Cuối năm, nhu cầu về tất cả các phương diện của người tiêu dùng đều tăng cao, cùng với đó là giá cả các mặt hàng leo thang chóng mặt. Theo đó, tận dụng sức mua cao dịp Tết, rất nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng... đã lên kế hoạch kinh doanh để kiếm thêm.
Bán thực phẩm online
Kinh doanh thực phẩm online là một trong những loại hình buôn bán luôn thu hút số đông chị em. Trong những ngày Tết, loại hình này lại được phe "nở rộ", bởi người người săn lùng, nhà nhà đều có nhu cầu đặt mua với số lượng lớn dự trữ cho những ngày ăn chơi cuối năm.
Một trong những loại thực phẩm dễ tiêu thụ nhấttrong dịp Tết là đồ ăn như: Giò, chả, dăm bông, thịt gà quê, bánh chưng...
Chị Sinh, một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết trong những ngày gần Tết, chị tranh thủ đặt giò, bánh chưng ở quê để bán qua mạng kiếm thêm mấy ngày tết. Theo chị Sinh, mỗi ngày chị cũng có lãi khoảng 1 triệu, hôm nào đông khách thì nhiều hơn 1 chút.
Vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày Tết càng trở nên nhức ngối, vì vậy người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên các loại mứt kẹo "handmade" như kẹo lạc, mứt dừa, mứt chôm chôm, mứt hoa hồng...Theo đó, nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng đã bắt tay kinh doanh những sản phẩm này để bán cho những người có nhu cầu mua thực phẩm ngon mà rẻ trong những ngày Tết.
Phục vụ tại siêu thị, nhà hàng...
Mỗi dịp Tết đến xuân về, siêu thị, nhà hàng sẽ là những điểm đến đông đúc nhất. Do đó, làm thời vụ ở đây là lựa chọn hàng đầu của đa số sinh viên hiện nay.
Bạn Hồng (sinh viên trường Đại học Công đoàn Hà Nội) xin làm phục vụ tại một nhà hàng trên đường Láng cho biết, giáp Tết, do khách đông nên việc phục vụ khá vất vả. Tuy nhiên, ông chủ sẵn sàng trả lương đến 20.000 đồng/giờ.
“Mỗi ngày làm ca 8 tiếng, mình được trả 160.000 đồng, chưa kể ngày tăng ca có thể lên tới 200.000 đồng - mức thu nhập tốt so với những công việc thời vụ khác của sinh viên như gia sư, bán hàng thuê tại chợ”, Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện một siêu thị tại Hà Nội cho biết gần tết, nhu cầu bưng bê, đóng gói, sắp xếp... hàng hóa vào kệ siêu thị là rất lớn nên việc tăng số lượng nhân viên làm thời vụ đều được thông báo từ trước Tết 2 tháng. Tổng số lượng tuyển trong các khâu phải lên tới hàng trăm người, trong đó đa số là các bạn sinh viên.
Bán hàng thuê
Mặc dù bận học vào buổi sáng nhưng Thu (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn tranh thủ buổi chiều, tối và cuối tuần bán hàng tại một hàng tạp hóa trên đường Kim Mã. Thu cho biết, bán hàng Tết rất vất vả vì khách đông, nhưng chỉ làm thêm 1 tháng, lương của Thu cũng được 6 triệu đồng và được tặng kèm quà Tết.
Trong khi đó, theo lời chị Lê Mai - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Kim Mã chia sẻ, vào tháng gần Tết, các loại hàng hóa như: mứt, bánh kẹo, rượu bia... lại được nhập về gấp 4-5 ngày thường nên nếu không thuê người làm thì một mình chị không "kham" nổi. Chị cho biết mỗi năm vào thời điểm này là chị phải thuê khoảng 3 bạn sinh viên chia ca làm.
Kinh doanh hoa Tết
Hoa, cây cảnh luôn là những mặt hàng thiết yếu của mỗi gia đình trong dịp Tết. Theo đó, mặt hàng này cũng được đánh giá là kinh doanh khả quan nhấtvào thời điểm này.
Khi nhắc đến hoa Tết, không thể bỏ qua hoa ly, cúc,tầm xuân, đồng tiền... những loại hoa đẹp đại diện cho sự thanh tao và may mắn. Vì vậy, hầu như Tết về, ai cũng mua những loại hoa trên về trang trí phòng khách và cắm trên bàn thờ.
Ngoài những loại hoa tươi thông dụng này, các loại cây lộc cực kỳhút khách trong dịp Tết với mong muốn sang năm mới đại phát lộc thọ cũng lên ngôi. Theo đó,nhiều người lựa chọn kinh doanh những loại cây mang hơi hướng tâm linh như: cây lộc, cây sung, cây mía, kim tiền, hoa trạng nguyên, hoa thủy tiên…
Theo lời một số chủ hàng kinh doanh hoa dịp Tết, mỗi ngày số lãi thu về cũng khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Tin và ảnh: Tuyết Nhung