Theo chỉ thị số 2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2017 sẽ tập trung tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.

Hàng loạt giải pháp xử lý những 'cục nợ' của ngành ngân hàng năm 2017

tuyetnhung | 25/01/2017, 18:38

Theo chỉ thị số 2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2017 sẽ tập trung tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.

Mặc dùthời gian qua có những phản ánh và quan ngại về sự can thiệp quá sâu vào tài chính nội bộ của các thành viên, nhưng NHNN vẫn nhất quán và cứng rắn đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường..., thậm chí những giải pháp này sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn trong năm 2017 vì lý do cần cho an toàn hệ thống.

Cơ chế rắn với NHTM, QTDND

Tại chỉ thị, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ năm 2017 sẽ tập trung vào những ngân hàng yếu kém, ngân hàng có nợ xấu mà không tích cực xử lý. Cụ thể, tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại; các nhà đầu tư có đủ điều kiện sẽ tham gia cơ cấu lại để xử lý các TCTD yếu kém.

Bên cạnh đó sẽ tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) theo phương án được phê duyệt, trong đó phải áp dụng các biện pháp can thiệp xử lý của Nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và bằng một số biện pháp khác phù hợp với cơ chế thị trường...

Đáng chú ý, trong năm nay, Thống đốc sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý vi phạm sở hữu vốn của cổ đông lớn, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các NHTM cổ phần, đồng thời cơ cấu lại các công ty con, công ty liên kết, hạn chế mở rộng đầu tư ngoài lĩnh vực tài chính; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các TCTD trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, hiệu quả thấp.

Ngoài các TCTD, thời gian qua, hệ thống cũng chứng kiến những yếu kém tại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Theo đó, năm 2017 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập, xử lý các QTDND yếu kém, không có khả năng phục hồi.

Tập trung nợ xấu của ngân hàng yếu kém

Thống đốc yêu cầu các TCTD kết hợp triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; Kiên quyết xử lý những TCTD có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, TCTD không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.

NHNN sẽ không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy rút tiền tự động, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên góp vốn, đồng thời cũng áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với TCTD chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng kế hoạch xử lý nợ xấu.

"Trong năm nay sẽ tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ trên cơ sở minh bạch, làm rõ cơ chế cho sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; Hỗ trợ TCTD, Tổng công ty quản lý tài sản (VAMC)thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là đối với khách hàng vay chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ", Thống đốc nhấn mạnh.

Sau khi áp dụng nhiều giải pháp xử lý, những năm qua, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2012 tỷ lệ nợ xấu là 4,2%, sau khi thực hiện các biện pháp xử lý thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,55% nhưng đến tháng 6.2016 lại có xu hướng tăng lên 2,7% và hiện giờ, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,62%. Đáng chú ý, số nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng nợ xấu. Đây là những khoản nợ khó xử lý, phần lớn chưa thu hồi được.

Báo cáo từ VAMCcũng chỉ ra từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 52.062 khoản nợ tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc 262.054 tỉ đồng, giá mua nợ lũy kế 227.848 tỉ đồng.

Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản đảm bảo. Sau khi mua nợ, VAMC và các TCTD đã cơ cấu lại nợ 55.603 tỉ đồng, bán nợ 841 tỉ đồng, đôn đốc thu hồi nợ 15.875 tỉ đồng... tổng cộng đã xử lý được 155.362 tỉ đồng liên quan đến 8.400 khách hàng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt giải pháp xử lý những 'cục nợ' của ngành ngân hàng năm 2017