TP.HCM có tổng cộng 14.152 hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 355,198 MWp. Trong khi đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp.

Điện mặt trời áp mái ở TP.HCM: Tiềm năng lớn cần cơ chế tháo gỡ

Hồ Đông | 26/06/2023, 21:00

TP.HCM có tổng cộng 14.152 hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 355,198 MWp. Trong khi đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp.

Thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), thành phố hiện có tổng cộng 14.152 hệ thống điện mặt trời mái nhà (hay còn gọi là điện mặt trời áp mái), với tổng công suất 355,198 MWp đang hoạt động (chiếm khoảng 7% công suất trung bình của toàn bộ hệ thống điện). Con số này ấn tượng nhưng chưa xứng với tiềm năng của một thành phố có thời lượng nắng cao quanh năm.

Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, thành phố có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày.

Tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp (gấp 14 lần công suất hiện hữu). Có 4 nhóm đối tượng có thể phát triển mô hình này: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%.

Đáng ra, thành phố còn có thể phát triển hơn nữa điện mái nhà nếu như không có việc phát triển điện mặt trời mái nhà đã tạm ngừng từ đầu năm 2021 để chờ đợi chính sách mới từ Chính phủ.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết việc tạm dừng kết nối lưới điện đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các khách hàng trước đây đã lên kế hoạch đầu tư vào nguồn điện sạch này để sử dụng và bán lại phần công suất dư thừa cho ngành điện, nhưng không thể thực hiện được do tạm ngừng kết nối lưới điện.

dien-mat-troi.jpg
TP.HCM được đánh giá là có tiềm năng lớn cho điện mặt trời áp mái. Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình tại TP.HCM đã gặp khó khăn khi kết nối và phát điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, do không đáp ứng đầy đủ các quy định về hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là thủ tục phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp muốn đầu tư vào dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đã liên hệ để hỏi về cơ chế và thủ tục. Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản hỏi Bộ Công Thương.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Dự thảo này quy định người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ. Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, PCCC.

Trước mắt, TP.HCM sẽ có thêm nguồn điện mặt trời trên mái các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công… khi thực thi nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua. Theo nội dung của nghị quyết, trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công... được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng, UBND TP tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan.

Ngoài ra, trên cơ sở hệ thống lưới điện của thành phố bảo đảm giải tỏa hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải, TP.HCM đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT (giá hỗ trợ); cho phép thành phố sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

Từ đề xuất ý tưởng cho đến khi thực hiện sẽ cần phải có nhiều cân nhắc, điều chỉnh. Tuy nhiên, với việc xác định điện mặt trời từ mái nhà các hộ gia đình cho đến cơ quan công sở thì TP.HCM có thể tự chủ nhiều hơn trong nguồn điện, nhất là điện sạch, thân thiện với môi trường.

Theo ông Bùi Trung Kiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên liên quan cần ban hành quy trình để hướng dẫn thực hiện, lắp đặt, thực thi chính sách này một cách thuận lợi và nhanh chóng. Ông Kiên khẳng định: "Khi có quy trình rõ ràng, chúng ta sẽ sớm thực hiện được cơ chế này, thành phố sẽ có thêm nguồn điện mặt trời mái nhà".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện mặt trời áp mái ở TP.HCM: Tiềm năng lớn cần cơ chế tháo gỡ