Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay chưa chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ, trong khi đó Việt Nam cũng chưa thực sự có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy việc này. Điều ấy khiến không ít nhà quản lý cũng như doanh nghiệp phải đau đầu.

Doanh nghiệp FDI “né” chuyển giao công nghệ cho VN: Nên tự trách mình trước

Một Thế Giới | 04/12/2015, 19:38

Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay chưa chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ, trong khi đó Việt Nam cũng chưa thực sự có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy việc này. Điều ấy khiến không ít nhà quản lý cũng như doanh nghiệp phải đau đầu.

Hiếm hoi việc chuyển giao công nghệ

Vấn đề chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước luôn là mối băn khoăn không nhỏ của các doanh nghiệp cũng như giới quản lý nước ta. Gần đây, vấn đề này lại trở nên nóng hổi bởi những con số thống kê tình hình chuyển giao công nghệ rất ít ỏi, mờ nhạt.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ: “Tôi đã từng đến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để tìm hiểu tình trạng này. Tôi cũng nghe các lãnh đạo doanh nghiệp FDI nói rằng họ sẵn sàng chuyển giao nhưng Việt Nam không tiếp nhận được, thậm chí làm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng chưa làm được.  Doanh nghiệp FDI đánh giá các doanh nghiệp nội không có khả năng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ thì cũng có cái lý của họ”.

TS Hồ nói thêm, nếu tìm hiểu sâu hơn thì sẽ thấy nhiều doanh nghiệp FDI chỉ nói vậy thôi chứ cũng không hăng hái gì trong việc này. Sau này, khi thu hết lợi ích ở nước ta thì họ lại đi chỗ khác.

Theo PGS-TS Trần Văn Hải, Chủ nhiệm khoa Khoa học quản lý, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, số hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang hết sức ít ỏi.

Ông Hải cho biết từ đầu năm 2007 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã cấp giấy chứng nhận cho 254 hợp đồng chuyển giao công nghệ; trong đó có 217 hợp đồng thuộc các dự án FDI, 37 hợp đồng chuyển giao của các tổ chức, cá nhân và 11 hợp đồng của các cơ quan, tổng công ty nhà nước.

Theo một thống kê khác của tỉnh Bắc Nình, riêng trong năm 2014 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 139 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 22 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện bởi 15 DN FDI trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề ở chỗ, các hợp đồng này đều được thực hiện dưới dạng chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, chưa có hợp đồng nào chuyển giao từ DN FDI sang các DN trong nước.

Quá trình chuyển giao công nghệ lại có xu hướng được chuyển giao từ các DN trong nước. Theo điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam từ năm 2010-2014”, trong 5 năm qua, nếu xem xét cả DN trong cùng ngành và khác ngành có khoảng 80% việc chuyển giao công nghệ đã diễn ra giữa các DN trong nước, các công ty nước ngoài cùng và khác lĩnh vực chỉ chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước.

Như vậy, giới chuyên gia cho rằng tình hình chuyển giao công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa đạt được như kỳ vọng, đây là thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Do chúng ta là chính

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ cho rằng tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên, ta phải tự trách mình trước đã bởi chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ.

TS Lưu Bích Hồ cho hay về phía Việt Nam, do chúng ta khát vốn quá và cũng không quyết tâm trong việc lựa chọn và đưa ra những giải pháp để ràng buộc họ phải chuyển giao công nghệ, thành ra bảo rằng họ không làm thì trước hết là tại mình, trách mình trước rồi hãy trách họ.

Ngoài ra, tại chúng ta quản lý hết sức lỏng lẻo và ham thu hút, ham việc tạo ra sản phẩm để tăng GDP, tăng xuất khẩu mà không cần để ý đến chất lượng xuất khẩu đó như thế nào.

“Đặc biệt là từ khi mình giao việc quản lý FDI cho các địa phương thì tình trạng này càng trầm trọng và địa phương cũng không quan tâm nhiều đến việc chuyển giao công nghệ”, TS Hồ cho hay.

Ông Lưu Bích Hồ nói thêm, khi vào Việt Nam thì các doanh nghiệp FDI chỉ cần lợi nhuận, cần kết quả kinh tế chứ họ không phải vì trách nhiệm hay nghĩa vụ gì đối với Việt Nam nên họ không mặn mà cũng phải.

TS Hồ dẫn ra ví dụ, sở dĩ Samsung chạy từ Hàn Quốc sang Việt Nam bởi họ hết lợi ích khai thác từ Hàn Quốc. Thậm chí Samsung còn bị người dân nhiều lần phản đối vì vấn đề môi trường. Rồi Trung Quốc họ cũng đang đẩy mạnh FDI sang Việt Nam để thu lợi…

“Các chuyên gia Trung Quốc cũng nói với tôi rằng Việt Nam đừng có dại mà nhận nhiều FDI, nhưng tôi nghĩ chúng ta còn phải nhiều lần dại nữa thì mới khôn lên được”, TS Hồ lưu ý.

Theo TS Hồ, chúng ta cần có những giải pháp và chính sách cụ thể. Trước hết, chúng ta phải thẩm định kỹ lưỡng các doanh nghiệp FDI và có ràng buộc cụ thể, có chế tài đàng hoàng. 

TS Hồ cũng cho rằng chúng ta cũng phải xoay chuyển cơ cấu kinh tế, chú trọng chất lượng và nâng cao công nghệ thì dần dần mới thay thế được họ, có kênh kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp… chứ cứ tình trạng này thì rất khó cải thiện tình hình.

“Chúng ta đã nói rất nhiều, giờ phải bắt tay vào thực hiện chứ không thể cứ nói suông mãi”, TS Hồ chia sẻ. Nhưng ông nói chúng ta không vì thế mà hạn chế FDI mà cũng cần thiết phải mở cửa, hoan nghênh, nhất là sắp tới sẽ có những làn sóng đầu tư mới.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp FDI “né” chuyển giao công nghệ cho VN: Nên tự trách mình trước