TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng việc doanh nghiệp BĐS chiết khấu 40-50% nghe có vẻ sốc nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn còn lãi chứ không bị lỗ.

Doanh nghiệp BĐS chiết khấu “khủng”: Họ giảm lãi chứ không phải bán lỗ

Ngọc Trâm | 01/11/2022, 15:26

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng việc doanh nghiệp BĐS chiết khấu 40-50% nghe có vẻ sốc nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn còn lãi chứ không bị lỗ.

Thời gian gần đây, hàng loạt chủ đầu tư bất động sản mạnh tay chiết khấu 40-50% sản phẩm nếu khách hàng vào tiền khoảng 95% giá trị bất động sản đó. Mức chiết khấu khủng này được cho là “hiện tượng lạ” bởi những năm trước, việc chiết khấu thường chỉ rơi vào 5-10%.

Đơn cử, dự án Aqua City ở Đồng Nai đang gây xôn xao thị trường khi đưa ra ưu đãi ‘khủng’ như chiết khấu 50% cho 20 căn thanh toán nhanh ở một phân khu dự án. Theo đó, căn nhà phố rộng 154m2, có giá hơn 12,8 tỉ đồng thì chỉ còn hơn 6,8 tỉ đồng; chiết khấu 30% nếu khách hàng thanh toán sớm 95%, ưu đãi gói hoàn thiện nội thất chiết khấu 1,5 tỉ đồng trừ vào giá bán; cùng với đó là chính sách cam kết thuê lại trong 36 tháng với tất cả các sản phẩm từ biệt thự đơn lập, song lập đến shophouse, nhà phố liền kề.

Một chính sách "độc", chưa từng trên thị trường bất động sản là mua nhà được tặng đất. Đó là dự án Phúc Đạt Connect 2 ở Bình Dương áp dụng cho khách hàng mua từ 2 căn hộ trở lên sẽ được tặng 1.000 m2 đất tại Gia Lai. Chương trình áp dụng cho 20 suất mua sỉ đầu tiên và không áp dụng cho căn hộ 1 phòng ngủ. Hay dự án chung cư Hanoi Melody Residences ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang có chính sách chiết khấu tới 7% nếu khách hàng thanh toán theo tiến độ thông thường; nếu thanh toán sớm 95% thì chiết khấu lên tới 31% giá trị hợp đồng.

bds.jpg
Doanh nghiệp mạnh tay chiết khấu cho khách mua nhà

Không chỉ chiết khấu lớn cho khách hàng thanh toán tiền sớm, một số chủ đầu tư còn cam kết mua lại sản phẩm. Ví dụ với dự án của Novaland ở Đồng Nai, chủ đầu tư cam kết mua lại với mức lợi nhuận 18% trong 3 năm đầu sau khi nhận nhà; hoặc dự án nhà phố Bcons Plaza ở Bình Dương cũng cam kết mua lại lô đất của khách hàng với lợi nhuận lên tới 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng; hoặc một dự án lớn tại Hưng Yên cũng được chủ đầu tư cam kết mua lại với mức lãi lên tới 40% sau 5 năm với các sản phẩm thấp tầng…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này do giá bất động sản vừa rồi được đẩy lên rất cao, trong khi hiện nay tính thanh khoản thấp, nếu các chủ đầu tư không bán được hàng sẽ gặp nguy cơ trì trệ dự án.

Do đó, các chủ đầu tư tính toán “điều chỉnh giá xuống” bằng chính sách khuyến mãi, chiết khấu cao cho những nhà đầu tư đóng hết tiền. Bản chất của việc này là giảm giá nhưng cách làm khác đi mà thôi.

Thực tế, việc dòng tiền ngân hàng bị hạn chế, trái phiếu gặp khó và thị trường hấp thụ kém, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về dòng vốn.

Số liệu của Savills cho thấy, trong quý 3/2022, lượng giao dịch chung cư tại Hà Nội chỉ đạt 3.605 căn, tăng 61% nhưng tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới mở bán chỉ đạt 33%. Còn tại TP.HCM, số liệu từ Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết lượng căn hộ bán ra trên thị trường sơ cấp trong quý 3 đã giảm đến 54% so với quý 2, chỉ còn khoảng 4.150 căn. Bất động sản liền thổ cũng chỉ ghi nhận 272 căn được giao dịch.

Dữ liệu của VARS cho thấy nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại,...”, VARS nêu.

Nói với Một Thế Giới, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng việc chiết khấu 40-50% nghe có vẻ sốc nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn còn lãi chứ không bị lỗ.

hien-2.jpg
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

“Ở đây có sự chênh lệch rất lớn giữa giá cả bán và giá thực của sản phẩm, đến những giai đoạn khó khăn doanh nghiệp chiết khấu cao nhưng họ vẫn có lãi. Bởi một doanh nghiệp sẽ không bao giờ bán lỗ sản phẩm của mình, chỉ giảm lãi thôi”, ông Hiển nêu.

Ông Hiển cho rằng, vài năm nay họ có xu hướng mở bán giá cao, xong sẽ chiết khấu cao với nhiều ưu đãi. Với mức chiết khấu cao, người tiêu dùng, người có nhu cầu thực mà thấy phù hợp với nó thì sẽ được mua với giá rất rẻ và được hưởng lợi. Còn với những nhà đầu cơ muốn mua kiếm lãi thì rất có thể bị lỗ. Bởi lãi suất hiện nay khá cao, khoảng trên 12%, nếu ôm giữ 2 năm thì sẽ khá rủi ro.

Bài liên quan
Cuối năm, dòng tiền đổ về thị trường bất động sản vùng Đông Bắc Hà Nội
Sự xuất hiện của khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hội tụ nhiều chủ đầu tư uy tín tại khu vực Đông Bắc Hà Nội nhanh chóng tạo ra hấp lực mới, xoay hướng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp BĐS chiết khấu “khủng”: Họ giảm lãi chứ không phải bán lỗ