Sau hơn 15g bay, và 2 lần nối chuyến, chúng tôi đến Bucharest. Thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của nước cộng hòa Romania.

Đến thăm Romania, quê hương của Dracula

Trần Văn Trường | 28/06/2016, 12:23

Sau hơn 15g bay, và 2 lần nối chuyến, chúng tôi đến Bucharest. Thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của nước cộng hòa Romania.

Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá đất nước Romania hiền hòa xinh đẹp với những thắng cảnh nổi tiếng: cung điện Peles nguy nga lộng lẫy đến choáng ngộp, những lâu đài cổ kính, căn nhà nổi tiếng gắn vớicuộc đời của bá tước Dracula, và còn đó một thủ đô Bucharest đang chuyển mình tiến về phía trước nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó những hồi ức về một thời cộng sản độc tài đến nghẹt thở của Nicolai Ceausescu.


Cung điện Peles

Đất nước Romania nằm trên vị trí khá trung tâm của con đường giao thương nối liền châu Á và châu Âu trong thời cổ và trung đại. Vì vậy vùng đất này luôn bị cát cứ thành nhiều quốc gia nhỏ bởi các lãnh chúa phong kiến cũng như chịu sự đô hộ từ các nước lân bang.

Đến năm 1866, vua Carol đệ nhất chính thức lên ngôi, bắt đầu mở ra giai đoạn huy hoàngtrong lịch sử Romania. Năm 1875, vua Carol đệ nhất cho khởi công xây dựng cung điện Peles hay còn gọi là cung điện mùa hè dưới chân ngọn núi Bucegi, thuộc thành phố Sinaia ngày nay.

Kiến trúc sư Wilhelm Von Doderer được chọn làm người thiết kế cho cung điện này theo trường phái phục hưng kiểu Đức. Năm 1883, công trình được khánh thành. Nhưng trong thực tế, việc xây dựng và hoàn thiện vẫn còn tiếp tục kéo dài mãi đến tận năm 1914, nghĩa là sau 39 năm xây dựng cung điện mới thực sự hoàn thành.

Phía trước sân là những hàng tượng và đài phun nước được chạm trổ khá sống động và tinh xảo, xa xa ngọn núi có cây phủ xanh rì án ngữ như bức bình phong tự nhiên chở che cho cung điện.

Toàn bộ nội thất bên trong cung điện được trang trí bằng gỗ quí, những trần nhà ốp gỗ mạ vàng, và cơ man nào là những bình gốm sứ mạ vàng, các tượng đá cẩm thạch cùng rất nhiều các bộ tủ ghế sang trọng được chạm trổ cầu kỳ, những tấm thảm lót sàn nhà được dệt bằng len với nhiều họa tiết sống động tươi vui.

Những chiếc đèn chùm được làm từ pha lê toả ánh sáng lung linh huyền ảo. Toàn bộ cung điện là một kiệt tác mà khó có mỹ từ nào có thể diễn tả hết được mức độ sang trọng và xa hoa của nó. Tôi lặng người đi để nghĩ về những người thợ đã từng xây dựng cung điện này ắt hẳn họ phải là những người thợ có bàn tay và khối óc vô cùng khéo léo và tinh tế. Họ đã tạo nên một công trình tuyệt tác về kiến trúc lẫn nghệ thuật.

Mặc khác, cung điện không chỉ là công trình xuất sắc về mặt mỹ thuật, mà nó còn được xem là cung điện tiện nghi và hiện đại nhất châu Âu thời bấy giờ. Hệ thống đèn điện được dùng để thắp sáng thay cho đèn cầy, nguồn điện được tạo ra từ việc ngăn một dòng suối nhỏ gần đấy để gắn tua- bin làm máy phát điện. Hệ thống sưởi, thang máy điện và điện thoại cũng đã có mặt trong cung điện này.

Trong thời gian đất nước Romania trước những năm 1990, nơi đây thường xuyên được dùng làm nơi tiếp khách, chính vì vậy những nội thất trong cung điện này được bảo tồn gần như khá trọn vẹn.

Sighisoara, thành phố cổ kính

Từ Sibiu, mất khoảng 2g đi xe, chúng tôi đến Sighisoara, một thành phố yên bình và xinh đẹp được xây dựng từ thời trung cổ. Theo một số nhà nghiên cứu, Sighisoara được xây dựng từ những năm 1280 bởi những người Saxon. Và nó từng một thời rất thịnh vường và giàu có với những phường nghề khá sầm uất và nhộn nhịp.

