Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không có phương án kinh doanh tốt, nhưng lại trình ra bộ hồ sơ không minh bạch khiến nhiều ngân hàng e ngại và không cho vay. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải minh bạch quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tự kê khai và chịu trách nhiệm thì sẽ không lo thiếu vốn.
Báo cáo không minh bạch, doanh nghiệp khó vay vốn
Tại hội thảo về kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 2017 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới diễn ra gần đây tại TP.HCM,ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN cho biếthiện tại, TP.HCM còn dư địa cho vay 100.000 tỉ đồng để cho doanh nghiệp vay trong 2 tháng cuối năm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệplại thankhông tiếp cận được vốn do bị ngân hàng từ chối.
Theo ông Tú, nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng từ chối cho vay làdoanh nghiệp "chơi không đẹp", có dòng tiền về lại "lén" rút ra gửi ngân hàngkhác để nhận lãi suất cao hơn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sốngchủ yếu dựa vào vốn ngân hàng bởi vốn tự có rất ít nên rất rủi ro.
Về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên. Tuy nhiên, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần làm tốt 3tiêu chí: có phương án kinh doanh khả thi, có sức khỏe tài chính, có tài sản thế chấp. Nếu không có tài sản thế chấp thì ngân hàng phải tìm cách cho vay tín chấp.
“Hiện rất nhiều doanh nghiệp không có phương án kinh doanh tốt. Nhiều doanh nghiệp khi trình ra bộ hồ sơ vẽ lên bức tranh kinh doanh tuyệt đẹp dài hàng chục trang nhưng không thực tế. Thậm chí, phần lớn báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp không được kiểm toán. Sự cách biệt giữa báo cáo thuế và báo cáo doanh nghiệp là dấu hiệu cho thấy sổ sách không minh bạch. Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp, thì các ngân hàng phải tìm cách này cách kia để cho vay tín chấp, dẫn tới những hệ lụy về nợ xấu về sau”, ông Hiếu nói.
Ngân hàng chưa yên tâm“chọn mặt gửi vàng”
TS Trần Du Lịch nhìn nhận trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn kêu khó, lãi suất cao dẫn tới hạn chế đầu tư trung và dài hạn. Do đóđã tới lúccác ngân hàng cần đặt niềm tin nhiều hơn vào các doanh nghiệp. Bởi lẽ bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng hiện nay khác xa với thời điểm 2012- 2013 khi lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, nợ xấu cũng giảm xuống mức thấp nhất thì các ngân hàng cần phải xử lý tốt vấn đề “mỏng vốn” của doanh nghiệp Việt Nam.
“Giai đoạn hiện nay đã qua rồi cái thời nhìn mặt cho vay, đừng tưởng cứ đại gia dễ dàng vay vốn thì sẽ sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân hàng”, ông Trần Du Lịch nói.
Ông Lịch cũng cho rằng vốn cho doanh nghiệp cần phải tách ra 2 phần: vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện naychúng ta hay gọi chung là vốn nhưng đa phần là nợ. Doanh nghiệp đang huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu huy động qua ngân hàng thương mại, trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu rất yếu.Vì vậy, cần tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng mở rộng đầu tư, nhưng ngân hàng chưa yên tâm “chọn mặt gửi vàng” cho vay.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái cũng kiến nghị phía ngân hàng cần tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, ngân hàng cần có các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp như nguồn vay thế chấp, tín chấp và dự án, chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ cho công nhân viên của doanh nghiệp về mua nhà ở, nhà thu nhập thấp. Về phía doanh nghiệp cũng cần bước vào thời kỳ minh bạch quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm toán, tự kê khai và chịu trách nhiệm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCMcho rằng, các ngân hàng cần có những giải pháp mới, hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục đi vay cho doanh nghiệp.
Phan Diệu