trong những năm qua; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể coi người sử dụng ma túy là tội phạm