Việc di dời các tuyến vận tải đến Bến xe miền Đông mới khiến nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại số lượng hành khách giảm và những doanh nghiệp nhỏ, ít xe tranh thủ vào nội thành hoạt động để lôi kéo khách. Từ đó, tình trạng “xe dù, bến cóc” núp bóng xe hợp đồng có thể hoạt động mạnh trong thời gian tới.

Di dời xe ra Bến xe miền Đông mới: Vẫn lo cảnh ‘xe dù, bến cóc’

24/09/2020, 15:36

Việc di dời các tuyến vận tải đến Bến xe miền Đông mới khiến nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại số lượng hành khách giảm và những doanh nghiệp nhỏ, ít xe tranh thủ vào nội thành hoạt động để lôi kéo khách. Từ đó, tình trạng “xe dù, bến cóc” núp bóng xe hợp đồng có thể hoạt động mạnh trong thời gian tới.

Bến xe miền Đông mới sắp đưa vào khai thác - Ảnh: TL

Từ ngày 10.10, Bến xe miền Đông mới (quận 9, TP.HCM) sẽ bắt đầu được đưa vào khai thác. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vận tải và cả hành khách trong việc di dời về Bến xe miền Đông mới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Bến xe miền Đông, từ ngày 10.10, các tuyến cố định (24 tuyến) đi từ Bến xe miền Đông hiện hữu đến các bến xe từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc sẽ hoạt động và thực hiện giờ xuất bến tại Bến xe miền Đông mới.

Để chuẩn bị cho công tác di dời tuyến, thực hiện các thủ tục để ký kết hợp đồng với bến xe mới, Bến xe miền Đông hiện hữu đề nghị các đơn vị vận tải có tuyến đường được di dời nhanh chóng liên hệ đơn vị này để thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng hoạt động tại bến cũ. Các đơn vị vận tải cũng cần xây dựng phương án hoạt động và thực hiện các hồ sơ liên quan để ký kết hợp đồng với Bến xe miền Đông mới.

Ông Huy nói trong thời gian 3 tháng, các đơn vị vận tải tạm thời được tiếp tục lưu đậu và đón trả khách tại Bến xe miền Đông hiện hữu trước khi Bến xe miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định. Đơn vị này cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải liên hệ Bến xe miền Đông để sắp xếp, bố trí. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải và thói quen đi lại của người dân.

Trong khi đó, các tuyến xe không thuộc diện di dời nhưng có hành trình qua Bến xe miền Đông mới vẫn được vào trung chuyển khách tại đây. Cũng theo đại diện Bến xe miền Đông, giai đoạn đầu khi bến xe mới khai thác có hai tuyến xe buýt 603 và 604 kết nối trực tiếp từ bến xe hiện hữu ngang qua bến xe mới.

Đáng chú ý, việc di dời các tuyến vận tải đến Bến xe miền Đông mới khiến nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại sản lượng hành khách giảm do các phương tiện kết nối chưa vận hành, phát sinh thêm chi phí thuê nhân viên đặt thêm quầy vé tại bến xe mới. Đặc biệt, việc di dời cũng khiến những doanh nghiệp nhỏ, ít xe tranh thủ vào nội thành hoạt động để lôi kéo khách. Từ đó có thể khiến tình trạng “xe dù, bến cóc” núp bóng xe hợp đồng hoạt động mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói rằng Sở đã thống nhất với các lực lượng kiểm tra, xử lý một số khu vực trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường xung quanh khu vực Bến xe miền Đông cũ và dọc tuyến kết nối bến xe mới. Tổ thanh tra của Sở sẽ có trách nhiệm kiểm soát, xử lý, báo cáo kịp thời tình trạng "xe dù, bến cóc", đảm bảo việc di dời đi liền với chống hiện tượng xe hợp đồng trá hình. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ phối hợp khảo sát, gắn thêm camera phục vụ xử phạt nguội, cắm biển báo, phân luồng giao thông, tránh ùn tắc giao thông quanh bến xe mới.

Bến xe miền Đông mới khởi công từ tháng 4.2017 với diện tích hơn 16ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TP.HCM). Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 và đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2018. Thế nhưng, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ của dự án đã chậm trễ. Đến nay, Bến xe miền Đông mới đã phải qua 5 lần đổi thời điểm chính thức đưa vào khai thác.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di dời xe ra Bến xe miền Đông mới: Vẫn lo cảnh ‘xe dù, bến cóc’