Sighisoara được xây dựng trên một ngọn đồi. Trước khi vào bên trong chúng tôi phải đi qua một cổng thành khá kiên cố. Trên cổng thành là những lỗ châu mai, ngày xưa những lỗ này là nơi dung để dội nước sôi hay dầu nóng xuống đầu những kẻ thù nào cố gắn công phá cổng thành.

Những con đường được lát đá lổm chổm hơi gồ ghề dẫn vào khu vực trung tâm, nơi có tháp đồng hồ cao vút. Tháp đồng hồ có 6 tầng, bên trong mỗi tầng được trưng bày những hiện vật và tư liệu khá quý giá. Ấn tượng nhất đối với du khách là bên cạnh những dụng và sản phẩm dành cho sinh hoạt hàng ngày, thì ở tầng hai của tháp là nơi trưng bày về các bộ dụng cụ y khoa đã có từ thế kỉ 18-19. Đó là các đồ dùng trong phẩu thuật và bào chế thuốc, bao gồm các loại dao mổ, kẹp gắp, cưa... dùng để phẩu thuật cho bệnh nhân.
Đặc biệt, họ cũng biết sử dụng giả dược như liệu pháp tâm lý trong việc điều trị các loại bệnh mãn tính hay nan y.


Khi lên đến tầng trên cùng của ngọn tháp, một quang cảnh khá dẹp và hùng vĩ, dòng sông Tarnava Mare mềm mại uốn quanh thành phố. Những ngôi nhà cổ san sát bên nhau với mái ngói màu đỏ nổi bật giữa bầu trời xanh biếc. Thành phố khá chỉnh chu xinh đẹp, ắt hẳn nơi đây đã từng có một cuộc sống rất sung túc và thịnh vượng trong quá khứ. Trên vách lan can tháp, là những bản đồng ghi tên chỉ hướng các thành phố nổi tiếng trên thế giới cũng như khoảng cách từ Sighisoara đến đó là bao nhiêu km. theo đường chim bay.

Bên cạnh dưới chân tháp đồng hồ, ngày nay còn một căn phòng mà xưa kia dùng để hành quyết các phạm nhân trong thời trung cổ. Các hình phạt khá khủng khiếp và vô cùng đau đớn: phạm nhân có thể bị dùng cọc đóng xuyên qua thân thể rồi cấm trên đầu cọc rồi đặt ở nới mà mọi người có thể nhìn thấy nhằm răn đe trấn áp. Hoặc phạm nhân có thể bị treo lên một dụng cụ giống như hình cái thang, phần chân hoặc tay sẽ bị treo lên, phần còn lại sẽ cột vào một cái dây có kết nối với cái ròng rọc. Khi đó ròng rọc sẽ được kéo, thi thể phạm nhân sẽ bị kéo căng ra và tứ chi sẽ bị kéo rời ra khỏi thân thể…


Cách tháp đồng hồ không xa là một ngôi nhà khá cổ kính và bí hiểm. Đó là nhà hàng mang tên Casa Vlad- Dracul. Và ngôi nhà này cũng chính là nơi sinh ra của một nhân vật khá nổi tiếng, Vla Tepes (Vla the impaler) - hay còn gọi là Dracula một vị lãnh chúa của vùng Transylvania- người mà sau này nhà văn Bram Stock dùng để xây dựng thành nhân vật ma cà rồng nổi tiếng khắp thế giới – Bá tước Dracula. Tương truyền rằng trong ngôi nhà này cha của Dracula đã sống trong khoảng thời gian 4 năm, và Dracula cũng đã cất tiếng khóc chào đời tại đây.

Trong các câu chuyện lưu truyền ở Romania, lãnh chúa Vla the Impaler được kể lại với nhiều góc độ khác nhau, trong đó có những chuyện mô tả về ông như một kẻ ác độc thích lấy sự giết chóc làm trò tiêu khiển. Nhưng về cuối đời, Vla Tepese đã có cái chết thê thảm, ông đã bị quân của Thổ Nhĩ Kỳ chặt đầu, thủ cấp của ông được bảo quản bằng cách ngâm vào trong hủ mật ong để mang về Constantinople - tức Istanbul, thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Trần Văn Trường – VYC Travel
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến thăm Romania, quê hương của Dracula