Đọc hiểu là một phần trong cấu trúc đề thi môn ngữ văn mới thực hiện từ năm học 2013 - 2014 nên nhiều học sinh còn chưa quen với các thao tác làm bài câu này.

Để làm tốt phần đọc hiểu môn văn

Một Thế Giới | 11/04/2015, 09:52

Đọc hiểu là một phần trong cấu trúc đề thi môn ngữ văn mới thực hiện từ năm học 2013 - 2014 nên nhiều học sinh còn chưa quen với các thao tác làm bài câu này.

Mặc dù tỷ lệ điểm khoảng 30% tổng điểm số bài làm nhưng phần này có vai trò quan trọng quyết định điểm số toàn bài thi, giúp thí sinh (TS) có cơ hội trúng tuyển cao. Để giúp các TS phát huy được năng lực làm bài phần đọc – hiểu đạt điểm tối đa, với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp dạy ôn thi, tôi xin khái quát những kiến thức và kỹ năng làm bài cơ bản để có một kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.

Trước hết, TS cần nắm được kiến thức trong phần ngữ liệu đọc hiểu được trích dẫn, thường thơ hoặc / và văn xuôi, có khi trích một số văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ khác, trong đó có thể ra ngoài chương trình sách giáo khoa. Phần này tập trung kiểm tra: đọc hiểu nội dung chính, các thông tin quan trọng của văn bản, hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản. Kiểm tra kiến thức về từ ngữ (các loại từ, nghĩa của từ); cách phân chia câu, các loại câu, các dạng câu sai; dấu chấm câu, chức năng của từng dấu; các loại phong cách ngôn ngữ. Đọc hiểu một số biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ ngữ âm, từ vựng ngữ nghĩa, cú pháp trong văn bản và nêu tác dụng của chúng. Với nội dung kiến thức trên, nếu TS không hoặc chưa nắm vững thì cần phải ôn luyện ngay từ bây giờ, vì có nắm được lý thuyết mới hiểu và làm bài tốt.

Về mặt kỹ năng làm bài, đầu tiên TS cần phải có khả năng nhận biết đề như một yêu cầu bắt buộc. Nhận biết rõ ngữ liệu trích dẫn trong đề là ngữ liệu được trích ở đâu (sách giáo khoa, báo chí, tác phẩm văn học ngoài sách, hoặc các nguồn khác... thể loại văn bản được trích dẫn là gì (văn xuôi, thơ, các loại văn bản khác); văn bản được trích dẫn thuộc phong cách ngôn ngữ nào; có tất cả mấy câu hỏi trong yêu cầu, mỗi câu hỏi có mấy ý cần trả lời; nội dung yêu cầu của từng câu hỏi ra sao, mỗi nội dung đó cách trả lời như thế nào.

Từ sự nhận biết trên, TS sẽ định hướng được cách làm bài để đáp ứng cả yêu cầu hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, chữ viết phải rõ ràng, cách trả lời phải theo từng yêu cầu đề, không được trả lời chung chung. Mỗi câu phải tách bạch bằng việc đánh số câu tương ứng với số câu trong đề, trả lời trọn vẹn những ý đã hỏi. Khi hết câu phải xuống đoạn đánh số và trả lời câu hỏi khác. Chú ý phần này không viết thành đoạn, bài văn dài dòng mà chỉ trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Tùy theo câu hỏi mà có thể trả lời bằng một đoạn văn hoặc bằng những ý gạch đầu dòng cho tương ứng. Về nội dung phải trả lời đúng với yêu cầu câu hỏi, sát nghĩa, sâu và mang tính khoa học.

Không được hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi hai vấn đề nhưng chỉ trả lời một, cũng không trả lời câu này chưa xong lại sang câu khác. Về thời gian trình bày, do câu đọc hiểu chỉ 30% tổng số điểm bài thi nên TS cần phân bố lượng thời gian làm bài câu này khoảng 30 đến 40 phút trở lại cho phù hợp với lượng thời gian 180 phút của toàn bài. Tránh tình trạng sa vào câu này mà ảnh hưởng đến thời gian làm câu khác.

Theo Ths. Đào Tấn Trực (TN)

(tổ ngữ văn, Trường THPT Lê Thành Lương, Phú Yên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để làm tốt phần đọc hiểu môn văn