Các doanh nghiệp công nghệ đa số là vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu của TP.HCM.
Ngày 7.11, UBND TP.HCM chủ trì tổ chức hội thảo khoa học Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM: Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp. Hội thảo nhằm mục tiêu thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà” trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực.
Tại hội thảo, đại diện Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng, thành phốrất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, với việc xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mớikhoa học công nghệ. Hiện nay, có nhiều mô hình hợp tác giữatrường, viện và doanh nghiệp, nhưng xét ở cấp độ kết quả, có 8 hình thức hợp tác.
Nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ của TP.HCM cũng đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác các bên với kết quả khả quan. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện được 116 đề tài, dự án với tổng kinh phí đầu tư là 204,77 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 161,77 tỉ đồng (chiếm 79,0%), kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp là 43 tỉ đồng (chiếm 21%). Có 95 sản phẩm thiết bị, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ của chương trình và đã chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất có chất lượng tương đương với nhập khẩu.Trên 90% nhiệm vụkhoa học và công nghệcũng xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Trần Anh Tuấn cũng cho biết, chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.700 tỉ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.200 tỉ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 84,69 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua chương trình cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (lãi suất, thị trường, nguồn nhiênliệu đầu vào, địa điểm đầu tư...) nên một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại.
Chưa kể, các doanh nghiệp đa số là vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu. Còn các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho những dự án đăng ký tham gia chương trình kích cầu chưa thẩm định hết nội dung theo quy định như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ...
Mặc dù vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, trong hơn 5 năm qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn thị trường, cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêmnói rằng, với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của cả nước, TP.HCM có một mạng lưới doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư tài chính, các cơ quan, đơn vị, trường học, viện nghiên cứu với số lượng lớn, quy mô đa dạng và trình độ phát triển khá. Tuy nhiên, việc kết nối các đơn vị chưa thật sự chặt chẽ và thể hiện rõ nét, chưa có một số điểm chung kết nối vì sự phát triển của nền khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển của thành phố.
Phan Diệu