Lãnh đạo Bộ GTVT vừa đề xuất làm 43km đường sắt nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.
Thảo luận về việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 8.6, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, chủ trương thực hiện dự án này xuất phát từ nhu cầu của ngành hàng không, khi sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Theo đó, dự án cầnlàm ngay tiếp theo sân bay Long Thành làtuyến đường sắt dài 43km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành.
“Đây là cơ hội rất lớn cho TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi chúng tôi sẽ phải tiếp cận ngay và có trách nhiệm ngay”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, vì nếu không cứ bỏ tiền ra nhưng hiệu quả khai thácsẽ thấp.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ huy động nhiều kênh như ngân sách nhà nước, ODA, các nhà đầu tư, cổ phần hoá... Nhưng trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, không thể huy động vốn ODA hay tư nhân mà chỉ có thể lấy từ ngân sách", ông cho biết.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, dự án sân bay Long Thành được nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước quan tâm, sẽ được hướng gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ông Bùi Xuân Thống - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ủng hộ phương thức thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án Long Thành, đồng thời đề nghị Chính phủ triển khai sớm quy hoạch phát triển vùng đô thị bên cạnh sân bay.
Trước lo ngại việc triển khai dự án Long Thành sẽ khiến nợ công tăng, đại biểu Vũ Trọng Kim nói "nên có quan điểm mới về vấn đề này" bởi "muốn kiến tạo phát triển thì phải có gan, vì có gan mới có thể làm giàu". Ông đề nghị Chính phủ mạnh dạn trình ra Quốc hội cách thức thu hồi vốn và trả nợ vay để tránh tâm lý nặng nề là nợ công cao, cho nên không dám đầu tư.
Là người sinh sống tại TP.HCM và chứng kiến sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi đó đất còn lại của sân bay Tân Sơn Nhất lại khai thác công năng khác, đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn…, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho rằng: Sân bay Tân Sơn Nhất đang rất quá tải, vậy điều vô lý là tại sao lại dành đất cho sân golf? Nếu dành đất phục vụ cho mục đích quân sự thì sẵn sàng và không phải tranh cãi, nhưng lại trở thành đất dân sự để kinh doanh là điều không thể chấp nhận được. Vì sân golf chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người, không vì lợi ích chung.
“Như vậy không được. Những ai sẽ đi vào đó để đánh golf?Liệu nhu cầu sân golf có cần hay không. Sân golf phục vụ cho ai, chỉ là nhóm người giàu để thu tiền thôi. Nhưng số tiềncó lại có so đượcvới uy tín đã mất hay không. Trong khi đó, thành phố phải đối phó với việc Tân Sơn Nhất kẹt xe, nhiều chuyến bay bị chậm... biết bao nhiêuthiệt hại. Mà thiệt hại là thiệt hại chung trong khi nguồn thu kia lại riêng cho một nhóm nên việc này không chấp nhận được”, đại biểu Lan nói.