Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Bảo vệ môi trường

ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững

Trần Khải 20/04/2024 06:00

Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.

Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết hạn hán đã làm ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, huyện Trần Văn Thời và U Minh bị ảnh hưởng nặng nhất. Dự báo tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4.

Thời gian qua, đ bàn huyện Trần Văn Thời xuất hiện 601 điểm sụt lún, sạt lở trên 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài gần 16km gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 hộ gia đình thiếu nước hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở TP.Cà Mau với 801 hộ và các huyện Trần Văn Thời với 677 hộ, Thới Bình với 581 hộ, U Minh với 513 hộ, Đầm Dơi với 371 hộ.

1(2).jpg
Một điểm cấp nước uống miễn phí ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh - Ảnh: Trần Khải

Nhận định của ngành chức năng địa phương, trong thời gian tới, nhiều khu vực trong tỉnh thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa thuộc 2 huyện Trần Văn Thời, U Minh, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân. Mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của 2 huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau đã cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán hoặc sạt lở đất, sụt lún đất thuộc cấp độ 2.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, tỉnh Cà Mau xác định các khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, triển khai các giải pháp phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình như: thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa, bồn chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến... Đồng thời, mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân; tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

3(2).jpg
Cà Mau nỗ lực nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực không khoan được giếng - Ảnh: Trần Khải

Tại huyện U Minh, ông Phạm Văn Nhạn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn diễn ra trầm trọng. Nguyên nhân là do khoan giếng không được, dân cư sống phân tán, thưa thớt nên khó khăn trong việc đầu tư mạng lưới cấp nước tập trung.

“Toàn huyện U Minh hiện có 20 công trình cấp nước tập trung, hiện còn 8 công trình vận hành bền vững. Trong đó, Công ty cổ phần cấp nước Cà Mau quản lý 4 công trình và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Cà Mau quản lý 4 công trình”, ông Nhạn cho biết.

Trước thực trạng trên, huyện U Minh đã đề xuất UBND tỉnh mở rộng, nâng cấp Trạm cấp nước tuyến T29, xã Khánh Lâm để cấp nước cho người dân ở 4 xã gồm: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hội. Đề xuất mở rộng đường ống trạm cấp nước ấp 4, xã Khánh Lâm cấp nước sinh hoạt cho người dân các ấp 6, 9, 10 của xã Khánh Lâm và ấp 6,7 xã Khánh Hòa.

4(3).jpg
Về lâu dài, tỉnh Cà Mau cần kinh phí để nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt

Cần giải pháp bền vững

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho hay địa phương có 4 nhóm thiếu nước. Trong đó, nhóm 1 là những trường hợp sinh sống phân tán, thưa thớt với 613 hộ; nhóm 2 là những trường hợp sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng là 1.106 hộ; nhóm 3 là những trường hợp sinh sống ở khu vực có nước nối mạng nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt với 298 hộ và nhóm 4 là những trường hợp sinh sống tập trung, nhưng chưa có công trình cấp nước với 603 hộ.

“Qua rà soát, khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình với khoảng 1.719 hộ do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún làm giao thông bị chia cắt”, ông Vũ nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, đối với nhóm 1, giải pháp đưa ra là tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ ngay khoảng 227 bồn nhựa loại 1m3 đề trữ nước cho các hộ dân khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình (những hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có. dụng cụ trữ nước). Kinh phí dự kiến khoảng 454 triệu đồng.

Số còn lại các địa phương đề xuất bố trí 14 điểm cấp nước tập trung tại các xã Hòa Tân (TP.Cà Mau), Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân), Đông Thới, Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước). Đồng thời, đề nghị hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đối với nhóm 2, giải pháp được đưa ra là mở rộng mạng đường ống cấp nước cho người dân sinh sống ở những khu vực không khoan được giếng nước ngầm; gần công trình cấp nước tập trung nhưng đường ống chưa tới; người dân không có nước sử dụng do kênh rạch khô cạn, giao thông bị chia cắt; không vận chuyên nước được.

“Qua rà soát, những nơi có thực trạng thiếu nước nêu trên về khả năng các công trình đủ điều kiện về quy mô, công suất để mở rộng, kéo dài đường ống các công trình hiện hữu, tổng chiều dài tuyến khoảng 56km. Đồng thời, cải tạo lại 3 giếng khoan tập trung trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, để người dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt. Kinh phí dự kiến khoảng 9,6 tỉ đồng”, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho hay.

Đối với những trường hợp thuộc nhóm 3 và nhóm 4, hiện nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết đang trong giai đoạn hạn hán, nắng nóng ở mức độ gay gất, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân luôn liên tục và ở mức cao. Vì vậy, các trạm cấp nước do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, các trạm cấp nước do UBND cấp xã quản lý có thể quá tải trong giờ cao điểm hoặc do sự cố hư hỏng máy móc, thiết bị, dẫn đến tình trạng nước chảy yếu hoặc thiếu nước xảy ra cục bộ.

2(2).jpg
Nhân viên Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau đấu nối nguồn nước cho người dân khu vực thiếu nước - Ảnh: Trần Khải

Do đó, đề chủ động và đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt trong thời gian nắng nóng do hạn hán, các đơn vị cấp nước thường xuyên khuyến cáo người dân chủ động tích trữ nước vào các dụng cụ chứa nước sẵn có của gia đình, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế sử dụng nước giờ cao điểm.

Giải pháp trước mắt, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị đơn vị cấp nước chủ động cấp nước luân phiên để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng. Về lâu dài, khi được bố trí nguồn vốn phù hợp, địa phương sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa, đấu nối hòa mạng và xây dựng mới để cung cấp nước sinh hoạt bền vững cho người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, Cà Mau không có nguồn nước ngọt, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp tổng thể, phù hợp. Trong đó, có giải pháp xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ để ngăn nước mặn chảy từ biển Đông vào Cà Mau.

"Khi cống âu thuyền Tắc Thủ xây dựng xong thì huyện Trần Văn Thời có thể tích trữ được nước ngọt. Để đảm bảo tính khả thi, trước mắt Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn vốn công trung hạn để xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua kênh Chắc Băng từ Quản lộ Phụng Hiệp về Cà Mau", ông Hiệp cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng do hạn hán như: hỗ trợ dụng cụ trữ nước (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang); thiết lập các điểm cấp nước công cộng (Tiền Giang); khoan bổ sung giếng khoan (Long An); sử dụng thiết bị lọc mặn (Bến Tre)...

>> ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 1: Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt

>> ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
39 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững