Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Chung tay ứng phó hạn mặn
Tại tỉnh Tiền Giang, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công. Chính quyền địa phương đang rất nỗ lực để đưa nước sạch đến với người dân nơi đây.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Tiền Giang đã mở hơn 110 vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt để phục vụ cho người dân, tổng lượng đã cấp gần 10.000m3. Sắp tới, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng các vòi nước công cộng để người dân vùng sâu vùng xa, khu vực phân tán được tiếp cận với nguồn nước miễn phí.
Bên cạnh đó, những ngày qua, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã nỗ lực vận chuyển nước sạch tới những khu vực cù lao, ven biển tỉnh Tiền Giang để giải cơn “khát” nước cho người dân khu vực thiếu nước trầm trọng.
Ngày 15.4, ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo); kiểm tra tình hình cung cấp nước sinh hoạt tại Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm và Công ty TNHH một thqành viên Cấp nước Tiền Giang. Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua tỉnh đã chủ động trong công tác ứng phó với hạn mặn, bằng các giải pháp cụ thể, như xây dựng cống ngăn mặn giữ ngọt dọc sông Tiền.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lưu ý các đơn vị cấp nước cần tiếp tục duy trì khai thác và cấp nước sạch đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước để kịp thời cấp nước khi điều kiện cho phép. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kêu gọi người dân cần chủ động ứng phó với hạn mặn, có phương án trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt.
Tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 165 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Châu Thành… Riêng huyện Mỏ Cày Bắc có 3 phương tiện chở nước lưu động, kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương khi cần.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 2.600 hộ gia đình bị thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Tỉnh đã xuất ngân sách 10 tỉ đồng hỗ trợ một số địa phương trên địa bàn mua dụng cụ trữ nước, mở rộng đường ống dẫn nước để ứng phó với hạn mặn.
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) tỉnh Cà Mau đang tập trung nguồn lực như vận động nhà tài trợ hỗ trợ đường ống để dẫn nước về những khu vực thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho người dân.
Ông Trần Anh Phương, Phó trưởng phòng Cấp nước và kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm NSVSMTNT tỉnh Cà Mau cho biết, trước nhu cầu bức xúc của người dân về nước sinh hoạt, thông qua nhà tài trợ, trung tâm đã tiếp nhận 1.500m ống và tiến hành huy động nhân lực tiến hành lắp đặt mở rộng đường ống dẫn nước từ Trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ về ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 2km (trung tâm xuất kho thêm 500m ống - PV) để phục vụ cho 59 hộ dân trên tuyến.
“Mặc dù Trạm cấp nước Vườn quốc gia hiện đã quá tải, nhưng đơn vị cố gắng tăng công suất vận hành, phân bố thời gian cấp nước thích hợp để tất cả bà con trên tuyến đều có nước sử dụng, giải quyết nhu cầu trước mắt. Chúng tôi vận động bà con trữ nước và tiết kiệm nước, tránh lãng phí. Về lâu dài, khi trạm cấp nước xã Khánh Bình Đông hoàn thành, đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ dẫn nước về đây cho bà con sử dụng”, ông Phương nói.
Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa
Hay tin Trung tâm NSVSMTNT tỉnh Cà Mau lắp đặt đường ống cấp nước sạch trước nhà mình, hàng chục hộ dân ở ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông không giấu được niềm vui, có người thốt lên “kể từ hôm nay, thoát cảnh tắm giặt bằng nước mặn rồi!”. Theo chính quyền địa phương, khu vực này người dân khoan giếng không có nước ngọt, để có nước sử dụng, bà con thường xây bồn trữ nước mưa sử dụng khi mùa khô, hoặc phải mua nước từ nơi khác về với giá cao.
Hàng chục năm nay, gia đình bà Huỳnh Thị Ớ (61 tuổi, ngụ ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông) thường xuyên tắm giặt bằng nước phèn mặn. “Năm nay cả xóm vui mừng khi có nước sạch kéo ngang nhà, giờ đi đâu ai cũng kể chuyện nước sạch. Tụi nhỏ ở nhà cũng có nước ngọt để tắm thoải mái hơn rồi. Chứ từ xưa tới giờ, ở đây khoan giếng đâu có được, hộ nào may mắn thì khoan được giếng nước lợ, sử dụng một thời gian cũng trở nên mặn chát”, bà Ớ cho biết.
Tương tự, gia đình ông Tô Văn Chiến (54 tuổi, ngụ cùng địa phương) cũng rất vui mừng khi nhà nước dẫn nước sạch về cấp cho dân. “Chờ đợi lâu lắm rồi, nay người dân xóm này cũng thỏa lòng ước mong. Trước đây vất vả lắm, khoan giếng, nước mặn còn hơn nước vuông tôm, cực khổ dữ lắm. Lắp xong đường nước tôi tắm một bữa cho đã. Giờ ngon rồi, bà con ở đây khỏe lắm. Có nước, người dân còn mừng hơn trúng số”, ông Chiến tươi cười.
Còn đối với bà Trần Thị Út (64 tuổi, ngụ địa phương) việc có nước sạch về tận nhà đã khiến bà thức trắng nhiều đêm liền vì mừng. Bà Út đã vạch ra cho gia đình kế hoạch sử dụng nước sinh hoạt hợp lý khi được hòa mạng hệ thống nước sạch của nhà nước.
“Tôi sống ở đây hơn 30 năm nay rồi, đến nay mới thấy được hệ thống nước sạch nên mừng lắm. Do nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm mặn nên tôi thường sử dụng nước “chia hơi” từ hộ khác về, nhưng chỉ lấy nước vào ban đêm”, bà Út nói.
Đồng thời, bà Út cho biết thêm, hay tin nhà nước kéo đường ống cấp nước ngang nhà, vợ chồng bà mừng không ngủ được. “Mấy đứa cháu nội tôi liên tục hỏi khi nào được tắm nước sạch. Trước đây, tắm thì xuống sông tắm nước mặn, xả lại chỉ 1 ca nước ngọt. Nấu ăn, uống thì đổi nước lọc, có tiền đổi nhiều, không tiền thì đổi ít. Giờ nôn nao có nước sạch dữ lắm rồi”, bà Út hớn hở.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết: “Ở khu vực ấp Minh Hà B xưa giờ đặc biệt khoan giếng không có nước ngọt, có hộ khoan nước có độ mặn nhẹ, có hộ khoan cả chục lần nhưng nước không sử dụng được. Việc Trung tâm NSVSMTNT tỉnh Cà Mau nâng cấp, mở rộng 2km đường ống cấp nước đã giải quyết được bức thiết về nước sinh hoạt cho 59 hộ dân trên tuyến, bà con rất mừng, rất ủng hộ. Mặc dù hệ thống cấp nước của trạm hiện đã quá tải, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phục vụ cho bà con ở ấp Minh Hà B, chúng tôi phân bổ thời gian phù hợp để đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân trên toàn tuyến”.
>> ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 1: Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
>> ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình